“Đi và ghi nhớ” là tựa một bài báo tiêu biểu của nhà văn Sơn Nam thuở sinh thời, đăng trên tạp chí Xưa & Nay năm 1997, và nay được chọn làm tựa tập sách. Điểm mới của tập sách này là số lượng bài báo dày dặn: 56 bài báo. Đây là những bài đăng trên tạp chí Xưa & Nay cùng một số báo khác trước năm 1975.
Ông Nguyễn Hạnh, phó Tổng biên tập tạp chí Xưa & Nay là người đã giúp tổng hợp những bài báo quý giá của nhà văn Sơn Nam mà ông còn lưu giữ. Theo ông, “Tạp chí Xưa & Nay làm công việc nầy như một hình thức ghi nhận sự đóng góp của ông đối với tạp chí, đồng thời cũng là nén hương để tưởng nhớ đến ông”.
Hơn 300 trang sách của tác phẩm “Đi và ghi nhớ” trong lần in này gồm gần 56 bài báo thuộc các chủ đề, thể loại khác nhau, nhưng chủ yếu là khảo cứu các vấn đề lịch sử, văn hóa, tập quán của con người Sài Gòn - Nam bộ xưa và nay. Từ mục lục, có thể thấy ông bàn về: Những khía cạnh văn hóa của các vùng đất: “Nhớ Sài Gòn – Gia Định từ thuở sơ khai”, “Sức sống cư dân vùng châu thổ sông Cửu Long”, “Thương cảng Sài Gòn hình thành và phát triển”, “100 năm trước Sài Gòn”, “Về với Bến Tre…”…; Con người, phong tục tập quán, đời sống tinh thần: “Biên giới & văn hóa tâm linh”, “Người Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn”, “Vài nét văn hóa dân tộc qua lễ Kỳ Yên ở đình làng Nam Bộ”, “Người Sài Gòn phóng khoáng, tình nghĩa”, “Đám cưới thời xưa, thời nay”, “Cá tính dân Sài Gòn qua địa lý”, “Mâm cơm Tết Nam Bộ”…; Nhân vật và tác phẩm: “Suy nghĩ tản mạn nhân đọc sách Chùa Thiên Mụ”, “Kể chuyện Vương Hồng Sển”, “Tình riêng”, “Lạm bàn về sách báo Sài Gòn”, “Lai rai ba món ở Sài Gòn”, “Đọc Thượng kinh ký sự của Hải Thượng Lãn Ông”….
Phần cuối sách có các hình tư liệu của nhà văn Sơn Nam khi làm việc, khi ở bên bạn bè thân hữu, nhà văn trong các chuyến công tác điền dã…và một trang bút tích của ông.
“Đi và ghi nhớ” là một tập sách thú vị cho người mến mộ và sưu tầm tác phẩm Sơn Nam, và cũng là tác phẩm rất dễ đọc dành cho bạn đọc vừa làm quen với tác phẩm của ông, bởi lối viết dung dị và đề tài phong phú.
Những tác giả viết tập sách này có giao tình mật thiết với nhà văn, “nhờ vậy, chúng ta mới có dịp biết đến những góc đời rất riêng và cũng rất lạ của nhà văn Sơn Nam. Chẳng hạn như thuở ban đầu chàng trai tên Lạc (tên ở nhà của Phạm Minh Tày tức Sơn Nam) đã làm quen và yêu cô gái làm giáo viên đàn hay diễn kịch giỏi, rồi cậy nhờ mai mối thành thân như thế nào. Hay buổi đầu làm cha, nhà văn Sơn Nam về nhà thấy vợ nằm ổ mà không có than, đã cầm cái thùng đi mấy cây số từ Cái Bầu vô chợ Cả Nai để mua than về cho vợ; rồi ấn tượng về những ngày bé thơ cô Hằng được cha cõng đi khắp xóm trên xóm dưới để ông phụ giúp người ta xay lúa giã gạo và hai cha con ăn cơm ké quanh các nhà như vậy cũng là chuyện không tưởng đối với đa số người đời vốn chỉ biết Sơn Nam từ phía hào quang văn nghiệp.
Và còn thật nhiều những câu chuyện riêng kiểu vậy lần đầu tiên được tiết lộ từ chính người trong gia đình, không nhằm tạo thêm một vầng sáng nào nữa cho nhà văn Sơn Nam, mà như hé mở thêm các góc đời vừa riêng lẻ vừa nhỏ hẹp, để biết đâu trong số những người yêu quý ông, có dịp biết thêm, hình dung rõ hơn và hiểu đúng được ít nhiều trong số những hành trạng phồn tạp của cuộc đời ông.