Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM vừa có cuộc họp về giải pháp phòng chống lún sụt bờ kênh Thanh Đa (đoạn 1.1 thuộc phường 25, quận Bình Thạnh).
Sau 9 ngày theo dõi khu vực này (từ 27/6 đến 6/7), Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế Cảng - Kỹ thuật biển (Portcoast) đã báo cáo hiện trạng: đỉnh kè có hiện tượng sụt lún bình quân khoảng 1,78cm/ngày, chuyển vị bình quân khoảng 2cm/ngày.
Cơ quan chức năng dự kiến tình hình sụt lún vẫn diễn biến phức tạp, có nguy cơ sạt lở công trình, ảnh hưởng đến các công trình nhà dân hiện hữu gần mép đỉnh kè.
Trên cơ sở kết quả đo đạc, để đảm bảo ổn định tại khu vực trên, Portcoast đề xuất thực hiện khảo sát một cách tổng quan cũng như thu thập đầy đủ số liệu địa hình, địa chất, thủy văn… để có nhận xét chính xác về nguyên nhân gây ra sụt lún và có giải pháp xử lý triệt để.
Tuy nhiên, trước mắt, đơn vị này đề nghị cần có giải pháp hạ tải trọng một số nhà dân gần đỉnh kè để giảm tải tác động ngang lên thân kè, hạn chế hiện tượng sụt lún công trình kè và đảm bảo an toàn tính mạng người dân.
Sở GTVT cho biết, đề xuất hạ tải nhà dân nhận được sự thống nhất cao của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TPHCM, UBND quận Bình Thạnh và phường 25.
Sở GTVT yêu cầu chính quyền địa phương bị ảnh hưởng (nhà bị lún, nứt) về khả năng tình huống xấu nhất là phải di dời và phá dỡ công trình nhà để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Cơ quan chức năng sẽ thống kê hồ sơ pháp lý của các công trình nhà, khu đất, tài sản, vật kiến trúc… của các hộ dân bị ảnh hưởng để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công gia cố kè.
Bên cạnh đó, Sở GTVT giao Trung tâm Quản lý đường thủy khẩn trương cung cấp hồ sơ thiết kế, hoàn công công trình xây dựng bờ kè kênh Thanh Đa (đoạn 1.1) cho Portcoast để phục vụ công tác nghiên cứu, đánh giá nguyên nhân gây sụt lún đỉnh kè, từ đó đề xuất giải pháp khắc phục cấp bách tại vị trí trên.
Sở GTVT cũng đề nghị cập nhật khu vực này vào danh sách các vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch đặc biệt nguy hiểm của thành phố.
Trước đó, Sở GTVT thống kê có trực tiếp ở khu sạt lở bờ kênh Thanh Đa, tăng thêm 2 căn so với đợt kiểm tra ngày 26/6. Hầu hết nhà cửa bị nứt tường, lún và nghiêng ra phía kênh, có thể bị sạt lở về phía sông bất cứ lúc nào; bên cạnh đó cũng thiệt hại về công trình hạ tầng giao thông đường thủy nội địa.
Ngày 17/7, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (chủ đầu tư các gói thầu chống sạt lở bờ kênh Thanh Đa), cho biết, đã chấm dứt hợp đồng và xử phạt đối với 2 đơn vị thầu do chậm trễ tiến độ triển khai công trình.
Đó là đơn vị thi công đoạn 2 và 4 thuộc công trình chống sạt lở bán đảo Thanh Đa, được TPHCM chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2016 nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.
Hồi tháng 6, Sở GTVT thông tin, hai đoạn trên thuộc khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng tài sản và tính mạng người dân. Vị trí 2 gói thầu xây dựng chống sạt lở này đã được bàn giao mặt bằng nhưng nhà thầu chưa thi công. Sở này đề nghị làm rõ nguyên nhân và có biện pháp đẩy nhanh tiến độ công trình.
Còn lại, hiện tại các công trình kè lân cận trên kênh Thanh Đa đoạn 1.2, 1.3, 1.4 (có kết cấu như đoạn 1.1 nói trên) vẫn được khai thác ổn định, do phạm vi nhà dân nằm cách đỉnh kè 10m trở lên.
Thống kê trên địa bàn TPHCM hiện có 32 vị trí nguy cơ sạt lở bờ sông, kênh, rạch (TP Thủ Đức có 8 điểm, quận Bình Thạnh có 4 điểm, các huyện Nhà Bè có 7, Bình Chánh có 4, Cần Giờ có 7, Hóc Môn và Củ Chi mỗi địa phương có một vị trí).
Trong đó, 8 điểm đặc biệt nguy hiểm gồm 3 điểm huyện Nhà Bè, 2 điểm huyện Bình Chánh, 2 điểm TP Thủ Đức và một điểm ở huyện Cần Giờ.
Các vị trí sạt lở hầu hết nằm ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Phước Kiểng, sông Cần Giuộc, sông Chợ Đệm - Bến Lức... gây ảnh hưởng hơn 1.300 hộ dân.