Hôm 1/3, chính quyền thành phố Du Lâm thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc thông báo đang tiến hành điều tra sự việc một người phụ nữ nghi bị chồng giam cầm sau song sắt.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, trước đó, một tài khoản livestream của người đàn ông họ Li cho hay người vợ Xiao Yu không có bất cứ giấy tờ tùy thân nên không thể biết nguồn gốc ở đâu.
Chính quyền Trung Quốc điều tra vụ việc người chồng livestream khoe giam cầm người vợ sau nhiều lần bỏ trốn. (Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu) |
Cũng theo ông Li, ông và người vợ Xiao đã chung sống cùng nhau kể từ năm 2009. Bà Xiao cố bỏ trốn khỏi nhà chồng nhiều lần. Do đó, ông Li đã cầm tù vợ để ngăn bà Xiao tiếp tục bỏ trốn.
Ngay khi đoạn video livestream được lan truyền, cư dân mạng đã ngay lập tức liên tưởng tới vụ việc gây chấn động dư luận nước này hồi tháng Một về người phụ nữ bị chồng ngược đãi ở một ngôi làng của huyện Phong thuộc tỉnh Giang Tô. Nạn nhân là bà Yang, người được nhìn thấy chỉ mặc bộ quần áo mỏng manh, bị chồng buộc xích vào cổ và nhốt trong một căn lều tạm bợ khi nhiệt độ dưới 0 độ C. Kết quả điều tra cho thấy, bà Yang có tên khai sinh là Xiao Huamei và chào đời tại một ngôi làng ở tỉnh Vân Nam vào năm 1977. Bà Yang là nạn nhân của bọn buôn người. Bà đã sinh 8 người con khi chung sống với người chồng ở huyện Phong kể từ năm 1998.
Còn theo báo cáo của người dân tới chính quyền địa phương, trong video livestream, ông Li nói rằng bà Xiao đã sinh 2 người con gồm 1 trai và 1 gái cho ông này. Tuy nhiên, ông Li đã bán con gái để lấy số tiền 30.000 nhân dân tệ (4.758 USD) cho một người dân ở làng kế bên.
Thậm chí, ông Li còn khoe trước dân mạng quyển sổ hộ khẩu mà trong đó ông đã giả mạo chữ kỹ của người vợ. Như thông tin trong sổ hộ khẩu, bà Xiao sinh ngày 5/5/1975. Ngày đăng ký nhập hộ khẩu là tháng 5/2019.
Tài khoản mạng của ông Li có 78.000 người theo dõi và đã tạm dừng hoạt động vào ngày 1/3, đồng thời các đoạn video từng công bố cũng đã bị khóa.
Cảnh sát địa phương đã đưa ra thông báo hôm 1/3 về trường hợp “người phụ nữ bị bắt nhốt” sinh sống ở huyện Jiaxian của thành phố Du Lâm, người được so sánh có cuộc đời đáng thương như bà Yang ở huyện Phong của tỉnh Giang Tô. Ngoài ra, đối tượng phạm tội cũng đã bị cảnh sát bắt để điều tra.
Cũng trong ngày 1/3, Bộ Công An Trung Quốc thông báo thực hiện chiến dịch đặc biệt kéo dài từ ngày 1/3 – 31/12 năm nay nhằm trấn áp các đường dây buôn bán phụ nữ và trẻ em. Chiến dịch đặc biệt được công bố sau khi dư luận Trung Quốc tranh luận gay gắt, đồng thời yêu cầu chính quyền các cấp và toàn xã hội dẹp bỏ vấn nạn buôn bán người nhất là sau những vụ buôn bán phụ nữ có tính chất đặc biệt nghiêm trọng được đưa ra ánh sáng trong thời gian gần đây.
Trên thực tế, tội phạm buôn bán người đã bị ngăn chặn mạnh mẽ trong những năm gần đây tại Trung Quốc. Vào năm 2021, số vụ buôn bán phụ nữ và trẻ em ở đất nước tỷ dân đã giảm 88,3% so với năm 2013. Cụ thể, tính trung bình số trẻ em bị buôn bán ở Trung Quốc hiện dưới 20 vụ mỗi năm.
Theo Bộ Công An Trung Quốc, vấn nạn buôn bán người ở Trung Quốc diễn ra nghiêm trọng nhất vào những năm 1990. Song cho tới nay, tình trạng này vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt, buộc công tác ngăn chặn và xử phạt cần được đẩy mạnh.
Minh Thu (lược dịch)