Đội lân cung nghinh bái chào trước Hội quán Ôn Lăng – Chùa Quan Âm.
Tiết mục biểu diễn múa rồng mang ý nghĩa cầu mong sự bình an, hạnh phúc, may mắn và sự hưng thịnh.
Các thiếu nữ người Hoa trang nhã trong trang phục truyền thống, biểu diễn tiết mục múa dù đẹp mắt trong suốt hành trình.
Năm nay, đoàn diễu hành mừng tết Nguyên tiêu - xuân Giáp Thìn 2024 ngắn hơn so với mọi năm, các đội lân sư rồng và các đoàn hóa trang nghệ thuật, tiên ông, tiên nữ… cũng ít hơn hẳn so với các năm trước.
Rằm Tháng Giêng hàng năm, bà con người Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn lại náo nức vui hội Nguyên Tiêu. Sự kiện được đông đảo người dân và du khách mong chờ nhất dịp này, chính là nghi thức xuất du của đoàn diễu hành nghệ thuật.
Chương trình diễu hành đường phố Lễ Hội Nguyên tiêu Xuân Giáp Thìn năm 2024 diễn ra từ 17 giờ đến 18 giờ ngày 24/2.
Đoàn diễu hành qua các tuyến đường: Hải Thượng Lãn Ông - Châu Văn Liêm - Lão Tử - Lương Nhữ Học - Nguyễn Trãi - Trần Xuân Hòa - Trần Hưng Đạo và tạm dừng chân trước Trung tâm Văn hóa Q.5 trước khi tiến vào sân khấu, khai mạc lễ hội.
Nườm nượp người dân và du khách đổ về các tuyến đường trung tâm Q.5, nô nức đứng chờ hai bên đường, đợi đoàn rước lễ.
Trước Hội quán Ôn Lăng (Chùa Quan Âm), đông đảo bà con người Hoa cùng du khách háo hức chờ đoàn diễu hành rước hội Nguyên Tiêu
Đây được xem là điểm tạm dừng đầu tiên. Các đội lân sư rồng khi vi hành ngang qua đều thực hiện nghi thức bái chào cung kính.
Chiều hôm Rằm tháng Giêng (24/2/2024), hàng ngàn người dân và du khách tấp nập đổ về khu vực trung tâm Q.5, nô nức đón chào các đoàn diễu hành rước hội Nguyên Tiêu.
Từ rất sớm, khi bóng nắng còn xiên trên nóc mái đình hội quá Ôn Lăng – Chùa Quan Âm, hàng ngàn du khách và cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn đổ về chật kín con đường Lão Tử chờ đón đoàn diễu hành, tạo nên bầu không khí lễ hội đón Tết Nguyên tiêu náo nhiệt, xôm tụ.
Từ xa, tiếng chiêng trống huyên náo, rộn ràng. Dẫn đầu đoàn rước lễ là lá đại kỳ Tổ quốc.
Gặp lại anh Huỳnh Minh Hữu, thành viên đoàn Đại La Cổ Hội Phụ Mẫu - Sư Trúc Hiên, người luôn đi đầu cùng lá Đại kỳ Tổ quốc với ngôi sao vàng trên nền đỏ thắm; anh Hữu chia sẻ: "Mười mấy năm tham gia đoàn diễu hành với lá quốc kỳ tôi cảm thấy rất vinh dự. Việc giương cao ngọn cờ đi suốt đoạn đường dài, tốn khá nhiều sức lực nhưng tôi đều cố gắng hoàn thành. Hơn nữa mình cũng đã chuyên cần luyện tập sức khỏe và luôn giữ phong độ trong các năm qua".
Tiếp theo sau đoàn rước cờ là các thiếu nữ Hoa – Việt tươi tắn tung bông hoa chào mừng lễ hội.
Cùng các đội múa trong các vũ điệu uyển chuyển, đẹp mắt.
Các diễn viên hóa trang thành các nhân vật thần thoại Phúc - Lộc - Thọ cùng các đoàn múa cờ, múa quạt, múa lân sư rồng... diễu hành cờ xí, hoa đăng, đèn lồng rộn rã.
Lần lượt các đoàn lân sư rồng biểu diễn trước Hội quán.
Các đội lân sư rồng tham dự ít hơn mọi năm nhưng đều mang những dấu ấn riêng và độc đáo.
Đội rồng – lân cung nghinh bái chào trước chùa Quan Âm - Hội quán Ôn Lăng.
Anh Chương Hà Duy, thành viên đội lân sư rồng chia sẻ, múa rồng thường biểu diễn trong các dịp lễ, tết, hội hè, khai trương... đây là lối múa truyền thống và kỳ công nhất trong việc phối hợp toàn đội. Với bà con người Hoa, múa lân sư rồng sẽ mang lại may mắn, thịnh vượng cho cả năm.
“Đoàn rước lễ Nguyên tiêu năm nay không thấy Bát Tiên và ngắn hơn mọi năm”, Minh Anh nhận xét.
Bắt gặp các bạn trẻ tươi vui, hào hứng xem hội, tôi đến bắt chuyện làm quen. Minh Anh, cô giáo tiếng Anh ở Củ Chi cho hay: "Đến hẹn lại lên, mỗi năm cứ dịp Tết Nguyên tiêu là cả hội bạn bọn em lại hẹn gặp, kéo nhau về xem rước lễ. Năm nay trong nhóm, vài bạn còn dắt cả chồng, vợ đi xem nữa".
Mỹ Chi, cô bạn cùng nhóm tiếp lời, bọn em gặp nhau, trước là vui hội, kế đến là dịp hàn huyên chuyện nay, chuyện xưa. Cuối buổi lại chia tay, mỗi đứa một nơi tất bật mưu sinh, lo toan việc chồng con, cơm áo gạo tiền, nhưng không quên cố gắng hẹn gặp lại nhau vào mùa sau và thêm nhiều mùa lễ hội nữa.
Hàng ngàn người dân và du khách, nhất là các đoàn khách nước ngoài vô cùng ấn tượng bởi chú rồng có chiều dài khủng, đạt kỷ lục 68m.
Ai cũng muốn chạm vào chú rồng khổng lồ với mong ước gặp nhiều may mắn, vạn sự như ý.
Nữ du khách đến từ xứ sở của những chú kanguru hòa vào dòng người xem hội, bắt chước chạm tay cho bằng được vào chú rồng cuối cùng trong đoàn rước vừa lướt ngang.
Isabelle, nữ du khách Úc hớn hở nói: "Thấy mọi người chen chân, chạm tay cho bằng được vào mình rồng tôi cũng bắt chước theo. Thật ra cũng chưa biết điều ấy có ý nghĩa như thế nào. Chắc có điều gì hay khi thực hiện chuyện này nên thấy ai nấy đều phấn khích".
"Ngó các đoàn diễu hành, biểu diễn nghệ thuật đường phố, múa lân rôm rả rước qua, khác nào lễ hội đường phố Canival ở xứ trời Âu nào vậy", Thu Tâm thích thú cho hay.
Bạn Thu Tâm, sinh viên năm II kinh tế, quê ở Quảng Ngãi trở lại thành phố đi học sau đợt nghỉ tết hồ hởi nói: "Năm nay em được ăn tết 2 lần, hôm rồi ở quê nhà, nay trở lại Sài Gòn tiếp tục ăn tết Nguyên tiêu lần 2 ở Sài Gòn – Chợ Lớn, điều này thật thú vị".
Tại các giao lộ, biển người dừng xe, kiên nhẫn chờ đoàn rước lễ đi qua.
Đoàn diễu hành tạm dừng nghỉ trên đường Trần Hưng Đạo, trước Trung tâm văn hoá Q.5 trước khi tiến vào lễ đài khai hội.
Anh Vũ Bá Thông – Cựu phóng viên Tạp chí du lịch TP.HCM nhìn nhận, năm nay, chương diễu hành đường phố mừng tết Nguyên tiêu xuân Giáp Thìn 2024 so với mọi năm, biểu diễn ngắn gọn hơn, các đội lân sư rồng cùng các đoàn hóa trang nghệ thuật, tiên ông, tiên nữ… cũng ít hơn hẳn so với các năm trước.
Nhớ năm rồi, các đoàn nối đuôi nhau dài thậm thượt. Các nhân vật truyền thuyết đều có đủ, từ Bát Tiên trong trong Đạo giáo, Na Tra - Khương Tử Nha trong Phong thần diễn nghĩa, thầy trò Đường Tam Tạng - Tôn Ngộ Không trong Tây du ký, cho đến các nhân vật hóa trang thành Tiên ông, Tiên nữ, Hằng Nga… năm nay lại thiếu vắng, ngoại trừ có sự xuất hiện 3 ông Phúc Lộc Thọ đi cà kheo.
Bên cạnh đó, các đội lân sư rồng quen thuộc đến từ các tỉnh thành, địa phương bạn như Đồng Nai, Bình Dương rất ít, khiến người xem rước hội cảm thấy hơi hụt hẫng…
"Tuy nhiên sắc màu lễ hội vẫn không vì thế mà kém đi hoành tráng, nhộn nhịp mà ngược lại, có phần rực rỡ và sắc màu hơn; nhiều gương mặt mới, mấy em nhỏ, tươi trẻ khiến mình cảm thấy có sự kế thừa trong đó, tôi thấy điều này rất hay", anh Thông phấn khởi chia sẻ.