“Nếu cuộc đời toàn chuyện xấu xa
Thì tại sao cây táo lại nở hoa?”
Đó là một câu thơ trong bài thơ của Lưu Quang Vũ, là câu lặp đi lặp lại của diễn viên Thái Hòa trong phim “Cây táo nở hoa”. Đó cũng là những gì mà tôi cảm nhận được từ việc trồng cây và gặt hái niềm vui mỗi ngày trong những ngày dịch Covid ập đến làm cuộc sống của chúng tôi xáo trộn rất nhiều.
Có một hôm thức khuya làm việc, giữa đêm tôi đọc được một bài viết trên báo Tuổi trẻ có nội dung thế này: UBND phường Tân Hưng Thuận (quận 12, TP.HCM) tặng 12 hộ dân ở điểm phong tỏa mỗi hộ một cây táo và phát động hội thi trồng cây, nhằm giúp cho người dân có tinh thần thoải mái khi cách ly tại nhà.
Tôi thấy chẳng khác nào chuyện đám bạn thân chúng tôi cách xa vạn dặm tặng nhau mấy cái cây, trồng cấy rồi mỗi ngày nói chuyện như mấy ông bà già lỗi thời.
Làn sóng dịch bệnh lần thứ nhất ập đến cuối năm 2019, bạn tôi bất ngờ lên cơn đau dạ dày lúc nửa đêm, một mình nhập viện. Bạn tôi bảo đó là lúc cảm thấy mình cô đơn biết bao giữa Sài Gòn rộng lớn và nghĩ đến chuyện sẽ rời bỏ nơi này. Làn sóng dịch thứ hai ập đến, công việc kinh doanh của bạn tôi một lần nữa bị ngưng trệ. Lần này bạn quyết tâm nói lời “chia tay Sài Gòn, trở về phương Bắc kiếm tìm sự bình yên trong tâm hồn.
Bạn tôi thu hoạch cà rốt ở quê
Công việc hằng ngày của bạn ở quê là trồng rau, trồng cây theo mùa vụ, thu hoạch hoa màu, quay phim làm youtube. Một ngày bạn nhắn tin cho chúng tôi: “Tao gửi bưu điện cho mỗi đứa vài củ ráy, chia nhau mang về trồng nha. Củ ráy dễ trồng, làm cảnh rất đẹp”.
Đúng thời điểm này, chúng tôi phải làm việc tại nhà theo chỉ thị của thành phố. Việc đến công sở hằng ngày xưa kia vốn là một điều gì ngao ngán, nay bỗng trở thành một niềm vui xa xỉ. Không thể lê la hàng quán sau giờ làm, không được tụ tập xem những trận bóng đá của đội tuyển Việt Nam, không được túm tụm cùng đồng nghiệp bàn về những màn đọ sức của các đội bóng hàng đầu Châu Âu mùa Euro.
Chúng tôi ngao ngán với việc nấu ăn ngày 3 bữa, đối diện với căn phòng tẻ nhạt, đến cả việc ngủ nướng cũng chẳng làm tôi thấy hào hứng như trước kia. Có cảm giác đúng lúc chúng tôi đang chán chường thì lại được giao một nhiệm vụ bất ngờ: trồng cây.
Tại sao lại là củ ráy? Bạn tôi khi đó bảo: củ ráy dễ trồng, dễ lên, tao lên mạng xem thấy người ta bán cây trồng sẵn trong chậu cả 500 ngàn. Thi xem ai trồng cây mát tay nhất.
Thế là phong trào trồng cây ráy của chúng tôi bắt đầu như cách những hộ dân thi nhau chăm sóc cây táo. 1 tuần sau củ ráy của tôi nứt mầm. 2 tuần sau cây mọc 3 lá xanh rờn. Bạn tôi có đứa bỏ quá nhiều phân vào chậu, cây mọc nhanh như rau muống bò. Chúng tôi nói chuyện với nhau về những cái cây, về cách chăm bón – nghiêm túc và tỉ mỉ như những nhà khoa học, nhưng cũng thuần khiết, ân cần như những người nông dân.
Cây ráy bạn tôi cho từ khi còn là củ đến hiện tại đã xanh lá
Quả thật, tôi không có niềm tin vào “tay” trồng cây của mình. Có lần chúng tôi cùng thi trồng cây sứ. Trong khi cây của các bạn tôi đã nở hoa 2-3 lượt, cây của tôi vẫn chỉ toàn mọc lá xanh rì, không có dấu hiệu nở hoa. Đến mức tôi còn nghĩ: việc bảo tôi trồng cây ra hoa cũng sánh ngang việc tôi chinh phục được trái tim người mà tôi thầm yêu.
Trước khi Chỉ thị 16 áp dụng cho toàn thành phố, một cậu bạn tôi cũng kịp ghé ngang qua tặng tôi vài chậu cây bạn tự tay ươm với lời cam kết: cây này rất dễ sống, chỉ cần ánh nắng và nước. Khi không thể gặp nhau, đành nhìn cây nhớ người, chờ ngày hết dịch, thành phố bình yên mình gặp lại – bạn nhắn nhủ.
Bạn tôi ươm cây tặng bạn bè
Làm việc ở nhà, lại hạn chế ra ngoài mua sắm, bạn tôi thử nghiệm trồng giá rồi chia sẻ công thức cho tôi. Tôi trồng lần thứ nhất thì thối hết, chẳng được mấy cây. Tôi nghĩ chắc hẳn do mình tưới nhiều nước quá. Không nản chí, tôi trồng lại lần thứ 2, bởi ngẫm lại giờ đây cái tôi có nhiều nhất chính là niềm tin và thời gian. Sau 2 ngày thì tôi thu hoạch giá thành công, lấy bột, lấy tôm thịt sẵn có ra đổ bánh xèo nhân một chiều mưa gió. Thành tựu từ việc trồng mấy cây giá khiến tôi có niềm tin vào “tay” trồng cây của mình hơn.
Tôi tự ươm giá thành công
Chúng tôi mùa dịch này, có đứa vẫn đi làm, có đứa bất di bất dịch ở quận Gò Vấp. Thằng em bên quận 8 bảo đang ươm một dàn cây hương thảo, hứa hẹn một ngày không xa sẽ gửi tặng mỗi chị em một chậu cây vừa có tác dụng đuổi muỗi vừa có thể ngắt lá xào bò. Chị tôi đã tuyên bố sẽ thử trồng củ cà rốt để nấu món bò kho.
Món bánh xèo tự làm với nhân giá, thịt, tôm
Tôi đọc báo thấy Đak Lak đã trồng được vải, Măng Đen đã trồng được mận bắc, cây ráy của tôi và các bạn vẫn đang xanh tốt, cây sứ của tôi đương nhiên vẫn chưa có dấu hiệu nở hoa. Nhưng tôi đã nghiệm ra rằng, nhiều khi chúng ta trồng xuống một cái cây, không phải để chăm chăm đến cái việc rằng: cây phải nở hoa. Mà là mỗi ngày ra tưới nước, nhìn nó nhú một cái chồi, cuộn một cái lá mới, mỗi ngày biết nhẫn nại, kiên trì, biết tĩnh tâm nhìn lại mọi thứ. Và rồi thầm cảm ơn công việc hiện tại vẫn cho tôi thu nhập, người thân yêu của tôi ở quê vẫn bình an trong mùa dịch.
Tôi trồng cây giống như cách tôi yêu thương một người và đối xử tốt với một người, không phải để một hai bắt họ phải đền đáp cho tôi công bằng. Khi tôi dám sống hết mình là lúc tôi hạnh phúc vì sự can đảm của mình.
Nghe Nguyên Hà hát “Hẹn gặp nhau khi mùa hoa nở nhé”, chúng tôi cũng “hẹn gặp nhau khi hết dịch”, kéo nhau ra phương Bắc xa xôi thăm vườn cây trái của bạn tôi, trồng tặng bạn cái cây kỷ niệm nơi góc vườn, xin bạn một loại cây mang về Sài Gòn ươm trồng.
Cuộc sống này, vì trồng cây mà có niềm vui để ngóng trông, để bất ngờ và hi vọng.