Người hâm mộ Đông Nam Á đang đổ dồn sự chú ý vào các bộ môn thi đấu tại SEA Games 32. Nhiều gương mặt quen thuộc trong giới TikToker Việt Nam đã có mặt ở Campuchia để cổ vũ cho dàn vận động viên (VĐV).
Các TikToker Việt nổi tiếng như Đặng Thu Hà, Phúc Thành, Thanh Mèo, Mèo Sao Hỏa, Gấm Kami, Quỳnh Alee… cũng không nằm ngoại lệ. Họ thường xuyên cập nhật thông tin về các trận đấu tới khán giả.
Nội dung video của TikToker khá đa dạng, từ kiểm tra thông tin về SEA Games 32 đến trò chuyện với VĐV...
Dân mạng bày tỏ sự phấn khích khi được xem SEA Games 32 qua màn hình điện thoại và có thể dễ dàng theo dõi hậu trường các trận đấu khác hẳn với hình ảnh thường thấy trên truyền hình. Bên cạnh đó, việc các TikToker tương tác với VĐV cũng giúp khán giả hiểu được phần nào những khó khăn, nỗ lực phía sau.
Tuy nhiên, hành động đến Campuchia lần này của các TikToker Việt cũng nhận về ý kiến trái chiều. Không ít người cho rằng, họ chỉ muốn "sống ảo" và tăng tương tác cá nhân mà không có kiến thức thể thao: "Đi làm màu là chủ yếu", "Biết cái gì về bóng đá đâu mà đi?"...
Trước phản ứng tiêu cực trên mạng, TikToker Quỳnh Alee chia sẻ với Dân trí: "Thật ra những bình luận như thế này không có nhiều nên mình ít quan tâm. Mình chỉ nghĩ đơn giản là mình cảm thấy tự hào về đất nước mình, bản thân có cơ hội nên chắc chắn sẽ đi để cổ vũ cho đội tuyển nước nhà.
Có lẽ, một số bạn đã quá khắt khe khi nghĩ phải thực sự am hiểu thể thao mới được đi cổ vũ. Mình có thể không giỏi thể thao nhưng mình muốn tiếp thêm động lực cho những người đang mang màu cờ sắc áo Việt Nam đi thi đấu ở đấu trường quốc tế".
Quỳnh Alee cho biết thêm, việc cô cũng như các TikToker khác quay chụp tại SEA Games 32 chỉ như một kiểu ghi lại những khoảnh khắc chiến thắng của VĐV nước nhà, hoặc đơn giản là kỷ niệm đẹp khi đi cổ vũ.
Yêu thích và cổ vũ cho các VĐV thi đấu tại SEA Games là chuyện khá bình thường. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các TikToker trong sự kiện thể thao gần đây luôn dễ gây tranh cãi.
Trước đó, một số TikToker bị chỉ trích khi ngồi trên hàng ghế khán giả và chỉ đến nhảy múa, quay clip chứ không thực sự thưởng thức trận đấu.
Về vấn đề này, GS.TS Trần Thành Nam - chuyên gia tâm lý - từng nhận định: "Hiện nay, với những kênh TikTok hay YouTube khi thu hút được lượng xem lớn, thu nhập của người sáng tạo sẽ rất khủng khiếp. Vì những nguồn lợi đó, càng ngày sẽ có càng nhiều người trẻ bất chấp tạo ra những nội dung mang tính chất gây sốc, hay thậm chí là lệch lạc, miễn sao có thể thu hút được người xem".