Tết với thời gian nghỉ ngơi khá dài, thực sự luôn là dịp tốt để mọi người được sum vầy vui vẻ, thư giãn bên gia đình, bà con họ hàng, bạn bè và thưởng thức những món ăn ngon và các đặc sản cổ truyền ngày Tết.
Tuy nhiên, với những người mắc bệnh gút hoặc hoặc lâu nay có sẵn tăng axit uric trong máu thì có thể có nguy cơ “mất vui” giữa chừng vì các cơn viêm khớp do bệnh gút mới xuất hiện hoặc bị tái diễn một cách dữ dội ngay trong hoặc sau những ngày nghỉ Tết.
Rượu bia quá chén
Hàng năm, sau mỗi kỳ nghỉ Tết dài, Bệnh viện Chợ Rẫy thường tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân gút đến khám tại phòng khám hoặc phải nhập viện điều trị.
Trong đó có những bệnh nhân bị bệnh lần đầu, nhưng không ít bệnh nhân đã có bệnh gút từ trước và bị đợt cấp tái diễn trong hoặc ngay sau kỳ nghỉ Tết.
Anh Trần Văn D. 37 tuổi, ngụ tại Bình Chánh, TP.HCM, được người nhà cõng vào phòng khám để bác sĩ khám vì sưng đau ngón chân cái và khớp cổ chân đã bốn ngày nay. Anh D. kể, Tết vừa rồi anh ăn Tết như bình thường, hầu như ngày nào cũng có nhậu và uống nhiều rượu bia.
Đến sáng sớm ngày mùng 5 Tết, thấy đau, sưng ngón chân cái bên phải, sau đó hai ngày thì sưng đau thêm ngón chân cái và cổ chân bên trái; khớp đau dữ dội, anh không thể tự đi lại được. Khi khám bệnh, anh D. thậm chí không dám để tay bác sĩ chạm vô khớp vị sợ đau.
Khai thác bệnh sử thì anh D. cho biết, khoảng một năm trước anh D. đã có đợt đau sưng khớp tương tự. Anh D. điều trị sau một tuần thì hết triệu chứng thì nghĩ là đã hết bệnh nên sau đó không điều trị gì.
Gây sỏi thận, suy thận
PGS.TS.BS. Nguyễn Đình Khoa - Trưởng khoa Nội Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Chợ Rẫy – cho biết gút là một bệnh do rối loạn chuyển hóa chất purine trong cơ thể, dẫn đến lắng đọng các tinh thể muối urate ở khớp và một số cơ quan khác, gây ra những đợt sưng đau khớp tái diễn.
Những cơn viêm khớp gút ban đầu hay gặp ở ngón chân cái, cổ chân, hay khớp gối thường rất khủng khiếp, gây đau đớn chẳng khác nào bị dao đâm chọc vào khớp và nhiều khi đến thật bất ngờ, thậm chí ngay trong hoặc sau một bữa tiệc thịnh soạn hay đang trong một giấc ngủ ngon về ban đêm.
Nếu không được chữa trị một cách hợp lý, những cơn viêm khớp này có xu hướng tái đi, tái lại và thường sẽ tiến triển đến viêm đa khớp mạn tính, nổi các nốt cục (được gọi là tophi) ở nhiều nơi và có thể gây sỏi thận, suy thận và những biến chứng khác.
Một khi được chẩn đoán bệnh gút, người bệnh cần có chế độ điều trị hợp lý, kết hợp giữa việc thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt và sử dụng một số thuốc đặc trị bệnh gút một cách thường xuyên và lâu dài, ngay cả khi không có triệu chứng gì.
Phòng ngừa gút ra sao?
PGS Đình Khoa cho biết đối với người bị bệnh gút điều quan trọng trước tiên là cần tiếp tục duy trì các thuốc điều trị đã được bác sĩ kê toa. Việc ngưng thuốc đột ngột, dù vào bất cứ thời điểm nào đều có nguy cơ làm cho bệnh bùng phát.
Người bị bệnh gút và kể cả những người có tăng axit uric máu đơn thuần cần phải chú ý tới việc ăn uống của mình. Những bữa ăn chứa nhiều chất đạm, cộng với việc uống rượu bia triền miên sẽ làm gia tăng đột ngột nồng độ axit uric trong máu và là điều kiện tốt để gút xuất hiện, thậm chí ngay cả khi bạn đang dùng các thuốc điều trị bệnh.
Vì vậy, người bệnh cố gắng hạn chế (tránh ăn nhiều) các thực phẩm quá giàu chất đạm như các loại thịt đỏ (thịt bò, cừu, dê, thịt thú rừng…), các loài hải sản nhuyễn thể (tôm, cua, sò, một số loại cá như cá trích, cá đối, cá mòi…), nấm, đậu, rau mầm; nên tránh tuyệt đối việc ăn các thực phẩm là phủ tạng động vật như lòng heo, tiết canh, hột gà lộn, hột vịt lộn; hạn chế tối đa việc uống rượu bia và các loại đồ uống ngọt như nước siro, nước ngọt có gas.
"Người bị bệnh gút cũng cần nhớ phải duy trì việc uống đầy đủ nước hàng ngày; tăng cường ăn rau xanh và các loại trái cây tươi, đặc biệt là các loại rau quả giàu vitamin C và có thể uống sữa, ăn sữa chua bình thường; đồng thời tiếp tục duy trì kiểm soát bữa ăn của mình một cách hợp lý", PGS Khoa nói.