Robert Oppenheimer: Thiên tài vật lý dưới lớp áo 'kẻ hủy diệt thế giới'

Anh Thư (T/H)| 11/03/2024 21:00

"Giờ đây, tôi biến thành Thần Chết, người hủy hoại mọi thế giới".

Cuộc đời của Oppenheimer là chuỗi ngày giằng xé nội tâm bởi cảm xúc tội lỗi, cũng như trách nhiệm nặng nề về những phát minh của mình đối với nhân loại.

Doanh nhân Julius Oppenheimer và con trai mình, nhà khoa học lỗi lạc Robert Oppenheimer. Ảnh: internet

Sinh ra trong một gia đình Do Thái giàu có tại New York vào năm 1904 có cha là một doanh nhân thành công trong lĩnh vực nhập khẩu dệt may, trong khi mẹ lại là một họa sĩ tài năng.
Chính vì thế Oppenheimer được lớn lên trong một môi trường giáo dục phong phú, nơi mà sự hiện diện của những cuốn sách và những trải nghiệm văn hóa thường xuyên đã nuôi dưỡng sự sáng tạo và tò mò từ nhỏ.

Từ nhỏ, cậu bé thiên tài này đã thể hiện khả năng học tập xuất sắc và niềm đam mê sâu sắc với khoa học. Được mô tả là một đứa trẻ hiếu kỳ, luôn khao khát kiến thức và thích thú với thế giới tự nhiên. Đặc biệt, Oppenheimer có một niềm đam mê lớn với khoa học vũ trụ và vật lý, điều này đã dẫn dắt cậu vào con đường trở thành một trong những nhà vật lý lý thuyết hàng đầu của thế kỷ 20.

Khối óc của một thiên tài

Ông hoàn thành lớp 3 và 4 chỉ trong một năm, hoàn thành chương trình lớp 8 chỉ sau nửa năm. Vào năm cuối trung học, Oppenheimer bắt đầu phát hiện sự quan tâm đối với hóa học.

Học trường Harvard ở tuổi 18 để theo đuổi ngành hóa, trong chuyến du lịch mùa hè tại Jáchymov, ông mắc phải chứng viêm loét đại tràng, buộc phải nghỉ học một năm.

Robert Oppenheimer tốt nghiệp loại xuất sắc Trường Đại học Harvard sau 3 năm học, lấy bằng Tiến sĩ ở tuổi 23. Ảnh: internet

J. Robert Oppenheimer tốt nghiệp với danh hiệu xuất sắc từ Trường Đại học Harvard sau chỉ 3 năm học. Sau đó, ông tiếp tục nghiên cứu vật lý lý thuyết ở 2 trường Đại học Cambridge (Anh) và Göttingen (Đức) để rồi trở thành Tiến sĩ khi mới 23 tuổi sau đó nhanh chóng gặp gỡ, làm việc cùng những nhà khoa học hàng đầu của thời đại.

Công trình nghiên cứu của ông không chỉ mở ra lĩnh vực lý thuyết lượng tử mà còn dự đoán nhiều khái niệm từ neutron đến hố đen. Ngoài ra, cũng thú vị trong việc khám phá ngoài lĩnh vực khoa học, bao gồm việc học tiếng Phạn và nghiên cứu tôn giáo.

Trong quá trình phát triển và nghiên cứu, nhà vật lý lý thuyết này luôn sẵn sàng thách thức trí tuệ. Oppenheimer có khả năng nói sáu ngôn ngữ khác nhau, bao gồm: Phạn, Hy Lạp, Latinh, Pháp, Đức và thậm chí Hà Lan (một ngôn ngữ ông chỉ học trong 6 tuần nhưng đã có thể thuyết trình về lượng tử tại hội nghị).

Cuộc chạy đua bom nguyên tử

Mối duyên nợ bắt đầu từ năm 1939, khi một số nhà khoa học, bao gồm cả Albert Einstein, bày tỏ lo ngại về sức mạnh của Đức Quốc xã trong việc phát triển vũ khí nguyên tử, chính phủ Mỹ đã khởi đầu Dự án Manhattan như một biện pháp phòng ngừa.

Cha đẻ bom nguyên tử  và nhà khoa học Albert Einstein. Ảnh: internet

Dự án được thực hiện với mức độ bí mật cực kỳ cao tại các địa điểm khắp Mỹ, bao gồm Oak Ridge, Tennessee, nơi làm giàu uranium, Hanford, Washington, nơi xây dựng các cơ sở sản xuất plutonium, và Los Alamos, New Mexico, trung tâm chính cho nghiên cứu và chế tạo bom nguyên tử. Với hơn 130.000 người tham gia, chỉ một số nhỏ được tiết lộ toàn bộ mục đích của dự án này, giữ cho bí mật hoàn toàn.

Oppenheimer được tướng Grove lựa chọn khi mới 38 tuổi và được giao trọng trách lãnh đạo Dự án Manhattan. Vai trò của ông không chỉ là tổ chức mà còn là người dẫn dắt các nhà khoa học hàng đầu lúc này.

Ngày 16/7/1945, Oppenheimer và cộng sự tập trung tại bãi Thử nghiệm Trinity ở phía Nam Los Alamos cho vụ nổ hạt nhân đầu tiên trên thế giới.

Đó là thời khắc vô cùng căng thẳng. Các nhà khoa học biết rõ quả bom có biệt danh “Gadget” sẽ định hình tương lai thế giới. Song, họ cũng tin rằng, nó có thể kết thúc Thế chiến II.

Tuy nhiên, dự án hạt nhân của Mỹ chưa kịp hoàn thiện khi chiến tranh ở Châu Âu kết thúc vào tháng 5/1945. Nhờ nỗ lực của Oppenheimer và các cộng sự ở Los Alamos, Mỹ đã có đủ nhiên liệu từ Oak Ridge và Hanford để tạo ra hai loại bom: một dùng uranium-235 và một dùng plutonium-239.

]
Cột khói hình nấm đặc trưng của bom nguyên tử, nỗi khiếp sợ cho nhân loại. Ảnh: internet

Phiên bản đầu tiên của bom hạt nhân với tên gọi là Thin Man đã bị loại bỏ vào tháng 7 năm 1944. Sau mọi cố gắng, các nhà khoa học đã phát triển hai thiết kế khả thi cho quả bom, được gọi là Fat Man và Little Boy.

Vào 5:29 sáng ngày 16 tháng 7 năm 1945, sau gần ba năm làm việc, kết quả đầu tiên đã xuất hiện: vụ nổ hạt nhân đầu tiên trong lịch sử đã thành công. Được biết đến với tên "thử nghiệm Trinity", vụ nổ đã chiếu sáng những ngọn đồi trong sa mạc New Mexico.

Người hùng hay kẻ phản bội nhân loại?

Vào sáng ngày 6 tháng 8, máy bay chiến đấu B-29 Enola Gay cất cánh từ căn cứ không quân Tinian của Mỹ ở quần đảo Mariana trên Đại Tây Dương. Mục tiêu của họ là Hiroshima, một thành phố quan trọng với nhiều nhà máy quốc phòng và dân số đông đúc.

Lúc 8:15 sáng cùng ngày, quả bom "Little Boy" được thả xuống thành phố từ độ cao 9.000 mét. Khi chạm đất, quả bom tạo ra một vụ nổ lớn và tàn phá một phần lớn của Hiroshima, gây ra cái chết và thương tích hàng chục nghìn người ngay lập tức, và hàng ngàn người khác sau đó do tác động của phóng xạ.

Khung cảnh hoang tàn sau khi Mỹ thả quả bom "Little Boy" đầu tiên xuống Nhật Bản. Ảnh: internet

Ba ngày sau, vào ngày 9 tháng 8, máy bay B-29 khác mang tên Bockscar thả quả bom thứ hai "Fat Man" xuống thành phố Nagasaki, một cảng biển và trung tâm công nghiệp quan trọng. Vụ nổ đã gây ra tàn phá tương tự như Hiroshima và gây ra thêm nhiều thương vong.

Cách thời điểm này 2 tháng trước, Giáo sư Robert Oppenheimer còn đang ăn mừng dưới sự reo hò của đám đông sau khi quả bom đầu tiên thử nghiệm thành công Los Alamos.

Ngày 25/10/1945, giáo sư Robert Oppenheimer được mời gặp Tổng thống Mỹ Harry S. Truman tại Nhà Trắng. Trong cuốn sách "A Life Inside the Center" của tác giả Ray Monk thuật lại: "Đây là lần đầu tiên Oppenheimer bước vào căn phòng quyền lực nhất nước Mỹ, nhưng niềm vui và tự hào của ông vụt tan khi ông nhận ra rằng hai quả bom mà ông đã giúp tạo ra đã giết chết ngay lập tức 200.000 người, và hơn 140.000 người khác chết sau đó vì chấn thương và bỏng..."

Lúc đầu, khi tham gia vào Dự án Manhattan, Oppenheimer có niềm tin rằng việc phát triển bom nguyên tử sẽ kết thúc chiến tranh một cách nhanh chóng và giảm thiểu số lượng người thiệt mạng.

Nhưng sau khi hai quả bom được thả xuống Hiroshima và Nagasaki, Oppenheimer đã phai sống day dứt trong suốt phần đời còn lại khi phải nhìn thấy hàng ngàn người dân vô tội bị tiêu diệt bởi tác động của phóng xạ bởi chính sáng chế của mình.

Bài liên quan
  • Hai vợ chồng tử vong sau va chạm với ô tô tải
    Người chồng điều khiển xe máy chở vợ lưu thông trên quốc lộ 7A (Nghệ An), bất ngờ bị chiếc xe tải va chạm. Hậu quả, người chồng tử vong tại chỗ, còn người vợ chết sau đó một ngày.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Robert Oppenheimer: Thiên tài vật lý dưới lớp áo 'kẻ hủy diệt thế giới'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO