Trong ngày đội tuyển Việt Nam đánh bại Malaysia để vươn lên ngôi đầu bảng AFF Cup 2022, sân Mỹ Đình là một trong những "hạt sạn" đáng buồn. Hình ảnh một sân vận động quốc gia, gắn liền với thăng trầm bóng đá Việt Nam trong xấp xỉ hai thập kỷ, lại trở nên nhem nhuốc, bẩn thỉu.
Điểm đen trước tiên của sân Mỹ Đình là mặt cỏ nhìn kém thẩm mỹ và xơ xác. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt, sân được Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) công nhận đủ tiêu chuẩn thi đấu, đồng thời ban tổ chức đã sử dụng cát và lu sân để lấp các chỗ gồ ghề, nhưng thật khó để tin đây là mặt cỏ đủ tốt để chơi bóng ở đẳng cấp cao.
Vấn đề chất lượng mặt sân Mỹ Đình không phải bây giờ mới được đề cập. Ở trận đội tuyển Việt Nam gặp Australia tại vòng loại World Cup 2022 hồi tháng 9/2021, hậu vệ Trent Sainsburry của đối thủ từng ca thán về chất lượng mặt sân. Ở thời điểm đó, cỏ sân Mỹ Đình đã có chỗ ngả vàng, mặt sân gồ ghế khiến bóng không thể lăn bình thường.
Đã có những nỗ lực cải thiện chất lượng sân, nhưng nhìn cách vạch sân được kẻ theo cách thủ công, hay mặt cỏ chỉ xanh được vài tháng rồi ngả vàng, dường như nỗ lực di tu, bảo dưỡng sân chỉ làm theo kiểu "giật gấu bá vai".
Trên mặt sân như vậy, đòi hỏi trận đấu diễn ra ở chất lượng cao nhất có lẽ là bất khả thi. Bóng đá đỉnh cao cần được cộng hưởng bởi một sân đấu đủ tốt, với mặt cỏ mềm, bằng phẳng theo tiêu chuẩn quốc tế, bên cạnh những cơ sở vật chất khác cũng phải "đủ chuẩn".
Một phóng viên Đức từng thốt lên "chưa từng thấy cảnh này trong đời" khi khung thành bị bung ra trong những phút cuối trận giao hữu giữa đội tuyển Việt Nam và CLB Borussia Dortmund. Ngay cả những thứ căn bản nhất, sân Mỹ Đình cũng làm không tốt và phải sửa chữa theo cách sai đâu vá đấy.
Đội tuyển Việt Nam đã vươn tầm trong 4 năm qua, giành được nhiều thành tích ở sân chơi Đông Nam Á và châu lục, nhưng sân vận động mang mác "quốc gia" lại chưa xứng với tầm vóc này.
Tuy nhiên, sân Mỹ Đình không chỉ xấu ở mặt cỏ. Những bức ảnh hàng ghế phủ kín bụi trên khán đài sân vận động Mỹ Đình được lan truyền khắp mạng xã hội từ khi trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Malaysia chưa kết thúc.
Quả thực, rất nhiều cổ động viên đến sân cổ vũ đội tuyển Việt Nam phàn nàn về việc ghế ngồi đóng một lớp bụi dày, rõ ràng là không được vệ sinh trong một thời gian dài và cũng không được dọn dẹp để phục vụ trận đấu.
Tình trạng này xảy ra ở ngay cả khu vực dành cho phóng viên trên khán đài A. Một số phóng viên của Malaysia lắc đầu, tìm giấy và túi ni lông để lau bụi ghế ngồi trước khi tác nghiệp.
Ngoài ra, nhà vệ sinh tiếp tục là "cơn ác mộng" đối với người hâm mộ. Có ít nhất 2 nhà vệ sinh ở khu vực khán đài B không bật đèn trong khoảng thời gian nghỉ giữa 2 hiệp và sau trận đấu - thời điểm nhu cầu sử dụng của khán giả cao nhất. Bên trong những căn phòng này, như thường lệ, vẫn bẩn thỉu và bốc mùi hôi thối.
Nhà vệ sinh ở cuối dãy phòng chức năng, ngay bên ngoài phòng họp báo, cũng có tình trạng như vậy suốt nhiều năm nay.
Hình ảnh nhếch nhác, bẩn thỉu và cẩu thả của sân Mỹ Đình không chỉ làm nhem nhuốc hình ảnh bóng đá nước nhà, mà còn cho thấy sự thiếu tôn trọng người hâm mộ cũng như cầu thủ hai đội đến đây thi đấu.
Khán giả bỏ tiền đến sân không chỉ để xem bóng đá, mà còn thưởng thức, hưởng thụ những giá trị dịch vụ tại sân bóng. Ý thức phục vụ khán giả, đáp ứng yêu cầu thi đấu đỉnh cao của ban quản lý sân Mỹ Đình ở đâu khi những hình ảnh khó xem cứ lặp đi lặp lại?
Nhìn sang sân vận động của Malaysia, Indonesia hay Thái Lan, người hâm mộ khó tự hào nổi khi nghĩ về sân Mỹ Đình. Chẳng lẽ một nền bóng đá đang lên và hướng tới mục tiêu World Cup, mà đội tuyển lại không thể chơi trên một sân vận động sạch sẽ và tử tế hơn?