Cuộc thử nghiệm DragonFire diễn ra tại địa điểm thử nghiệm Hebrides của Bộ Quốc phòng Anh ở Scotland. Theo Tiến sĩ Paul Hollinshead, Giám đốc điều hành của Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ quốc phòng (DSTL) thuộc Bộ Quốc phòng Anh ở Scotland, những cuộc thử nghiệm này đã cho phép Anh tiến một bước dài trong việc nhận ra tiềm năng và hiểu biết về các mối đe dọa do vũ khí năng lượng định hướng gây ra.
DragonFire được phát triển thông qua khoản đầu tư chung trị giá 100 triệu bảng Anh giữa Bộ Quốc phòng Anh và một nhóm gồm nhà sản xuất tên lửa MBDA cùng hai đối tác Leonardo UK và QinetiQ với mục đích tiêu diệt tên lửa, thiết bị bay không người lái (drone) và nhiều mục tiêu khác của đối phương. DragonFire có những lợi thế đáng kể, đặc biệt ở cấp độ tài chính khi loại vũ khí laser này có thể giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào vũ khí vốn rất đắt tiền. Chi phí cho một lần bắn của DragonFire chỉ khoảng 12USD cho thấy vũ khí này có tiềm năng trở thành giải pháp thay thế tên lửa. Ví dụ để tiêu diệt drone và tên lửa của lực lượng Houthi ở Biển Đỏ, tàu khu trục HMS Diamond của Hải quân Hoàng gia Anh phải bắn đi tên lửa Sea Viper trị giá 1,2 triệu USD.
Về hiệu suất, loại vũ khí laser này có những khả năng đáng gờm trong trường hợp xảy ra chiến tranh, trước hết là độ chính xác. Tầm bắn của vũ khí vẫn được giữ bí mật, nhưng tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Anh cho biết, độ chính xác mà DragonFire đạt được trong các cuộc thử nghiệm tương đương với việc bắn trúng đồng xu 1 bảng Anh (có đường kính 23mm) từ khoảng cách 1km.
Vụ thử nghiệm thành công vũ khí laser DragonFire của Bộ Quốc phòng Anh ở Scotland ngày 19-1. Ảnh: AFP |
DragonFire sẽ bắn ra một chùm ánh sáng ở cường độ rất cao và "tấn công bất kỳ mục tiêu nào có thể nhìn thấy". Khi gặp mục tiêu, tia laser sẽ đi qua nó, từ đó gây ra thiệt hại, thậm chí phá hủy mục tiêu. Theo tờ The Times, DragonFire có thể tiêu diệt các drone từ khoảng cách vài ki-lô-mét. “Các cuộc thử nghiệm đã chứng minh khả năng tấn công mục tiêu trên không trong phạm vi thích hợp của DragonFire, một bước tiến quan trọng để công nghệ này có thể được Quân đội Anh và Hải quân Hoàng gia Anh xem xét sử dụng”, thông cáo cho hay.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh Grant Shapps nhận định, loại vũ khí tiên tiến này có khả năng cách mạng hóa chiến đấu bằng cách giảm sự phụ thuộc vào các loại vũ khí đắt tiền cũng như giảm nguy cơ thương vong ngoài ý muốn. Bộ trưởng Shapps nhấn mạnh: “Đầu tư với các đối tác trong ngành vào những công nghệ tiên tiến như DragonFire là rất quan trọng trong một thế giới có tính cạnh tranh cao, giúp chúng tôi duy trì lợi thế chiến đấu và bảo vệ an ninh quốc gia”. Hiện cả Lục quân và Hải quân Hoàng gia Anh đều quan tâm đến việc sử dụng công nghệ này trong phòng không.
Vũ khí laser phát ra năng lượng điện từ có bước sóng được mục tiêu hấp thụ hiệu quả nhất và khiến nó tan chảy. Một chùm năng lượng được điều khiển bằng tia laser có thể cắt xuyên qua mục tiêu và vô hiệu hóa nó, hoặc gây ra nhiều thiệt hại hơn nếu nó chạm vào đầu đạn. Quân đội một số nước đã làm việc trong nhiều năm để tạo ra loại vũ khí này. Mỹ khởi động chương trình vũ khí laser từ lâu và đã tiến hành một số cuộc thử nghiệm. Israel hiện đang tìm cách củng cố hệ thống Vòm sắt của mình trước các cuộc tấn công từ bên ngoài, dự kiến sẽ đưa pháo laser vào sử dụng trong năm nay. Pháp cũng dự kiến sẽ đưa vũ khí laser Helma-P vào sử dụng để bảo vệ các tàu của Hải quân Pháp trong năm 2024.
Theo trang mạng francetvinfo.fr, vũ khí laser được gọi là “năng lượng định hướng” tạo ra tia sáng năng lượng rất cao, có khả năng “đốt cháy” một cỗ máy đang đến gần trong vài giây. Và trên hết, chi phí của một lần bắn vũ khí laser rất thấp so với chi phí bắn một quả tên lửa phòng không. Điều này khiến vũ khí laser trở thành vũ khí hiệu quả nhất (từ quan điểm chất lượng/giá cả) trong khi giá thành sản xuất không quá vài trăm USD.
PHƯƠNG VŨ