Trong thời gian yêu, tôi cũng nhận ra Khánh rất nghe lời mẹ bởi đi chơi với bạn gái, anh cũng phải về đúng giờ theo ý bà. Thậm chí đưa bạn gái đi ăn đi chơi ở đâu anh cũng phải hỏi và làm theo ý kiến của mẹ. Có hôm tôi rủ đi ăn đồ nướng, vừa ngồi vào quá thì mẹ anh gọi điện. Thấy bà bảo ăn đồ nướng dầu mỡ không tốt, vậy là lập tức anh kéo người yêu đứng dậy tới quán khác theo chỉ dẫn của mẹ. Nhiều khi bực mình, tôi cũng góp ý song anh giải thích:
“Mẹ chỉ có mình anh là con nên anh không muốn mình làm bất cứ việc gì để mẹ phải lo lắng, nghĩ ngợi”.
Mặc dù không thực sự hài lòng với sự thiếu tự lập của bạn trai nhưng thấy anh thương mẹ, có hiếu như thế tôi đành tự an ủi bản thân rằng đàn ông biết lo cho mẹ, sau cũng sẽ biết nghĩ cho gia đình nên cũng không quá bận tâm nữa.
Có điều, càng ở cạnh nhau, cách sống phụ thuộc vào mẹ của anh đúng là làm tôi nhiều khi mệt mỏi ức chế nhưng nói thế nào anh cũng không chịu thay đổi. Đến gu ăn mặc của tôi anh cũng hướng theo ý của mẹ. Vì những chuyện như thế mà tôi với Khánh cãi nhau không biết bao nhiêu lần. Chán quá, tôi còn chủ động chia tay đôi bao lần song Khánh không chịu. Anh hứa sẽ thay đổi, song rồi đâu vẫn vào đấy.
Yêu gần 2 năm, chúng tôi quyết định đi tới hôn nhân. Tiếc rằng chính trong khoảng thời gian chuẩn bị cho đám cưới, mâu thuẫn giữa tôi với Khánh xảy ra ngày càng nhiều khi mà mọi thứ anh đều làm theo sự sắp đặt của mẹ. Hôm ăn hỏi, tôi muốn mặc áo dài cách tân nhưng bà bảo:
“Cứ truyền thống là đẹp. Mẹ không thích cách tân gì hết”.
Không ngờ, Khánh chẳng những không biết phân tích cho mẹ. Ngược lại, anh bắt tôi chiều theo ý bà. Rồi chụp ảnh cưới, tôi muốn chụp ảnh dã ngoại, mẹ anh nghe thấy can luôn:
“Ảnh cưới chụp xong để một chỗ, có ai xem đâu mà phải đổ tiền vào đó”.
Vậy là Khánh lại chuyển sang chụp ở phòng studio. Song tới váy cưới, tôi thẳng thắn nói luôn:
“Mọi thứ em đã chiều theo ý mẹ con anh. Váy cưới thì em đặt thiết kế riêng, cũng đã chuyển khoản, không thay đổi được”.
Mẹ Khánh biết, bà giận lắm. Gặp tôi, bà không nói chuyện. Dù thất vọng, tôi vẫn cố nhẫn nhịn cho qua để đám cưới được diễn ra suôn sẻ.
Nhưng tới hôm 2 đứa đi chọn nhẫn cưới, nghĩ cả đời kết hôn chỉ 1 lần nên muốn đầu tư mua cặp nhẫn đẹp, giá trị một chút. Đi một vòng, tôi chọn nhẫn bằng vàng trắng, đính kim cương. Thế nhưng vừa thấy vợ sắp cưới đeo lên tay, Khánh lắc đầu bảo:
“Mẹ ăn dặn chỉ mua nhẫn vàng tây. Nhẫn cưới mang tính tượng trưng, không cần phải mua đắt”.
Hễ động nói là Khánh lại có câu cửa miệng “mẹ anh nói thế này”, “mẹ anh nói thế kia” khiến tôi stress thực sự. Nếu anh nói muốn để dành tiền lo cho tổ ấm về sau thì tôi vui vẻ chấp nhận. Đằng này, câu nào anh nói cũng mẹ anh muốn, mẹ anh bảo làm tôi có cảm giác mình chẳng có vị trí nào trong lòng chồng.
Hụt hẫng, thất vọng, tôi đáp lại:
“Anh đừng lúc nào cũng mẹ anh… mẹ anh nữa được không. Đây là hôn sự của 2 chúng ta, không phải của mẹ”.
Không thể ngờ, tôi vừa dứt câu, Khánh đỏ mặt quát:
“Mẹ anh nói đúng, thành phần cứng đầu cứng cổ như em phải nuốn nắn, dạy ngay từ bây giờ nếu không sau về khó sống”.
Nghe tới đây, tôi nản hẳn bởi nhận ra, Khánh hoàn toàn không tôn trọng hay tin tưởng mình. Thậm chí anh và mẹ còn lên cả kế sách “dạy bảo” vợ. Không nghĩ ngợi thêm, tôi cười bảo:
“Anh khỏi lo sau khó dạy vợ vì tôi đổi ý, hủy cưới. Tốt nhất anh về làm con trai ngoan của mẹ anh đi. Đàn ông không chịu lớn như anh, có sống cùng tôi cũng không thể có hạnh phúc”
Nói xong tôi bắt xe về thẳng. Khánh liên tục gọi điện nhắn tin hẹn nói chuyện nhưng tôi nhất quyết hủy hôn, pass lại váy cưới cho người khác.
Theo Thời báo VHNT