Sắc thái văn hóa biển đậm đà qua lễ hội Cầu Ngư

Kim Ngân (Báo Thanh Hóa)| 02/09/2021 17:12

Lễ hội dân gian được xem là loại hình văn hóa đặc biệt, hay là nơi lắng đọng nhiều lớp phù sa văn hóa của một cộng đồng, dân tộc. Với các cư dân ngư nghiệp, lễ hội Cầu Ngư không chỉ mang đậm sắc thái văn hóa biển, mà còn hàm chứa nhiều giá trị nhân văn sâu sắc hay hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ...

Sắc thái văn hóa biển đậm đà qua lễ hội Cầu Ngư - 1

Đền thờ Ngư Ông xã Ngư Lộc (Hậu Lộc).

Từ xa xưa, con người vốn sống nương tựa vào tự nhiên và do vậy, họ tôn trọng và “thiêng hóa” tự nhiên như một lực lượng có sức mạnh thần kỳ. Điều này cũng đúng với cư dân ven biển, vốn sống dựa vào nguồn lợi to lớn từ biển cả.

Nói về sự khởi phát của các tập tục, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống của cư dân ngư nghiệp, có nhận định cho rằng, sống và gắn bó với môi trường biển vốn tiềm ẩn nhiều hiểm họa khôn lường, do vậy, để có thể trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, con người nơi đây phải dựa vào một lực lượng siêu nhiên để nhân lên sức mạnh tinh thần.

Chính điều này là cơ sở cho sự hình thành tín ngưỡng và tục thờ rất đa dạng, nhiều màu sắc của cư dân ven biển. Nổi bật và in đậm trong tâm thức con người là tục thờ thủy thần và lễ hội Cầu Ngư, với ước vọng được thần linh che chở, bảo hộ khi ra khơi vào lộng, tôm cá đầy thuyền.

Cùng với các danh thần như Nam Hải đại vương, Long thần, Độc Cước, Tứ vị thánh nương..., cư dân ngư nghiệp đặc biệt coi trọng lực lượng tự nhiên và do đó, tục thờ nhiên thần - cá Ông (cá voi) ra đời để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh này.

Cư dân ven biển xứ Thanh từ bao đời nay đã chắt chiu, sàng lọc và vun đắp nên “hình hài” hoàn chỉnh cho tín ngưỡng thờ phụng cá Ông. Đồng thời, hình thành nên một “vệt lễ hội” Cầu Ngư chạy dọc từ Nga Bạch (Nga Sơn), Ngư Lộc (Hậu Lộc), Hoằng Trường (Hoằng Hóa), Quảng Cư, Quảng Tiến (Sầm Sơn), Quảng Nham (Quảng Xương) và vào tận Hải Thanh, Hải Bình, Nghi Sơn (Nghi Sơn). Nhiều làng chài ven biển đều có đền, miếu thờ cá Ông.

Tương truyền, tục thờ cá Ông gắn với hiện tượng có thật về loài cá voi hay cứu người và thuyền gặp nạn trên biển. Không chỉ có khả năng cứu nguy, cá voi còn báo hiệu cho ngư dân những nơi nhiều cá.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra đặc tính của loài vật này, đó là khi biển động, để tránh sóng, theo bản năng cá voi sẽ tìm những vật nổi trên mặt biển nép vào và cùng với vật ấy trôi vào bờ. Điều này đã khiến cho ngư dân tin rằng cá Voi đã cứu người, cứu thuyền khi gặp bão tố giữa biển khơi. Đồng thời, nơi loài cá này xuất hiện cũng là nơi có nhiều cá và những ngư dân giàu kinh nghiệm sẽ dựa vào đó mà tìm được luồng cá lớn.

Xuất phát từ quan niệm ấy, nên nhiều nơi xem cá voi là “vật tổ” hay vị thần tối cao trên biển. Cũng vì lẽ đó, nghi thức thờ phụng cá Ông là một hiện tượng văn hóa - tín ngưỡng đặc trưng của cư dân ven biển, phản ánh sự phong phú và đặc sắc của văn hóa biển.

Lễ hội Cầu Ngư thường được tổ chức vào mùa xuân, để cầu cho mưa thuận gió hòa, biển nhiều tôm cá và tạ ơn thần linh đã bảo hộ cho thuyền bè, dân làng. Nét nổi bật của lễ hội Cầu Ngư xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) là gắn liền với lễ cầu an. Do vậy, phần lễ được người dân nơi đây đặc biệt chú trọng, với nhiều nghi thức trang nghiêm, thành kính. Trong đó có nghi thức rước Long Châu và dâng lễ vật cho Long Vương của các dòng họ trong làng xã để cầu mong một mùa đánh bắt thắng lợi, đời sống ấm no. Cùng với phần lễ là phần hội hết sức náo nhiệt của các trò chơi dân gian kéo co, đua thuyền, hát múa...

Nhắc đến lễ hội Cầu Ngư của cư dân ven biển xứ Thanh, chắc chắn không thể không nhắc đến lễ hội Cầu Ngư Diêm Phố (xã Ngư Lộc, Hậu Lộc). Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia này là sự hội tụ đầy đủ các yếu tố “lễ” và “hội” hết sức đặc trưng, độc đáo, sinh động và hấp dẫn nhất của lễ hội Cầu Ngư.

Điểm nhấn của lễ hội là Long Châu hay thuyền rồng – lễ vật quan trọng nhất và là biểu tượng cho chức năng, quyền lực của vị thần biển cả, đồng thời gửi gắm trong đó những ước vọng, tâm nguyện của con người. Long Châu là vật thiêng, được dùng để cúng tế trong suốt quá trình diễn ra lễ hội, vì vậy, những người được chọn làm Long Châu không chỉ giỏi tay nghề, đức hạnh tốt mà còn phải nhận được sự đồng ý của thần linh.

Cùng với các nghi thức quan trọng của phần lễ, thì phần hội trong lễ hội Cầu Ngư được ví như sân khấu thu nhỏ, nơi trình diễn nhiều trò chơi, trò diễn dân gian như hò đối, kéo co, đua thuyền; hay tái hiện nếp sinh hoạt truyền thống của cư dân ven biển Ngư Lộc như tróc quại, câu mực, đan lưới... Lễ hội Cầu Ngư Diêm Phố phản ánh đậm nét tín ngưỡng “thiêng hóa” tự nhiên, hay tri ân vị thần của biển cả - cá Ông của cư dân ngư nghiệp. Qua đó, khẳng định triết lý sống hài hòa giữa con người với tự nhiên – biển cả.

Khi nghiên cứu về lễ hội dân gian, nhà nghiên cứu văn hóa Đinh Gia Khánh cho rằng, lễ hội là một sinh hoạt tập thể long trọng, thường đem lại niềm phấn chấn cho tất cả mọi người, cho mỗi một con người.

Những quy cách và những nghi thức của lễ hội mà mọi người phải tuân theo, tạo nên niềm cộng cảm của toàn thể cộng đồng, làm cho mỗi người gắn bó chặt chẽ hơn với cộng đồng và do đó thấy mình vươn lên ở tầm vóc cao hơn, với một sức mạnh lớn hơn. Lễ hội Cầu Ngư được xem là một hiện tượng văn hóa - tín ngưỡng độc đáo, đặc sắc của văn hóa miền biển xứ Thanh. Do vậy, “niềm cộng cảm” mà lễ hội này mang lại, phải chăng là góp phần hướng con người đến những giá trị sống tốt đẹp hơn?!

Theo tcdulichtphcm.vn
https://tcdulichtphcm.vn/le-hoi/sac-thai-van-hoa-bien-dam-da-qua-le-hoi-cau-ngu-c9a14548.html
Copy Link
https://tcdulichtphcm.vn/le-hoi/sac-thai-van-hoa-bien-dam-da-qua-le-hoi-cau-ngu-c9a14548.html
    • Di tích "núi thơ" độc nhất vô nhị Việt Nam
      Núi Non Nước có hàng chục bài thơ đề trên các vách đá, được ví như bảo tàng thơ Hán Nôm và là tuyển tập những bài thơ "có một không hai" ở nước ta.
    • Vẻ đẹp thơ mộng cầu Trà Khúc 3 giữa làng quê thanh bình
      Cầu Trà Khúc 3 có thiết kế vòm thép độc đáo bắc ngang sông Trà Khúc nối hai huyện Tư Nghĩa và Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) thơ mộng, hữu tình. Công trình hoàn thành mở ra cơ hội phát triển kinh tế- xã hội, rút ngắn thời gian đi lại cho người dân, kết nối phát triển các khu du lịch sinh thái và hình thành vùng đệm đô thị phía Tây thành phố Quảng Ngãi.
    • Lên Ba Vì săn hoa dã quỳ, check in chỗ nào cũng thấy siêu đẹp
      Mùa hoa dã quỳ năm 2024 tại Vườn Quốc gia Ba Vì diễn ra từ ngày 26/10 - 08/12/2024, thời gian hoa nở rộ và đẹp nhất từ ngày 2 - 24/11/2024. Trong tiết trời se se lạnh, nhiều đoàn du khách đã bắt đầy lên Ba Vì để check in và sống ảo.
    • Khách Tây xếp hàng nhảy thác ở Hà Giang, chính quyền lên tiếng cảnh báo
      Lượng khách tới Hà Giang thời gian qua tăng cao và thác nước Du Già là một trong những điểm đến thu hút. Tuy nhiên chính quyền địa phương cũng cảnh báo du khách cần cẩn trọng nhằm đảm bảo an toàn.
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Sắc thái văn hóa biển đậm đà qua lễ hội Cầu Ngư
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO