Người dân Hàn Quốc vừa trải qua một đêm đau thương và kinh hoàng khi thảm họa xảy ra với các nạn nhân tại lễ hội Halloween. Theo các tin tức được cập nhật, số nạn nhân bị tử vong đã lên đến 151 người và nhiều người khác bị thương. Con số thương vong có thể chưa dừng lại vì chưa thống kê hết. Tôi cầu mong những người bị thương có thể được phục hồi và con số thương vong dừng lại. Xin được thành kính chia buồn cùng gia đình các nạn nhân.
Halloween 2022 là một lễ hội được chờ đợi ở Seoul vì đây là lễ hội lớn đầu tiên sau đại dịch với sự tham gia của khoảng 100.000 người, đa số là giới trẻ. Đó là con số ước chừng của nhà tổ chức nhưng thực tế là không có cách nào để đếm được số người tham sự một lễ hội được tổ chức ngoài trời trên đường phố.
Tôi theo dõi các clip, hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội và các báo điện tử của Hàn Quốc thời điểm trước, trong khi thảm họa xảy ra thì thấy rằng đã không có sự giẫm đạp mà vấn đề chủ yếu là mọi người bị mắc kẹt và chèn ép, dẫn đến ngạt thở.
Số người bị ngưng tim sau đó tử vong tại một con phố gần khách sạn Hamilton nơi mà dòng người đổ về từ hai hướng và mắc kẹt tại đây.
Những clip được quay từ các tòa nhà lân cận cho thấy dòng người đi từ hai hướng của con phố và đụng nhau ở một điểm. Tại đây những người ở nhóm đầu không thể di chuyển tiếp và những người phía sau liên tục dồn lên. Những người ở phía sau có lẽ không biết được rằng phía trước không còn lối đi, nhưng họ vẫn cố dồn về phía đám đông với một mục tiêu là đi qua con phố hoặc đi để được chứng kiến thứ gì đó ở phía trước. Vào thời điểm đó nếu có hai nhóm cảnh sát phối hợp kiểm soát ở hai đầu con phố để hạn chế dòng người đi vào khu vực này cùng thời điểm thì thảm họa đã không xảy ra.
Khi đoàn người từ hai phía dồn lại một điểm, dù trong trật tự, thì cũng tạo ra một sức nén rất lớn ở khu vực giao nhau. Sức nén này sẽ ép những người ở giữa với một lực nén từ từ nhưng lớn dần. Trong cùng một thời điểm, những người ở khu vực trung tâm vừa bị chèn ép, vừa bị mắc kẹt, vừa thiếu oxy và ngất xỉu.
Khi một vài người ngất xỉu sẽ ngã xuống, tạo ra sự hoảng loạn khiến nhiều người ngất xỉu theo. Đây là hội chứng tâm lý dây chuyền khiến nhiều người ngả rạp xuống và họ trở thành các chướng ngại vật khiến đám đông càng bị mắc kẹt lại với nhau.
Thảm họa xảy ra ở các lễ hội đông người không hiếm gặp vì nơi quá đông người luôn tiềm ẩn những rủi ro mất kiểm soát. Gần đây nhất là thảm kịch ở Indonesia tại một sân bóng đã khiến 127 người tử vong. Nguyên nhân bắt đầu từ sự xung đột giữa nhóm cổ động viên và cảnh sát, nhưng nguyên nhân dẫn đến nhiều người tử vong lại là do nhiều người hoảng loạn khi có tiếng súng hơi cay. Họ cùng đổ dồn về phía cổng ra vào. Họ mắc kẹt tại cổng và đã đạp lên nhau.
Các rủi ro đó hoàn toàn có thể xảy ra ở các lễ hội về tôn giáo, lễ hội chào năm mới, nơi tổ chức show diễn ca nhạc quy mô lớn và cả ở các sự kiện thể thao. Việc kiểm soát các rủi ro để hạn chế thảm họa đều cần cả hai phía, đơn vị tổ chức và người tham gia.
Về phía đơn vị tổ chức cần phân làn di chuyển một chiều để tránh việc tất cả các ngã rẽ đều di chuyển về cùng một tụ điểm. Cần lập các chốt để kiểm soát số lượng người di chuyển vào khu vực trung tâm sự kiện hoặc khu vực đang có quá đông người.
Không nên tổ chức sự kiện đông người ở nơi có nhiều ngả đường dồn về. Nếu có thì chỉ cho dòng người đi vào một hướng và đi ra ở hướng khác.
Người tham gia lễ hội nếu đang mắc kẹt ở đám đông thì tránh việc la hét, tránh việc tạo ra tiếng nổ, tránh việc phao tin giả về một sự cố nghiêm trọng giữa đám đông. Chẳng hạn giữa nơi đám đông đang chèn ép nhau mà nghe một tiếng nổ lớn, nghe tin giả có chất độc thì ngay lập tức đám đông sẽ mất kiểm soát.
Và điều quan trọng nhất với người tham gia: Nếu thấy đám đông đang quá đông thì nên tản ra, đừng tiếp tục đi vào đó để tránh rủi ro.
Những thảm họa đám đông như ở Seoul lẽ ra có thể phòng tránh nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ cả hai phía. Nhưng giờ phút này, ngoài việc chia buồn với thân nhân những người gặp nạn, chúng ta chẳng thể làm gì hơn.
Tác giả:Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy có 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu về giảm thiểu rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu và sinh kế. Ông từng là nghiên cứu viên (Researcher) tại Đại học Kyoto (Nhật Bản), sau đó làm việc với vai trò là chuyên gia và cố vấn cho nhiều tổ chức quốc tế về các vấn đề môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!