Trình diễn thuyền buồm Sailing, dù lượn , Flyboard, đua thuyền rồng… tại lễ hội.
Sông Sài Gòn rộn ràng nhiều hoạt động trên sông diễn ra đồng loạt tại Lễ hội sông nước TP.HCM.
Du thuyền diễu hành trên sông từ 19 giờ đến 19 giờ 40 trong các ngày 4 đến ngày 5/8 và từ 21 giờ đến 21 giờ 40 ngày 6/8.
Lễ hội kỳ vọng sẽ lan tỏa niềm tự hào và tình yêu dành cho TP.HCM, cũng như truyền cảm hứng du lịch và khám phá điểm đến thành phố đến du khách trong nước và quốc tế.
Du khách tham dự lễ hội để cảm nhận sâu sắc hơn về sự thân thiện, cởi mở, hào sảng và phóng khoáng của người TP.HCM, về văn hoá “Trên bến dưới thuyền” của vùng đất hơn 300 năm tuổi, để thêm yêu và tự hào về TP.HCM, một thành phố anh hùng, giàu sức sống, tràn đầy năng lượng, luôn trân trọng quá khứ và không ngừng hướng đến tương lai.
Chuỗi hoạt động văn hóa – giải trí – nghệ thuật - thể thao đặc sắc diễn ra bên dòng sông, kết hợp với những hoạt động trải nghiệm, các chương trình kích cầu du lịch, hàng không, thương mại phong phú, hấp dẫn.
Nhìn ngắm không gian rộn ràng sắc màu tại Lễ hội, ông Nguyễn Bảo An hào hứng cho hay: "Tôi cho rằng đây là một hoạt động có sức thu hút sự quan tâm của người dân và du khách. Tuy nhiên để thu hút và hấp dẫn du khách đến, mình cần phải tạo thành sản phẩm du lịch mang tính thường xuyên, định kỳ để tạo thành điểm nhấn cho du lịch TP".
Đội thuyền buồm sailing căng gió lướt qua Bến Nhà Rồng.
Các hoạt biểu diễn trên không và dưới nước trong lễ hội.
Người dân và du khách hòa mình vào không khí sôi nổi tại không gian lễ hội với các hoạt động thể thao dưới nước, giải đua thuyền truyền thống vô địch TP.HCM; các hoạt động diễu hành trên sông Sài Gòn và không gian văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian ở Bến Bạch Đằng, Công viên Lam Sơn...
Tiết mục văn nghệ chào mừng khai mạc Lễ hội sông nước TP.HCM lần I-2023.
Chương trình biểu diễn văn nghệ hấp dẫn du khách.
Những chiếc diều phao, nhân vật hoạt hình, siêu nhân với sắc màu rực rỡ, vui nhộn thu hút đông đảo du khách đến vui vhơi tại lễ hội.
Không gian lễ hội vui nhộn với các trò chơi dân gian, nhảy sạp, đi cà kheo…
Trong những ngày diễn ra Lễ hội Sông nước TP.HCM, khu vực công viên Bến Bạch Đằng trở thành không gian di sản văn hóa đặc sắc, với phần trang trí là những hình ảnh đặc trưng của 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh.
Các chương trình biểu diễn nhã nhạc - nhạc cung đình Huế; không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; dân ca quan họ Bắc Ninh; hát ca trù; nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ; dân ca ví dặm ở Nghệ Tĩnh sẽ lần lượt được biểu diễn để phục vụ người dân, du khách.
Buổi chiều sẽ gồm các trò chơi kéo co, nghệ thuật bài chòi ở Trung Bộ; thực hành then của người Tày, Nùng, Thái; nghệ thuật xòe Thái và nghệ thuật làm gốm của người Chăm... cũng được tổ chức để người dân, du khách cùng trải nghiệm.
Nhóm bạn Minh Anh thích thú chụp hình cùng nhau tại bến Bus sông - Saigon Water Bus.
Bạn Trần Hoàng Minh Anh nhà ở Tân Bình thích thú chia sẻ, trải nghiệm du ngoạn ngắm cảnh hai bên bờ sông Sài Gòn vào dịp lễ hội càng thú vị hơn bởi những ngày này, không gian khắp nơi đều rực rỡ sắc màu trang trí và diễn ra nhiều hoạt động vui chơi, giải trí vui nhộn…
Người dân và du khách trải nghiệm các chương trình du lịch đường thủy trên sông Sài Gòn tại Bến Bạch Đằng.
Du khách cũng có thể tham quan, trải nghiệm Không gian “Trên bến dưới thuyền” tại Kênh Nhiêu Lộc - Quận 1, Bến Bình Đông – Quận 8 với các hoạt động tái hiện nếp sống của cộng đồng cư dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM qua các thời kỳ và mua sắm nông sản, đặc sản của các địa phương...
“Trên bến dưới thuyền” không chỉ là hoạt động cần tiếp tục thúc đẩy để phát triển kinh tế TP.HCM mà còn là nếp sống, là văn hoá, là di sản quý báu cần được giữ gìn và quảng bá.
Qua đó, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa – lịch sử, xây dựng sản phẩm, sự kiện đặc trưng; đẩy mạnh khai thác các giá trị kinh tế, du lịch từ hệ thống tài nguyên sông biển trên địa bàn Thành phố; hướng đến định vị thương hiệu một đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa.
Chương trình tour tham quan KDL Bình Quới bằng Waterbus.
Dịp này, thành phố tung ra các sản phẩm du lịch đường thủy và tour kích cầu du lịch có gói kích cầu quy mô lớn nhất với sự hợp tác, phối hợp của 4 đơn vị chủ lực để phục vụ và đón khách du lịch quốc tế và nội địa.
Sở Du lịch TP.HCM công bố 150 chương trình tour, gói, sản phẩm khuyến mãi, của hơn 100 doanh nghiệp với nhiều quà tặng và các dịch vụ đi kèm ưu đãi cho khách du lịch khi đến trải nghiệm, tham quan du lịch TPHCM trong dịp tổ chức Lễ hội Sông nước lần thứ nhất và cao điểm du lịch hè năm 2023.
Du khách xem tiết mục đờn ca tại tử tại KDL Bình Quới.
Các đại biểu, khách mời và du khách chụp hình tại KDL Bình Quới.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã công bố hàng trăm sản phẩm kích cầu mua sắm với giá ưu đãi nhất từ trước đến nay tại các trung tâm thương mại...
Sở Văn hóa Thể thao công bố gần 50 chương trình nghệ thuật giảm giá vé và tặng các dịch vụ đi kèm; các hãng hàng không lớn đã tung các gói siêu khuyến mãi đến TP.HCM với giá giảm cực sốc trong dịp hè.
Giải đua thuyền mở rộng diễn ra vào sáng 5/8 thu hút 25 đội với 650 VĐV tham dự.
Từ rất sớm các đội đã tập trung về khu vực thi đấu.
Đường đua kéo dài từ khu vực Cột cờ Thủ đến trước cầu Ba Son.
Lễ hội sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 4 - 6/8 tại các địa điểm: Cảng Sài Gòn - Cảng Hành khách tàu biển, Công viên bến Bạch Đằng, Công viên Lam Sơn, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Bến Bình Đông, khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên và các khu du lịch, điểm đến khác trên địa bàn thành phố Thủ Đức và các quận, huyện của TP.HCM.