Chiều 27/7, tại buổi làm việc với Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT), đoàn giám sát của Quốc hội đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức biên soạn một bộ SGK.
Đề nghị này đã gây ra những ý kiến trái chiều trong cuộc họp và trong dư luận, chủ yếu là không đồng tình. Thậm chí, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng không hiểu đề nghị đó dựa trên căn cứ nào.
Theo tường thuật của báo chí, tại cuộc họp, để giải thích về đề xuất của đoàn giám sát, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, đặt câu hỏi: "Nếu giao cho tất cả các lực lượng xã hội hóa, các tổ chức, cá nhân thì ai sẽ chịu trách nhiệm trong việc phát triển, cập nhật chương trình? Trách nhiệm của nhà nước ở đâu?".
Ông Vinh lý giải: "Ở đây không chỉ là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT. Bộ GD-ĐT chỉ tổ chức, còn như ở nhiều nước vẫn có hội đồng quốc gia chịu trách nhiệm về nội dung SGK. Không nhất thiết phải viết bộ SGK mới, điều quan trọng cuối cùng vẫn là nhà nước phải có bản quyền về nội dung một bộ SGK và không tính tiền bản quyền về biên soạn SGK, còn các doanh nghiệp có thể khai thác nội dung đó để phát hành SGK, phục vụ người dân một cách tốt nhất"…
Qua phát biểu của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, ai cũng hiểu mong muốn của ông là cần có một bộ SGK của Bộ GD-ĐT để giữ an toàn cho việc triển khai chương trình GDPT mới. Đây cũng chính là lý do mà Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội yêu cầu: "Để chủ động triển khai chương trình GDPT mới, Bộ GD-ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn".
Tuy nhiên, trên thực tế, như báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại cuộc họp: "Thực hiện chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK, đến nay đã có nhiều tổ chức, cá nhân liên kết với nhiều NXB có chức năng xuất bản SGK để tổ chức biên soạn, đề nghị thẩm định SGK. Mỗi môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình GDPT đã có nhiều SGK được phê duyệt đưa vào sử dụng, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình, SGK mới".
Căn cứ thực tiễn triển khai SGK thực hiện chương trình GDPT mới, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết 122/2020. Nghị quyết này nêu rõ: "Khi thực hiện biên soạn SGK theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một SGK được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục thì không triển khai biên soạn SGK sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó".
Trước hết, nói về trách nhiệm phát triển chương trình GDPT thì theo khoản 3 điều 31 Luật Giáo dục và điểm b khoản 3 điều 2 Nghị định 86/2022 của Chính phủ, đó là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT. SGK chỉ là tài liệu dạy học, dù do Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn như đề nghị của đoàn giám sát hay do các tổ chức, cá nhân khác biên soạn, cũng đều phải cập nhật chương trình GDPT, khi chương trình có sự phát triển (điều chỉnh).
Xã hội hóa biên soạn SGK không có nghĩa là nhà nước buông bỏ vai trò quản lý. Luật Giáo dục và Nghị định 86 đã có các quy định bảo đảm trách nhiệm của nhà nước đối với phát triển giáo dục nói chung và việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK GDPT nói riêng.
Ở nước nào cũng vậy, trách nhiệm của nhà nước là tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi cho người dân sinh sống, làm ăn, chứ không phải là ôm đồm, làm những việc không đúng chức năng quản lý nhà nước. Trong lĩnh vực SGK, nhà nước bảo đảm an toàn cho người dân và các nhà đầu tư bằng các biện pháp quản lý, như: ban hành chương trình làm căn cứ biên soạn SGK và thực hiện các hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá; thẩm định, phê duyệt SGK; quản lý giá SGK; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm... theo quy định của pháp luật.
Giữa lúc việc đổi mới chương trình, SGK đang đi đến chặng cuối mà Bộ GD-ĐT lại đứng ra làm một bộ SGK "của bộ" thì đó mới là giải pháp không an toàn, vừa khiến tình hình thêm rối, vừa làm cho các nhà đầu tư giảm niềm tin vào một môi trường đầu tư thiếu ổn định.