Sài Gòn cuối năm vài cơn gió se se chớm lạnh, những chiếc xe đẩy đầy ắp các mẻ xôi đã thức dậy từ bao giờ đi vào lòng phố. Xôi đủ loại, xôi đậu, xôi bắp, xôi khúc,…đầy vun, nóng hổi được bày biện, chào mời khách ghé qua thưởng thức. Bắt mắt nhất là chõ xôi gấc đang bốc khói khoe những hạt nếp nhuốm màu cam đỏ, lẫn thêm vài chiếc hạt màu nâu nhỏ như chứng minh nguồn gốc xuất xứ từ vị gấc thiên nhiên. Mùi lá dứa quyện vào mùi nếp, mùi nước cốt dừa thoang thoảng đưa hương theo nhịp đường xe vội vã.
Một hàng xôi sáng
Xôi là một trong những món ăn đường phố ở Sài Gòn phục vụ cho phần lớn người mưu sinh tứ xứ. Với trên dưới mười nghìn đồng họ có thể dỗ dành chiếc dạ dày buổi sáng của mình đến tận giờ cơm trưa. Với người dân thị thành còn có nhiều lý do để chọn mua xôi, xôi vào ngày chay thanh đạm, xôi nhanh gọn cho buổi sáng vội vàng chân chạy. Một số người vì dư âm tiệc tùng đêm trước, nên tự làm nhẹ dạ dày của mình bằng gói xôi đậu sớm mai như để giảm bớt lượng protein sẽ nạp vào trong ngày.
Các món xôi thường ăn kèm với muối vừng hay đậu phộng giã nhỏ trộn thêm chút muối, đường cho vừa vị mặn ngọt. Là món ăn bình dân nhưng cũng gây nghiện cho những thực khách yêu thích hương vị ngọt lành từ trái, từ hạt tự nhiên.
Những gói xôi bắp xếp ngay ngắn
Với những người xa quê, mùi lá dứa, mùi thơm của nếp, vị béo bùi của đậu, của hạt, đôi khi hình dạng của nắm xôi như gợi lại cả nếp nhà xưa cũ. Có lần má tôi cầm gói xôi trên tay mà tấm tắc khen: “Sài Gòn nấu xôi cũng khéo như quê mình, còn gói ghém công phu, đẹp mắt”. Má nói nhìn gói xôi mà nhớ cái thời chị em tôi còn nhỏ, nhờ gánh xôi mà nuôi lớn cả bầy con… Rồi má chậm giọng kể cho đám cháu nghe về tuổi thơ của các phụ huynh thời ấy.
Trong câu chuyện bà cháu, quà sáng cho chị em tôi đến trường là những phần xôi gói bằng lá chuối xếp sẵn để trong gian bếp, còn gánh xôi to thì đã theo chân ngoại ra chợ từ sớm mờ sương. Má còn gợi ý con cháu một tuần ăn vài lần xôi rất tốt cho sức khỏe bởi nguyên liệu làm nên những món xôi là từ gạo nếp, các loại đậu, bắp hạt,… là nguồn dinh dưỡng thiên nhiên thanh mát, lành tính.
Qua nhiều thế hệ, các món xôi dân dã, bình dị vẫn bền bỉ mang sứ mệnh ẩm thực vùng miền đến chốn thành thị phồn hoa. Người bán xôi đến từ nhiều địa phương, họ hội tụ về thành phố để mưu sinh. Người mua -những người con xa xứ, cũng có người đã là thị dân của thành phố từ rất lâu, mua xôi như mua hoài niệm, mua hương vị của ký ức quê nhà. Và đôi khi chỉ để lòng người được sưởi ấm khi nghe được chất giọng quê mình cất lên nơi đất khách.
Xôi bánh phồng lề phố
Hình thức gói ghém cũng được các “đầu bếp xôi” nâng cấp, làm mới để tạo hình những gói xôi trông hấp dẫn hơn. Một lớp bánh phồng dày bọc xéo bên ngoài lớp xôi rồi xếp ngay ngắn từng gói vào mâm. Có hàng dùng lá chuối bọc phần xôi bên trong, giữ nguyên gốc dân dã nhưng tạo góc cạnh tỉ mỉ, đẹp mắt. Vài xe xôi còn tạo thương hiệu riêng cho món xôi của mình bằng bảng hiệu “Món ăn gợi nhớ”.
Xôi ở Sài Gòn còn đi vào mâm lễ những dịp giỗ, chạp, lễ tết, hay mừng ngày đầy tháng, thôi nôi,… Hạt nếp, hạt đậu - nguyên liệu chính làm nên mẻ xôi như hội tụ những ấm no, sum vầy, những năng lượng tích cực của đất trời mà con người phải luôn trân quý và ghi nhớ.
Bày biện ký ức
Vị của Sài thành là vị của quê hương, mùi ký ức được cộng đồng cư dân các vùng miền du nhập vào làm phong phú và đa dạng thêm theo thời gian. Những người con xa xứ với đôi tay tỉ mỉ, khéo léo đã gói ghém, thổi hồn vào những món ăn dân dã, mộc mạc mang gốc vùng miền để tạo thành phiên bản rất riêng, gợi nhớ gợi thương đến bao thế hệ mỗi khi bắt gặp các món ăn quê nhà được bày bán nơi lề phố nhộn nhịp người qua.
Những sáng cuối tuần thư thả, bếp nhà tôi lại có thêm mùi nếp, mùi đậu, thơm lừng, bọn trẻ đã được bà ngoại tự tay nấu những món xôi từ hạt bắp, từ đậu, từ miền hoài niệm xa xưa…