Lập hội để săn app, lừa app
“Hội bùng app vay tiền và chia sẻ cách đối phó” là một nhóm (group) trên mạng xã hội Facebook chuyên chia sẻ những mẹo vay rồi “bùng” (trốn nợ). L.T. - thành viên nhóm này - kể “chiến tích” vay qua ATM Online (website cho vay ngang hàng, kết nối người vay và người cho vay), được giải ngân 4,5 triệu đồng dù đã “bùng” nhiều khoản vay trước đó. Cô còn động viên mọi người trong nhóm nếu vay chưa thành công thì đừng nản, tiếp tục “cày” thêm.
Một thành viên tên B.A. còn khoe, trong một ngày, đã đăng ký vay thành công tại bảy app: MaxDong, Phồnhoa, Vi thien nga, Vi hai au, Hoahạ, Hoasen, Canvay. Mặc dù lãi suất và phí khá cao (vay 2,2 triệu đồng, chỉ giải ngân được 1,1 triệu đồng, hạn thanh toán sau năm ngày) nhưng B.A. vẫn chấp nhận vì mục đích là “bùng”. Dưới bài viết của B.A., có hàng trăm bình luận chúc mừng B.A. đã “cày” thành công và xin đường link các app này để đăng ký khoản vay, có người than đã nhiều ngày mà chưa “cày” được app nào. Các chủ tài khoản Facebook này công khai đăng thông tin các khoản vay của mình, kèm giấy tờ tùy thân, địa chỉ mà không ngại gì việc mất thông tin cá nhân.
Các bài chia sẻ chiêu trò “bùng” các khoản vay trong các hội nhóm trên mạng xã hội Facebook |
Có chủ tài khoản Facebook đăng hình ảnh của hàng chục app cho vay tiền như Vvay, Vaymoney, Richdong, Zoti, Vcash, FT Cash, F458, Loan hub, Ovay, SHA, NiceVay, V24, Tima Lender… rồi nhờ tư vấn app nào “bùng” được, app nào không “bùng” được. Một số chủ tài khoản khoe đã “bùng” được 20 app với số tiền lên đến 300 triệu đồng.
Theo các chủ tài khoản này, công việc chính của họ trong những ngày giãn cách xã hội là lên mạng tìm các app cho vay tiền rồi đăng ký khoản vay, mỗi ngày đăng ký một lần, liên tục trong nhiều ngày. “Hầu hết các app này đều hoạt động phi pháp nên không dám đòi nợ trực tiếp. Người của các app chỉ dám khủng bố bằng cuộc gọi hoặc cắt ghép ảnh rồi tung lên mạng xã hội Facebook, Zalo, nhưng cứ đối phó bằng việc khóa tài khoản, bỏ sim điện thoại là được” - một chủ tài khoản Facebook chia sẻ.
“Bùng” các app cho vay tiền đang trở thành hiện tượng đáng quan tâm trên mạng xã hội Facebook. Chỉ cần gõ từ khóa “bùng app”, sẽ có hàng chục hội nhóm với lượng thành viên hàng chục ngàn người. Đáng lo ngại hơn, không chỉ “bùng” các app cho vay tiền chưa được cấp phép, một số người còn bày cách “bùng” các khoản vay hợp pháp từ các ngân hàng, công ty tài chính vì cho rằng bên cho vay sẽ không bỏ thời gian, công sức để đòi khoản nợ chỉ vài triệu đồng, gọi điện nhắc nợ một thời gian sẽ bỏ (?).
Xù nợ có dễ?
Theo luật sư Trương Thanh Đức - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Giám đốc Công ty Luật ANVI - “bùng” khoản vay là một tư tưởng lệch lạc, dẫn đến nhiều hậu quả. Dù là vay hợp pháp qua tổ chức tín dụng hay vay không hợp pháp qua app, bên cho vay cũng sẽ có nhiều cách để nắm thông tin của người vay, trong đó giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân là một tư liệu. Bên cho vay sẽ truy bằng cách này hay cách khác, vấn đề chỉ là có ráo riết hay không, sớm hay muộn.
Với các khoản nợ khác chẳng hạn trong giao dịch xây dựng, giao hàng… nếu không đòi được nợ, bên bị thiệt hại được quyền khởi kiện trong ba năm, sau đó thì hết thời hiệu, mất quyền khởi kiện. Nhưng đối với khoản vay hợp pháp thì không có giới hạn thời gian, chừng nào chưa đòi hết nợ thì vẫn còn thời hiệu khởi kiện ra tòa.
Đại diện Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance), sở hữu thương hiệu tài chính tiêu dùng Easy Credit - cho biết, với những trường hợp cố tình không trả nợ, công ty chỉ sử dụng biện pháp nhắc nợ theo quy định, không có chuyện gọi điện đòi nợ theo kiểu khủng bố. Mặc dù pháp luật cho phép khởi kiện những trường hợp này nhưng cách này tiêu tốn nhiều chi phí, thời gian, công sức. Để khuyến khích khách hàng trả nợ đúng hạn và công ty không gặp áp lực đòi nợ, trong thời gian đầu cho vay, Easy Credit áp dụng chính sách hoàn lại số tiền lên đến 20% giá trị khoản vay ban đầu nếu khách hàng thanh toán đầy đủ và đúng các kỳ hạn.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quy định rõ các biện pháp đôn đốc, thu nợ. Thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận nhưng phải trong khoảng từ 7g đến 21g, không được dùng các biện pháp đe dọa. Theo luật sư Trương Thanh Đức, các tổ chức tín dụng cũng có thể bán các khoản nợ này, ai cũng có quyền mua lại khoản nợ (nhiều nhất là các công ty thu hồi nợ) và sẽ thay ngân hàng đòi nợ. Lúc này, các công ty thu hồi nợ không cần kiện ra tòa mà có thể đến tận nhà đòi nợ, gây sức ép bằng nhiều cách vì họ được quyền đòi nợ hợp pháp. Chẳng hạn, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) từng ba lần rao bán các khoản nợ tiêu dùng, có khoản chưa đến 500.000 đồng. Điều này cho thấy, không có chuyện bên cho vay chịu mất tiền một cách dễ dàng.
“Bên vay có thể trả muộn, trả chậm do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai đến thu nhập, nhưng không được có tư tưởng chiếm đoạt, lợi dụng, gian lận. Khi thật sự cần mới vay, đã vay thì phải trả nợ và nếu không trả được thì sẽ chấp nhận mình bị đòi nợ một cách quyết liệt, có lịch sử giao dịch tín dụng xấu. Nếu đã bị nợ xấu thì không thể vay mượn được ở đâu nữa vì khi cho vay, các tổ chức tín dụng sẽ đánh giá khả năng tuân thủ, khả năng tài chính, ý thức, đạo đức. Không ai biết trước được trong 3 hoặc 5 năm sau, liệu chúng ta có làm ăn, có nhu cầu vay mượn hay không” - luật sư Trương Thanh Đức phân tích.
(Theo Phụ Nữ TP.HCM)