Robot tuần tra “Marker”: Vũ khí bí mật bảo vệ sân bay vũ trụ của Nga

23/10/2021 11:16

Nga đang tích cực thử nghiệm sử dụng robot chiến đấu Marker để tuần tra sân bay vũ trụ Vostochny và các cơ sở quan trọng khác, trong bối cảnh gia tăng xu hướng phát triển người máy trên toàn cầu.

Bảo vệ an ninh quốc gia

Quỹ Nghiên cứu phát triển (FPI) vừa tiến hành thử nghiệm robot Marker tuần tra khu vực lãnh thổ của sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng Viễn Đông (LB Nga). Marker thực hiện khả năng duy trì kiểm soát hệ thống đường dây điện và thông tin liên lạc của sân bay vũ trụ, đồng thời theo dõi an ninh trong khu vực lãnh thổ xác định. Theo các nhà phân tích, robot Marker có thể tăng đáng kể hiệu quả bảo vệ các cơ sở chiến lược lớn như sân bay vũ trụ.

Các cuộc kiểm tra được thực hiện từ ngày 8 đến ngày 14-10-2021. Là một phần của thử nghiệm, một phiên bản có bánh xe của robot Marker đã được sử dụng, được trang bị một mô-đun quang điện tử đa năng. “Việc di chuyển được thực hiện hoàn toàn tự động dọc theo tuyến đường nhất định, được cung cấp bởi một hệ thống mắt thần thông minh”, đại diện FPI cho biết, đồng thời robot có thể duy trì quyền tự hành liên tục 3 ngày, nhờ tổ máy năng lượng hybrid.

Robot Marker tuần tra do Nga phát triển và chế tạo. Ảnh: Ria Novosti

Theo người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) Dmitry Rogozin, hệ thống robot thuộc loại Marker có thể được sử dụng để đảm bảo an toàn cho sân bay vũ trụ, cơ quan, doanh nghiệp quan trọng khác của nhà nước. Đồng thời, kinh nghiệm thu được trong quá trình tạo ra tổ hợp robot đa năng này sẽ rất hữu ích cho ngành công nghiệp vũ trụ.

“Hiện có 5 nền tảng robot đã được phát triển: 2 trong số đó trên khung gầm có bánh lốp và 3 nền tảng bánh xích. Các công nghệ và cơ sở khoa học kỹ thuật đã hình thành, bao gồm cả những công nghệ sử dụng yếu tố trí tuệ nhân tạo (AI)”, ông Dmitry Rogozin cho biết thêm.

Người đứng đầu dự án Trung tâm Quốc gia về Phát triển Công nghệ và Các yếu tố cơ bản về Robot (thuộc Quỹ Nghiên cứu phát triển) Arkady Petrosov nhấn mạnh: “Nền tảng robot Marker vừa thử nghiệm có ưu thế tốt nhất ở Nga hiện nay. Nó có khả năng di chuyển tự động trong môi trường không xác định và nhận dạng đối tượng dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo”. Bên cạnh đó, các kết quả đạt được trong quá trình thử nghiệm tạo cơ sở cho việc tạo ra các phương tiện robot đầy triển vọng, có khả năng đảm bảo an toàn cho các cơ sở đặc biệt quan trọng của nhà nước.

Kiến trúc mô-đun đặc biệt

Dự án Marker bắt đầu được triển khai vào năm 2018. Ngoài FPI, công ty Nga NPO Androidnaya Tekhnika cũng tham gia phát triển nền tảng này. Theo đó, mục tiêu của dự án là “chế tạo và tiến hành phát triển toàn diện các công nghệ và các yếu tố cơ bản của robot trên mặt đất”.

Sản phẩm lần đầu tiên ra mắt công chúng vào tháng 10-2019 tại bãi thử Magnitogorsk. Trong buổi ra mắt, robot Marker đã thể hiện khả năng tự động lập kế hoạch tuyến đường và tự động di chuyển trong điều kiện đô thị hay trên địa hình gồ ghề.

Nền tảng robot Marker thử nghiệm tuần tra an ninh. Ảnh: Ria Novosti 

Giám đốc Trung tâm Quốc gia về Phát triển Công nghệ và Các yếu tố cơ bản về Robot thuộc FPI, Oleg Martyanov, trong cuộc phỏng vấn với TASS năm 2020 cho biết, một đặc điểm quan trọng của robot Marker là thiết kế dạng mô-đun đặc biệt. “Các nhà phát triển đã giới thiệu một khu phức hợp phổ quát với kiến trúc mô-đun. Trên đó có thể cài đặt các thành phần mới, bộ phận lắp ráp và các thiết bị khác, đồng thời có thể kiểm tra xem chúng có hiệu quả và triển vọng so với các mẫu hiện có”.

Các chuyên gia tạo ra Marker nhấn mạnh, dự án này mang tính thử nghiệm. Nó cần thiết cho sự phát triển của các công nghệ robot trên mặt đất, như tầm nhìn kỹ thuật, thông tin liên lạc, điều hướng, chuyển động và ứng dụng tự động, cũng như điều khiển nhóm. Đồng thời, một trong những lĩnh vực nghiên cứu chính trong dự án Marker là nghiên cứu “việc sử dụng nhóm các hệ thống robot, các hành động phối hợp và điều phối của chúng khi thực hiện các nhiệm vụ ở chế độ tự động trong môi trường không xác định”.

Marker có khả năng thực hiện các nhiệm vụ ở cả chế độ điều khiển bằng sóng vô tuyến và chế độ tự động. Đồng thời, các nhà phát triển có ý định tăng mức độ tự động của các nền tảng.

Ngoài robot an ninh được sử dụng tại sân bay vũ trụ, còn có một phiên bản Marker chiến đấu. Tháng 10-2021, các phương tiện truyền thông Nga đã đưa tin về các cuộc thử nghiệm thực địa đối với các phiên bản Marker, trong đó có 3 robot trên khung gầm bánh lốp và 2 robot trên khung gầm bánh xích. Theo đó, các phương tiện hoạt động theo nhóm tự động, không có sự tham gia của con người, nhằm giải quyết các nhiệm vụ chỉ định mục tiêu, đạt vị trí bắn tối ưu, phản ứng độc lập với những thay đổi trong tình huống tác chiến và trao đổi chỉ định mục tiêu.

Nền tảng Marker chiến đấu được trang bị 2 máy bay không người lái (UAV). Theo đó một UAV được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ lập bản đồ, tìm kiếm và xác định mục tiêu, làm rõ các tuyến đường di chuyển và tạo bức tranh địa hình 3D. UAV còn lại thực hiện nhiệm vụ tấn công, bao gồm phát hiện mục tiêu, xác định và đánh bại mục tiêu. Ngoài ra, nền tảng Marker cũng chủ được các loại vũ khí nhỏ và thực hiện thành công đòn tấn công các mục tiêu trên bộ và trên không. Và cũng có thể lắp đặt súng phóng lựu trên đó.

Xu hướng phát triển robot

Theo các nhà phân tích, các robot an ninh như Marker có thể hữu ích cho việc bảo vệ các cơ sở chiến lược rộng lớn, chẳng hạn như các sân bay vũ trụ.

“Sân bay vũ trụ Vostochny có chu vi rất lớn. Để bảo vệ chúng, theo quy định, các hàng rào và hệ thống báo động phải được thiết lập sẵn. Các nhân viên an ninh thỉnh thoảng tuần tra xung quanh chu vi này. Song, điều này đòi hỏi thêm nguồn lực và thời gian khá lớn. Do đó, để cắt giảm chi phí, sân bay Vostochny đã quyết định thử nghiệm sử dụng robot. Tất nhiên, để bảo vệ hiệu quả những vùng lãnh thổ rộng lớn như vậy, nên sử dụng những cỗ máy này”, chuyên gia quân sự Yuri Knutov cho biết trong một cuộc phỏng vấn với RT.

Chuyên gia quân sự Alexei Leonkov cho rằng, bất kỳ sân bay vũ trụ nào đều là những cơ sở hạ tầng quan trọng về mặt chiến lược. Vì vậy, chúng không chỉ cần được bảo vệ khỏi sự tò mò của những du khách bình thường, mà còn trước những hoạt động phá hoại khác. Không giống như con người, robot có thể canh gác suốt ngày đêm. Tuy vậy, sự tham gia của con người vào công việc này là cần thiết. Người máy có thể nhìn thấy và phát hiện hiệu quả, nhưng việc sử dụng vũ khí vẫn do con người quyết định.

Các chuyên gia lưu ý rằng, nhà phát triển đang tăng dần tính tự chủ của robot, nhưng trong tương lai gần, những cỗ máy tự động hoàn toàn không nên được sử dụng quá mức. Các hệ thống tự động hoàn toàn sẽ không nên được áp dụng trong 15-20 năm tới, đặc biệt là trong quân đội. Bởi vì những hạn chế về khả năng xác định chính xác “địch-ta”. Cho đến nay, chưa có một quốc gia nào có thể đạt được kết quả tối ưu trong vấn đề này.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, xu hướng phát triển người máy và việc tăng dần số lượng nền tảng người máy trong quân đội hiện nay là cách duy nhất để phát triển lực lượng vũ trang. “Những thiết bị này đã cho thấy hiệu quả. Ví dụ, trên không, máy bay không người lái rẻ hơn nhiều so với máy bay chiến đấu có người lái. Ngoài ra, chúng có thể bay lâu hơn ... Những lợi thế này cũng có thể đạt được đối với robot mặt đất”, chuyên gia Yuri Knutov đánh giá.

Thực tế hiện nay người máy đang được sử dụng tích cực trong quân đội. “Các tổ hợp robot hiện được đưa vào các đơn vị quân đội như một phương tiện hỗ trợ, cung cấp nhiều chức năng khác nhau như hỗ trợ hỏa lực, cung cấp đạn dược, sơ tán người bị thương hoặc tiến hành trinh sát. Những phương tiện như vậy có thể được sử dụng hiệu quả trên chiến trường”, ông Alexey Leonkov khẳng định.

Video: Robot Marker tuần tra tại sân bay vũ trụ Vostochny.

MINH TUẤN (Theo RT)

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Robot tuần tra “Marker”: Vũ khí bí mật bảo vệ sân bay vũ trụ của Nga
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO