Các quan chức Mỹ cho biết Lầu Năm Góc sẽ rút hàng chục thành viên lực lượng Hoạt động Đặc biệt khỏi Chad trong vài ngày tới. Đây được xem là đòn giáng mạnh thứ hai chỉ trong một tuần vào chính sách an ninh và chống khủng bố của Mỹ tại khu vực đầy biến động ở Tây và Trung Phi.
Quyết định rút khoảng 75 nhân viên Lực lượng đặc biệt Mỹ đang hoạt động tại Ndjamena, thủ đô của Chad, được đưa ra vài ngày sau khi chính quyền Tổng thống Biden cho biết họ sẽ rút hơn 1.000 quân nhân Mỹ khỏi Niger trong những tháng tới.
Lầu Năm Góc đang buộc phải rút quân theo yêu cầu của các chính phủ châu Phi nhằm đàm phán lại các quy tắc và điều kiện để quân nhân Mỹ có thể hoạt động ở đất nước họ. Các nhà phân tích cho biết cả hai nước chủ nhà đều mong muốn những điều khoản có lợi hơn cho họ. Quyết định rút khỏi Niger đã là quyết định cuối cùng, trong khi các quan chức Mỹ cho biết họ hy vọng sẽ nối lại các cuộc đàm phán về hợp tác an ninh sau cuộc bầu cử ở Chad vào ngày 6/5.
Sự ra đi của các cố vấn quân sự Mỹ ở cả hai nước diễn ra khi Niger, cũng như Mali và Burkina Faso, đang quay lưng lại với Mỹ sau nhiều năm hợp tác và hình thành quan hệ đối tác với Nga - hoặc ít nhất là khám phá mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với Moskva.
Vào tháng 1 năm nay, Tổng thống chuyển tiếp của Cộng hòa Chad Mahamat Idriss Deby Itno đã có chuyến thăm tới Moskva - một động thái hiếm thấy của Chad trong 56 năm qua. Đón ông Mahamat, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh rằng, Nga sẽ giám sát chặt chẽ tình hình tại Chad và sẽ đóng góp vào sự ổn định của quốc gia này. Nhà lãnh đạo Nga đồng thời cam kết "sẽ hỗ trợ bằng mọi cách" nhằm ổn định tình hình ở Chad.
Ông Putin cho biết, mối quan hệ giữa Nga và Chad đã "phát triển đặc biệt sâu sắc trong những năm gần đây". Nhà lãnh đạo Nga thời điểm đó tiết lộ rằng "một bộ tài liệu đang được chuẩn bị để củng cố và mở rộng khuôn khổ pháp lý của hai nước".
Sự ra đi của các cố vấn quân sự Mỹ khỏi Chad, một quốc gia sa mạc rộng lớn, được thúc đẩy bởi một lá thư từ chính phủ Chad trong tháng này, đe dọa chấm dứt một thỏa thuận an ninh quan trọng với Washington.
Bức thư được gửi đến tùy viên quốc phòng Mỹ và không trực tiếp yêu cầu quân đội Mỹ rời Chad, nhưng nó chỉ đích danh lực lượng đặc nhiệm Mỹ hoạt động tại một căn cứ quân sự Chad ở thủ đô, nơi đóng vai trò là trung tâm quan trọng để điều phối các hoạt động huấn luyện và cố vấn quân sự của Mỹ trong khu vực.
Khoảng 75 lính Mũ nồi Xanh thuộc Nhóm Lực lượng Đặc biệt số 20, một đơn vị Vệ binh Quốc gia từ Alabama, phục vụ trong lực lượng đặc nhiệm trên. Các quan chức cho biết, một số nhân viên quân sự khác của Mỹ làm việc tại đại sứ quán hoặc trong các công việc cố vấn khác, không bị ảnh hưởng bởi quyết định rút quân.
Bức thư trên đã khiến các nhà ngoại giao và giới chức quân đội Mỹ bối rối. Nó được gửi từ tham mưu trưởng không quân của Chad, Idriss Amine; viết bằng tiếng Pháp, một trong những ngôn ngữ chính thức của Chad. Nó không được gửi qua các kênh ngoại giao chính thức, đây là phương pháp điển hình để giải quyết những vấn đề như vậy.
Các quan chức Mỹ cho biết bức thư có thể là một chiến thuật đàm phán của một số thành viên trong quân đội và chính phủ nhằm gây áp lực buộc Washington phải chấp nhận một thỏa thuận có lợi hơn cho Chad trước cuộc bầu cử vào tháng 5.
Các quan chức Mỹ cho biết, không giống như việc quân đội Mỹ rời khỏi Niger, việc rút quân khỏi Chad có thể chỉ là tạm thời trong khi các nhà ngoại giao xác định liệu có thể đạt được cái gọi là thỏa thuận về tình trạng lực lượng mới hay không. Vì thế khả năng các cố vấn quân sự của Mỹ quay trở lại Chad vẫn bỏ ngỏ. Hai quan chức Mỹ cho biết, trừ khi có những diễn biến ngoại giao mới vào phút chót, lực lượng đặc nhiệm Mỹ dự kiến sẽ bắt đầu rời Chad vào cuối tuần này và hoàn thành trước ngày 1/5.
Trong khi Pháp, một cường quốc thuộc địa trước đây trong khu vực, có sự hiện diện quân sự lớn hơn nhiều ở Chad thì Mỹ cũng coi quốc gia châu Phi này là một đối tác an ninh đáng tin cậy. Đội cận vệ tổng thống của Chad là một trong những lực lượng được huấn luyện và trang bị tốt nhất ở khu vực Sahel. Nước này đã đóng vai trò chủ nhà cho các cuộc tập trận quân sự do Mỹ tiến hành. Các quan chức tại Bộ Tư lệnh Châu Phi của Lầu Năm Góc cho biết Chad là đối tác chính trong nỗ lực vận động một số quốc gia trong lưu vực Hồ Chad chống lại phiến quân Boko Haram.
"Chúng tôi, Bộ Tư lệnh Châu Phi vẫn tận tâm xây dựng mối quan hệ đối tác lâu dài với Chad và các quốc gia châu Phi khác ở Sahel nhằm giải quyết các mối lo ngại về an ninh chung và giúp thúc đẩy một tương lai hòa bình và thịnh vượng trong khu vực”, Tướng Michael E. Langley, người đứng đầu Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ, cho biết trong chuyến thăm Chad vào tháng 1 năm nay.
Từ năm 2022, Mỹ đã có những nỗ lực nhằm "xoay trục" về châu Phi nhằm củng cố vai trò của Washington tại châu lục giàu tài nguyên và có vị thế ngày càng quan trọng này, đặc biệt là trước tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Nga và Trung Quốc tại đây.
“Chiến lược của Mỹ hướng tới châu Phi cận Sahara” được công bố năm 2022 đã nhấn mạnh các ưu tiên chính của Mỹ đối với châu Phi bao gồm hỗ trợ chuyển đổi năng lượng, y tế, quản trị dân chủ; định hình các quy tắc của thế giới về các vấn đề quan trọng như thương mại, không gian mạng, công nghệ mới nổi; đương đầu với các nguy cơ khủng bố, xung đột, tội phạm xuyên quốc gia; phục hồi sau đại dịch Covid-19, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn môi trường.
Tuy nhiên, với những diễn biến mới từ Niger và Chad, chiến lược châu Phi của Mỹ dường như đang liên tục hứng đòn giáng.