Theo Reuters, Samsung Display - công ty con chuyên sản xuất tấm nền màn hình của Samsung, đã xin được giấy phép từ Mỹ để tiếp tục hợp tác với Huawei.
Cụ thể trong thời gian sắp tới, Samsung Display sẽ cung cấp tấm nền OLED cho smartphone Huawei, nhưng chỉ cho một số sản phẩm nhất định. Chi tiết về số lượng vẫn chưa được tiết lộ. Đây được xem là một tin vui dành cho Huawei, nối tiếp những thông tin gần đây mở ra cơ hội hợp tác trở lại với các đối tác quan trọng.
Samsung Display là công ty sản xuất màn hình diode phát quang hữu cơ (OLED) lớn nhất thế giới, chiếm trên 50% thị phần toàn cầu trong suốt quý 1/2020, theo báo cáo từ Strateg Analytics. Doanh thu toàn cầu của Samsung Display đã tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 9 tỷ USD trong quý 1/2020.
Theo Nikkei, Huawei vẫn là một khách hàng lớn đối với cả Samsung Display và công ty mẹ Samsung Electronics. Về phần mình, Samsung Display đã và đang là nhà cung cấp quan trọng cho Huawei, khi cung cấp phần lớn tấm nền OLED cho các dòng smartphone cao cấp của công ty Trung Quốc.
Trước đó, lần lượt các nhà sản xuất chip là Intel và AMD đã nhận được giấy phép cung cấp linh kiện cho Huawei. LG, Sony, Kioxia cho biết cũng đang xin giấy phép từ Mỹ để tiếp tục kinh doanh với Huawei.
Theo phát ngôn viên của Bộ Thương mại Mỹ cho biết, cơ quan này đang đánh giá tất cả giấy phép đã nộp và xác định những yêu cầu nào phù hợp với tiêu chí “không gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia”. Thời gian dự kiến sẽ mất từ khoảng 2 đến 4 tuần để hoàn thành các thủ tục cần thiết để được cấp giấy phép.
Sự thay đổi này cho thấy nỗ lực vận động của các nhà sản xuất chip và áp lực từ chính quyền Trung Quốc đã phát huy hiệu quả, trong bối cảnh đã gần một năm rưỡi kể từ ngày Huawei bị Bộ Thương Mại Mỹ liệt kê vào danh sách đen.
Trên thực tế, những báo cáo tài chính đều cho thấy doanh nghiệp quốc tế, từ Mỹ cho tới các quốc gia phát triển như Nhật Bản, đều chịu thiệt hại không nhỏ vì lệnh cấm bởi họ đang bán một lượng sản phẩm khổng lồ cho Huawei.
Số liệu cho biết chỉ tính riêng trong năm 2018, đã có khoảng 11 tỷ USD được chuyển đến các công ty Mỹ, bao gồm cả Qualcomm, Intel và Micron Technology. Tuy nhiên đến năm 2019, con số này đã giảm chỉ còn một nửa.