Sao chổi xanh cực hiếm lần đầu tiên tiếp cận Trái đất sau 50.000 năm

Thảo Nguyên (Vietnam+)| 02/02/2023 18:00

Vài tuần qua, những người ở Bắc bán cầu đã có thể thấy sao chổi này bằng ống nhòm. Nhưng nó sẽ ở vị trí gần Trái đất nhất, và sáng nhất, trong ngày 1/2.

Sao choi xanh cuc hiem lan dau tien tiep can Trai dat sau 50.000 nam hinh anh 1Sao chổi C/2022 E3 (ZTF) có màu xanh lục cực hiếm. (Nguồn: BBC)

Nếu bạn sống ở phía Bắc đường xích đạo, hiện là thời điểm tốt nhất để nhìn lên trời để tìm một ngôi sao chổi với màu xanh lục hiếm hoi đang lướt qua bầu trời. Lần cuối cùng sao chổi này ghé thăm Trái đất là cách đây 50.000 năm trước.

Giới chức Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết “vị khách băng giá” này được phát hiện vào tháng 3/2022 khi nó đang lượn trong quỹ đạo của Sao Mộc.

Trong vài tuần qua, những người ở Bắc bán cầu đã có thể thấy sao chổi này bằng ống nhòm. Nhưng nó sẽ ở vị trí gần Trái đất nhất, và sáng nhất, trong ngày 1/2.

“Các sao chổi nổi tiếng vì không thể đoán trước. Nhưng nếu sao chổi này tiếp tục xu hướng toả sáng như hiện tại, nó sẽ dễ bị nhìn thấy hơn. Thậm chí người ta có thể thấy nó bằng mắt thường dưới bầu trời tối,” NASA cho biết.

Theo NASA, sao chổi màu xanh lục kể trên có tên C/2022 E3 (ZTF). Nó tiến đến vị trí gần Mặt trời nhất vào ngày 12/1 trước khi chuyển vào gần Trái đất nhất trong ngày 2/2. Tại thời điểm này, nó chỉ cách Trái đất khoảng 42 triệu km, theo Hiệp hội Hành tinh, một tổ chức nghiên cứu thiên văn ở Mỹ.

Thành phần của sao chổi có các khối khí, đá và bụi bị đông cứng. Khi sao chổi đến gần Mặt trời, nó nóng lên và phun ra khí, bụi thành một khối phát sáng trông giống như một cái đuôi dài.

Theo nghiên cứu của nhà hóa học Gerhard Herzberg, sở dĩ sao chổi này có màu xanh lục là do thành phần của nó có các hợp chất như diatomic carbon và cyanogen.

Dan Bartlett, một thầy giáo dạy khoa học đã nghỉ hưu và nhiếp ảnh gia thiên văn, đã chụp ảnh C/2022 E3 (ZTF) từ nơi ở của ông nằm gần Công viên Quốc gia Yosemite ở California. Ông gọi việc quan sát bầu trời của mình là một trải nghiệm “khiêm tốn”.

Ông Bartlett chia sẻ: “Tôi có thể nói với bạn rằng, khi kết hợp ống nhòm với một địa điểm tối, bạn sẽ nhìn thấy điều gì đó. Hãy rủ thêm bạn bè và các bạn sẽ thấy hiện tượng chỉ xảy ra một lần trong đời.”

Bartlett lắp 2 kính thiên văn tại hiên nhà ông, nằm bên hồ June. Vào những đêm trời trong, ông đã chụp được các bức ảnh khá ấn tượng về ngôi sao chổi.

Hiệp hội Hành tinh cho biết, đối với những người quan sát sao chổi ở Bắc bán cầu mà không có kính viễn vọng, họ sẽ thấy nó giống như một “vệt mờ màu xanh lục nhạt trên bầu trời”. Trong khi đó, những người sở hữu kính viễn vọng có thể nhìn thấy phần đuổi ấn tượng của sao chổi.

Sao choi xanh cuc hiem lan dau tien tiep can Trai dat sau 50.000 nam hinh anh 2Sao chổi C/2022 E3 (ZTF) với dòng khí bụi ở sau đuôi, hình thành khi nó bay tới gần Mặt trời. (Nguồn: BBC)

Theo Hiệp hội Hành tinh, sao chổi này sẽ không thể quan sát được lâu như NEOWISE 2020 - sao chổi sáng nhất có thể nhìn thấy từ Bắc bán cầu, tính từ năm 1997. Nhưng sự kiện vẫn mang tới một cơ hội tuyệt vời để công chúng bắt trọn khoảnh khắc với vị khách băng giá đến từ không gian sâu trong vũ trụ.

Hiệp hội Hành tinh cho biết, sao chổi mất khoảng 50.000 năm để thực hiện một vòng bay quanh Mặt trời, vì vậy “cơ hội chiêm ngưỡng nó sẽ chỉ đến duy nhất một lần trong đời người mà thôi”./.

Thảo Nguyên (Vietnam+)

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Sao chổi xanh cực hiếm lần đầu tiên tiếp cận Trái đất sau 50.000 năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO