Sáng kiến kinh tế mới IPEF được công bố chính thức, 'sứ mệnh' của Mỹ là gì?

Vy Anh| 24/05/2022 19:41

Ngày 23/5 (giờ Mỹ), Nhà Trắng đã phát đi thông cáo báo chí có nhan đề 'Tại châu Á, Tổng thống Biden và hàng chục đối tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương công bố Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF)'.

Nhà Trắng công bố thông cáo báo chí về IPEF
Lãnh đạo các nước (từ trái sang) Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ tham dự Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Thịnh vượng tại Tokyo ngày 23/5. (Nguồn: Getty Image)

Một nền kinh tế mạnh mẽ, công bằng

Theo thông cáo, IPEF sẽ củng cố mối quan hệ của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để xác định những đổi mới công nghệ và nền kinh tế toàn cầu trong nhiều thập kỷ tới.

IPEF sẽ tạo ra một nền kinh tế mạnh mẽ hơn, công bằng hơn, linh hoạt hơn cho những gia đình, người lao động và doanh nghiệp ở Mỹ và trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Thông cáo có đoạn: “Hôm nay tại Tokyo, Nhật Bản, Tổng thống Biden đã công bố IPEF với hàng chục đối tác ban đầu... Chúng tôi cùng nhau đại diện cho 40% GDP thế giới”.

Mỹ là một cường quốc kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và việc mở rộng vai trò lãnh đạo kinh tế của Mỹ trong khu vực có lợi cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ, cũng như cho người dân trong khu vực.

IPEF sẽ cho phép Mỹ và các đồng minh của Mỹ quyết định các quy tắc của lộ trình đảm bảo công nhân, doanh nghiệp nhỏ và chủ trang trại của Mỹ có thể cạnh tranh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Giải quyết lạm phát là ưu tiên kinh tế hàng đầu và khuôn khổ này sẽ giúp giảm chi phí bằng cách làm cho chuỗi cung ứng linh hoạt hơn trong dài hạn, bảo vệ Mỹ và các đối tác trước những gián đoạn gây tốn kém dẫn đến giá cả cao hơn đối với người tiêu dùng.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ vào khu vực đạt tổng cộng hơn 969 tỷ USD năm 2020 và đã tăng gần gấp đôi trong thập kỷ qua. Mỹ cũng là nhà xuất khẩu dịch vụ hàng đầu trong khu vực, giúp thúc đẩy tăng trưởng khu vực.

Quan hệ thương mại với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hỗ trợ hơn 3 triệu việc làm của người Mỹ và là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài gần 900 tỷ USD vào Mỹ. Với 60% dân số thế giới, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được dự đoán là khu vực đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng toàn cầu trong 30 năm tới.

Mỹ và các đối tác trong khu vực tin rằng phần lớn thành công trong những thập kỷ tới sẽ phụ thuộc vào việc các chính phủ khai thác sự đổi mới hiệu quả như thế nào, đặc biệt là chuyển đổi trong lĩnh vực năng lượng sạch, kỹ thuật số và công nghệ, đồng thời củng cố nền kinh tế nhằm đối phó hàng loạt mối đe dọa, từ chuỗi cung ứng mong manh đến tham nhũng hay thiên đường thuế.

Những mô hình tham gia kinh tế trước đây không giải quyết được những thách thức này, khiến người lao động, doanh nghiệp và người tiêu dùng dễ bị tổn thương.

Bốn trụ cột chính

Theo thông cáo, IPEF sẽ tập trung vào 4 trụ cột chính để thiết lập các cam kết tiêu chuẩn cao nhằm tăng cường sự can dự kinh tế của Mỹ trong khu vực, gồm:

Nền kinh tế kết nối: Về thương mại, Mỹ sẽ tham gia toàn diện với các đối tác về nhiều vấn đề. Mỹ sẽ theo đuổi các quy tắc tiêu chuẩn cao về lộ trình trong nền kinh tế kỹ thuật số, bao gồm các tiêu chuẩn về luồng dữ liệu xuyên biên giới và nội địa hóa dữ liệu.

Mỹ sẽ làm việc với các đối tác để nắm bắt cơ hội và giải quyết các mối quan tâm trong nền kinh tế kỹ thuật số, nhằm đảm bảo các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể hưởng lợi từ lĩnh vực thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng của khu vực, đồng thời giải quyết các vấn đề như bảo mật trực tuyến, kỳ thị và sử dụng trí tuệ nhân tạo không đúng quy cách. Mỹ cũng sẽ tìm kiếm các tiêu chuẩn mạnh mẽ về lao động và môi trường và các điều khoản truy cứu trách nhiệm của doanh nghiệp nhằm thúc đẩy cuộc cạnh tranh về thương mại.

Nền kinh tế phục hồi: Mỹ sẽ tìm kiếm các cam kết đầu tiên về chuỗi cung ứng nhằm dự đoán và ngăn chặn hiệu quả hơn sự gián đoạn chuỗi cung ứng, từ đó tạo ra một nền kinh tế linh hoạt hơn và phòng tránh các đợt tăng giá làm tăng chi phí cho các gia đình Mỹ.

Mỹ dự định thực hiện điều này bằng cách thiết lập một hệ thống cảnh báo sớm, quy hoạch các chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng, cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc trong các lĩnh vực chủ chốt và phối hợp trong các nỗ lực đa dạng hóa.

Nền kinh tế sạch: Mỹ sẽ tìm kiếm các cam kết ưu tiên về năng lượng sạch, trung hòa carbon và cơ sở hạ tầng, vốn thúc đẩy việc làm được trả lương cao. Mỹ sẽ theo đuổi các mục tiêu cụ thể, có tham vọng cao nhằm tăng cường nỗ lực giải quyết khủng hoảng khí hậu, bao gồm các lĩnh vực năng lượng tái tạo, khử carbon, những tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng và các biện pháp mới chống phát thải khí methane.

Nền kinh tế công bằng: Mỹ sẽ tìm kiếm những cam kết để ban hành và thực thi những cơ chế về thuế, chống rửa tiền và chống hối lộ hiệu quả, phù hợp với các nghĩa vụ đa phương hiện có của Mỹ nhằm thúc đẩy một nền kinh tế công bằng. Các điều khoản này sẽ gồm trao đổi thông tin thuế, hình sự hóa hành vi hối lộ theo các tiêu chuẩn của Liên hợp quốc và thực hiện hiệu quả những khuyến nghị về quyền sở hữu có lợi nhằm tăng cường trấn áp nạn tham nhũng.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Sáng kiến kinh tế mới IPEF được công bố chính thức, 'sứ mệnh' của Mỹ là gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO