Sách giáo khoa tăng giá 2-3 lần: Nỗi lo “đứt ruột” với công nhân

15/07/2022 22:30

Thông tin sách giáo khoa năm học 2022- 2023 tăng giá gấp 2- 3 lần so với sách năm học cũ khiến nhiều phụ huynh là công nhân thêm gánh nặng cơm áo trong bối cảnh vật giá đều leo thang.

Sách giáo khoa tăng giá 2-3 lần: Nỗi lo “đứt ruột” với công nhân
Thông tin sách giáo khoa năm học 2022- 2023 tăng giá gấp 2- 3 lần khiến nhiều công nhân thêm gánh nặng cơm áo. Ảnh: M.Phương.

Đến Hà Nội làm công nhân được 1 năm nhưng gia đình anh Đinh Văn Tưởng (sinh năm 1993, quê Yên Bái) không tích cóp được là bao khi phải lo cho 2 con ăn học và mẹ già đau ốm.

Đặc biệt, sau đợt dịch COVID-19, công ty phải tạm ngưng hoạt động, để có tiền trang trải cuộc sống, anh phải vay mượn khắp nơi. Giờ đây khi công ty hoạt động trở lại, tiền lương tháng vừa nhận được chưa cầm ấm tay đã phải chi trả những khoản nợ trước đó. Được biết, anh Tưởng có hai cháu đều đang ở quê: Một bé học lớp 5, bé còn lại học lớp 1.

Chia sẻ về chuyện học hành của con, người bố 2 con này cho biết, vào mỗi đầu học kỳ, vợ chồng anh phải chi 3-4 triệu đồng cho tiền sách vở, dụng cụ học tập, quần áo…

“Cha giàu thì con có, cha mẹ khó thì con không. Biết trẻ con thích đồ chơi, sách vở, cặp mới… nhưng hoàn cảnh gia đình không cho phép, đồ dùng học tập của cháu đầu thường sẽ để lại cho đứa thứ 2” – anh Tưởng nói.

 
Nhiều công nhân mong được tăng ca có thêm thu nhập để lo học phí cho con vào đầu năm tới.

Nhiều lần, qua cuộc gọi video call, con gái thứ 2 thắc mắc tại sao phải dùng lại đồ của anh trai, anh Tưởng chỉ dám nói với con: “Anh học giỏi, con dùng đồ của anh để học giỏi được như anh”. Cảm thấy có lỗi vì không cho vợ con được cuộc sống đủ đầy, nam công nhân hy vọng được tăng ca, làm thêm thường xuyên để gửi được nhiều tiền về cho gia đình.

Nghe được thông tin giá sách giáo khoa mới lớp 3, 7, 10 ở hai bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" và "Chân trời sáng tạo" năm học 2022-2023 sẽ cao gấp 2-3 lần hiện hành, anh Tưởng không khỏi sốt ruột dù 2 con vài năm nữa mới bước sang lớp 3, lớp 7. “Giá sách giáo khoa tăng, tôi chưa bị ảnh hưởng ngay nhưng nhiều công nhân lao động có thu nhập thấp sẽ thêm khó khăn trong bối cảnh vật giá leo thang” – anh Tưởng nói.

Được biết, anh Tưởng ở chung phòng với một nam công nhân khác, mỗi tháng anh mất khoảng 500.000 đồng tiền thuê trọ. Được bao ăn ở công ty bữa trưa, đến tối về anh chỉ ăn qua loa cho xong bữa, khi thì bánh mì, hôm lại mì tôm.

Dù hy vọng sớm có một khoản tích lũy mang về quê, tìm một công việc khác để gần với vợ con song với tình hình kinh tế hiện tại, anh Tưởng buộc phải ở lại Hà Nội làm công nhân vài năm nữa. “Xa vợ con buồn lắm nhưng biết làm sao” - nam công nhân ngậm ngùi.

Chỉ còn vài tháng nữa, đứa con đầu của chị Nguyễn Thị Linh (công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) sẽ lên lớp 3. Đầu năm học trước, chị Linh tính nhẩm tiền mua sách giáo khoa cùng một số loại sách tham khảo cũng rơi vào khoảng 700.000 đồng, cộng thêm tiền đồng phục, dụng cụ học tập, vở viết… sơ sơ cũng tốn thêm vài triệu đồng.

Năm học tới, so với bộ sách giáo khoa lớp 3 hiện tại (giá 58.000 đồng) thì bộ sách giáo khoa mới chưa bao gồm sách Tiếng Anh đã cao hơn 3 lần (giá từ 177.000 đến 183.000 đồng).

Chị Linh chia sẻ, với những gia đình có điều kiện, số tiền này chẳng đáng kể, nhưng với đồng lương công nhân “thiếu trước hụt sau” như hiện nay thì đây là nỗi lo “đứt ruột” với chị. Chưa kể, sắp tới chị cũng phải cho bé thứ 2 đi học mẫu giáo, “các khoản chi cứ thế chất chồng, tôi đang lo không biết phải xoay sở ra sao” – chị Linh than thở.

Đến thủ đô làm công nhân 6 năm nay, người phụ nữ 30 tuổi này cho biết - hơn 2 năm qua, gia đình chị không để dư được khoản tiền nào vì dịch bệnh, ốm đau và giờ là giá cả leo thang. Để năm học tới có tiền lo liệu học phí cho con, chị Linh chỉ mong được tăng ca nhiều.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Sách giáo khoa tăng giá 2-3 lần: Nỗi lo “đứt ruột” với công nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO