Các nhà môi giới “dụ” nhà đầu tư bằng các chương trình đòn bẩy kich thích rất lớn để nhà đầu tư có thể tham gia giao dịch, kèm theo hứa hẹn sẽ thu nhiều lợi nhuận chỉ bằng số tiền vốn rất nhỏ. Tuy nhiên, thực tế lại là một bài học “đau đớn” cho nhà đầu tư.
Đánh tráo khái niệm
Theo TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc khối đầu tư quỹ DG Investment, tìm hiểu thời gian qua, mô hình đầu tư chứng khoán quốc tế được các công ty môi giới quảng cáo ở Việt Nam chủ yếu trên các nền tảng giao dịch về bản chất là một hình thức giao dịch chênh lệch tỷ giá dựa trên sự biến động về giá các loại cổ phiếu được niêm yết trên các sàn chứng khoán nước ngoài như NYSE, NAQDAS...
Nhà đầu tư khi mua các mã cổ phiếu trên sẽ được các broker cho phép giao dịch chênh lệch tỷ giá dựa trên thị trường chứng khoán được trả cổ tức giống như đang được giao dịch chứng khoán cơ sở. Để thu hút thêm các nhà đầu tư nhỏ lẻ, các broker đã cung cấp đòn bẩy rất lớn để nhà đầu tư có thể tham gia giao dịch chứng khoán quốc tế với số tiền cực kỳ nhỏ.
Nhà đầu tư cần tỉnh táo khi tham gia các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế. Ảnh minh họa: Gia Miêu |
Có nhiều công ty môi giới đang dụ dỗ nhà đầu tư nhỏ lẻ với mức đòn bẩy khá lớn từ 1:20, thậm chí lên tới 1:100. Đơn cử quảng cáo của các môi giới đưa ra là một mã cổ phiếu A có giá 110 USD thì từ việc phải ký quỹ 11.000USD cho 100 cổ phiếu A thì với đòn bẩy 1:100, nhà đầu tư chỉ phải ký quỹ 110USD để mua 100 cổ phiếu nói trên. Với mức ký quỹ này thì đến bà bán rau hay bán cá ngoài chợ cũng có thể chơi chứng khoán quốc tế, ông Duy Phương phân tích.
Bên cạnh đó, các môi giới luôn hối thúc kêu gọi mọi người đầu tư chi tiền ngay mua cổ phiếu để được hưởng cổ tức của cổ phiếu đó. Và bài toán đầu tư mà các nhà đầu tư luôn áp dụng là sử dụng hết số vốn với mức đòn bẩy. Nên nếu thị trường giảm mạnh thì tài khoản của nhà đầu tư cũng sẽ bay luôn.
Anh Nguyễn Minh T - một nhà đầu tư ở quận 7, TPHCM - cho biết, anh được chào mua cổ phiếu Pfizer với mức đòn bẩy 20 lần. Và thông tin môi giới đưa ra là đầu tư liền khi đó và giữ 1 tuần để hưởng cổ tức với mức được chia 0.53USD mỗi cổ phiếu. Người mua cổ phiếu sẽ có lợi nhuận từ cổ tức và lợi nhuận tăng dần theo giá cổ phiếu. Đây là một bài toán rất hấp dẫn và thông tin đó làm cho người đầu tư bị ảo tưởng rằng cứ đưa tiền vào là có lợi nhuận ngay.
Nhưng tất cả chỉ là sự đánh tráo khái niệm. Anh T đã bỏ tiền nhiều đợt với tổng số hơn 10.000USD để đầu tư mua cổ phiếu với bài toán kỳ vọng là có lợi nhuận ngay lập tức từ việc hưởng cổ tức cũng hơn 3.000USD chưa kể việc tăng giá. Tuy nhiên, thực tế sau khi nhận cổ tức, thì mức giá cổ phiếu liên tục rớt thảm hại. Và vì cái cam kết giữ 1 tuần để cổ tức mà anh không thể bán.
"Trong quá trình làm việc với sàn mặc dù được kỹ thuật hỗ trợ liên tục, tuy vậy, quá trình đầu tư vẫn không có lối thoát. Thậm chí có lúc có người tự xưng là quản lý của sàn gọi cho tôi và đưa ra lời hứa là sẽ cố gắng dùng kỹ thuật để giúp tôi lấy lại số tiền vốn đã mất nếu tôi tiếp tục nạp tiền vào tài khoản. Nhưng nạp thêm lại tiếp tục âm và âm nhiều hơn nữa" - anh T cho biết.
Ngoài ra, theo phản ánh của không ít người, các công ty môi giới này thường có chiêu "thả" cho người chơi lời một ít trong thời gian đầu, để lừa họ bơm thêm tiền vào tài khoản. Sau đó, người chơi càng đầu tư càng lỗ. Một số người muốn rút tiền thì các công ty tìm mọi cách giữ lại.
Bất hợp pháp và nhiều rủi ro
Theo phân tích của TS Nguyễn Duy Phương, nhà đầu tư bị con số lợi nhuận làm mờ mắt. Đòn bẩy càng lớn thì rủi ro cảng cao. Các nhà đầu tư không hề biết được một khái niệm là mức ngưng giao dịch mà các sàn giao dịch này áp dụng là khoảng 20%. Với mức này và việc sử dụng tỉ lệ đòn bẩy tài chính quá cao sẽ có thể khiến nhà đầu tư cháy tài khoảng chỉ trong chưa đầy 1 phiên giao dịch cho dù mức sụt giảm giá cổ phiếu đó không quá lớn.
Chỉ với hai chiêu bài đánh tráo khái niệm từ giao dịch chênh lệch tỉ giá sang đầu tư chứng khoán quốc tế, nhiều công ty tự xưng là đại lý môi giới sàn giao dịch tại Việt Nam đã lợi dụng vẽ ra các tương lai tươi sáng của các loại cổ phiếu để lừa gạt nhà đầu tư. Mọi bức tranh được vẽ ra đều là màu hồng và số tiền ở những giao dịch được chốt đầu tiên luôn ở mức vài nghìn USD đủ làm khách hàng bất cẩn và thúc đẩy lòng tham.
Ông Nguyễn Thanh Nhã - luật sư Công ty luật DBS - cho biết qua tìm hiểu từ những nhà đầu tư có tham gia kênh giao dịch này, có không ít công ty hoạt động theo mô hình đa cấp. Nghĩa là người đi trước mời gọi người đi sau và chừng mực nào đó sẽ được hưởng lợi nhuận do người đi sau "bơm" thêm tiền vào hệ thống. Bên cạnh rủi ro pháp lý, kênh đầu tư này chứa nhiều yếu tố có thể khiến nhà đầu tư mất tiền khi tham gia vào.
Thứ hai, giao dịch chủ yếu diễn ra qua các phần mềm do công ty trung gian cung cấp. Do đó, người đầu tư không kiểm soát được phía quản trị, quản lý các phần mềm trên, phát sinh rủi ro bên quản trị có thể can thiệp vào lệnh mua, bán gây bất lợi. Thực tế, không ít người than phiền rất khó để mua khi giá thấp và bán khi giá cao.
Lời khuyên của các chuyên gia là người dân cần thận trọng và xem xét kỹ lưỡng loại hình đầu tư được mời chào, vì trong nhiều trường hợp loại hình đầu tư chưa được cấp phép. Nhiều trường hợp không xem xét cẩn trọng hình thức đầu tư và tuân thủ đầy đủ trình tự pháp lý đầy đủ nên đã phải đối mặt với rủi ro mất tiền rất cao.
Các nhà đầu tư nên tham vấn thêm những người có chuyên môn như luật sư hay công ty chứng khoán chuyên nghiệp khi được giới thiệu hình thức đầu tư mới, tránh bị kéo theo những mức lợi nhuận khủng mà các đơn vị môi giới vẽ ra.
(Theo Lao Động)