Rượu bia bất hợp pháp gia tăng dịp cận Tết

Hương Giang| 11/01/2023 14:02

Càng gần Tết Nguyên đán, tình trạng rượu bia bất hợp pháp càng gia tăng do sức mua của người dân ngày một tăng lên. Hơn nữa nguồn cung trên thế giới bị gián đoạn do nhiều nguyên nhân, lượng hàng hóa bị hạn chế, sẽ dẫn đến các sản phẩm "thay thế" như hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ tràn vào.

Rượu bia bất hợp pháp gia tăng dịp cận Tết
Hàng trăm lít rượu trắng, rượu đã qua ngâm thảo dược không rõ nguồn gốc, xuất xứ được phát hiện ở Long Biên, Hà Nội vào tháng 8.2022. Ảnh: Cục Quản lý thị trường Hà Nội.

Càng gần Tết Nguyên đán, rượu bia giả, lậu càng hoành hành

Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết: Trong năm 2022, lực lượng quản lý thị trường của Tổng cục đã kiểm tra và xử lý riêng về mặt hàng rượu là 336 vụ, phạt tiền 4.272.000.000 đồng; số lượng hàng hóa vi phạm 6.470 chai rượu nhập lậu; 1.277 chai không rõ nguồn gốc xuất xứ; 4.285 chai vi phạm nhãn; 2.745 chai vi phạm hợp quy; 13.353 chai vi phạm khác.

Đối với mặt hàng bia, đã xử lý 101 vụ, phạt tiền 1.104.000.000 đồng, số lượng hàng hóa vi phạm: 272.616 chai bia nhập lậu; 1.360 chai quá hạn sử dụng; 39.300 chai không rõ nguồn gốc xuất xứ.

"Càng gần Tết Nguyên đán, tình trạng rượu bia bất hợp pháp càng gia tăng do sức mua của người dân ngày một tăng lên. Hơn nữa nguồn cung trên thế giới bị gián đoạn do nhiều nguyên nhân, lượng hàng hóa bị hạn chế, sẽ dẫn đến các sản phẩm "thay thế" như hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ tràn vào"- ông Lê nói.

Về vấn đề này, ông Lê cho biết ngay từ đầu tháng 11.2022, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành kế hoạch số 10, cao điểm đấu tranh phòng chống hàng giả, gian lận thương mại, hàng buôn lậu trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Tất cả các lực lượng đều ra quân, đặc biệt chú trọng vào lĩnh vực an toàn thực phẩm như thực phẩm chế biến sẵn, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát...

Ông Nguyễn Đức Lê cũng cho biết, tình trạng rượu giả, rượu không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường vẫn chưa được ngăn chặn triệt để, gây thất thu thuế cho nhà nước, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp chân chính và đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Lê phân tích, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do việc sản xuất, buôn bán đồ uống có cồn bất hợp pháp tồn tại do lợi nhuận cao mang lại. Cùng với đó, thói quen mua hàng khá dễ tính của người tiêu dùng như mua hàng không lấy hóa đơn, chứng từ, không kiểm tra tem, nhãn,... đối với đồ uống có cồn.

Quản lý rượu, bia thủ công còn nhiều khó khăn

Một vấn đề rất quan trọng, theo ông Lê là công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng rượu, bia thủ công còn nhiều khó khăn và các chế tài còn chưa triệt để. Việc sản xuất rượu, bia thủ công đơn giản, nhất là mặt rượu thủ công được thực hiện chủ yếu tại các hộ gia đình (hầu hết ở khu vực nông thôn).

"Việc mua bán đối với mặt hàng này cũng được thực hiện một cách dễ dàng. Trong khi đó, nguyên nhân từ các vụ ngộ độc rượu lại chủ yếu đến từ việc sử dụng, lạm dụng mặt hàng này trong đời sống sinh hoạt của người dân"- ông Lê nói

Công tác kiểm tra, xử lý về hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ của các lực lượng chức năng chưa nhận được sự phối hợp, cung cấp thông tin nhận biết hàng thật, hàng giả của một số doanh nghiệp sản xuất, chủ sở hữu quyền; chi phí giám định cao, thời gian giám định dài nên ảnh hưởng đến hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

Từ thực trạng trên, ông Nguyễn Đức Lê đưa ra một số giải pháp trong thời gian tới nhằm chấn chỉnh tình trạng này.

Thứ nhất là hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến sản xuất, kinh doanh rượu, bia, đặc biệt là các quy định quản lý đối với rượu sản xuất thủ công; tăng cường nguồn lực và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các cơ quan quản lý nhà nước, chú trọng vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương; và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật…

Thứ hai, UBND các cấp phải làm sao tuyên truyền đến xã phường, làm sao cho doanh nghiệp sản xuất đến người dân nắm được pháp luật cũng như điều cần biết khi mua đồ uống có cồn, mua sản phẩm chính hãng, có địa chỉ rõ ràng.

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu phải đổi mới chất lượng sản phẩm, mẫu mã và phải tự biết bảo vệ mình, nên áp dụng công nghệ tiên tiến truy xuất nguồn gốc được.

Ông Nguyễn Đức Lê cũng nhấn mạnh, cần làm sao để các sản phẩm rượu bia chính hãng có truy xuất nguồn gốc, để người dân, cơ quan quản lý nắm được quy trình từ nhà máy đến cửa hàng, siêu thị đi qua những bước nào, ai chịu trách nhiệm, điều này thể hiện sự minh bạch và góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hàng giả hàng nhái.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Rượu bia bất hợp pháp gia tăng dịp cận Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO