Rét nàng Bân: Cơ sở khoa học nào lý giải cho hiện tượng kỳ lạ

16/04/2021 09:44

Rét nàng Bân là cách gọi mang tính chất như truyện cổ tích trong dân gian về đợt rét cuối cùng của mùa đông xảy ra vào tháng 3 âm lịch ở miền Bắc Việt Nam, hay nói chung là cơn rét muộn.

"Tháng Giêng rét đài, tháng hai rét lộc, tháng Ba rét nàng Bân". Đây là câu tục ngữ không còn quá xa lạ với mỗi người Việt khi nói về hiện tượng thời tiết tại các tỉnh Bắc Bộ trong giai đoạn đầu năm.

Vậy, rét nàng Bân thực sự là gì? Tại sao lại có khái niệm này, cũng như những lý giải xung quanh hiện tượng rét bất thường trước khi bước vào mùa nóng ra sao?

Sự tích rét nàng Bân

Rét nàng Bân: Cơ sở khoa học nào lý giải cho hiện tượng kỳ lạ - 1

Sự tích nàng Bân may áo cho chồng lý giải cho hiện tượng rét muộn tại các tỉnh Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ suốt nhiều năm qua.

Theo sự tích kể lại, nàng Bân là con gái của Ngọc Hoàng nhưng khác với nhiều chị em của mình, nàng Bân chậm chạp và có phần vụng về. 

Chồng nàng Bân cũng là một người trên thế giới nhà trời. Nàng yêu chồng lắm. Thấy mùa rét đã đến, nàng định tâm may cho chồng một cái áo ngự hàn. 

Nhưng nàng vụng về quá, khi bắt đầu rét, nàng Bân đã bắt đầu công việc song cứ loay hoay mãi, tìm được cái nọ thì thiếu cái kia, se được chỉ thì chưa có kim, đưa sợi vào dệt thì thoi, suốt lại hỏng. 

Đến nỗi trời đã sắp sang xuân rồi mà chỉ mới may trọn được đôi cổ tay. Nhưng nàng Bân vẫn không nản chí.

Nàng may mãi qua tháng Giêng rồi hết tháng Hai, cho tới khi áo may xong thì vừa lúc trời hết rét. 

Nàng Bân buồn lắm. Thấy con âu sầu, Ngọc Hoàng gạn hỏi. Khi biết chuyện Ngọc Hoàng cảm động bèn làm cho trời rét lại mấy hôm để chồng nàng mặc thử áo. 

Từ đó thành thông lệ, cứ hàng năm vào khoảng tháng Ba tuy mùa rét đã qua, mùa nóng đã tới nhưng có lúc tự nhiên rét lại mấy hôm, người ta gọi cái rét đó là rét nàng Bân. 

Lý giải khoa học cho hiện tượng rét nàng Bân

Rét nàng Bân thường rơi vào thời đoạn cuối tháng 3 đến đầu tháng 5 dương lịch. Đây thực chất là đợt rét muộn do ảnh hưởng của không khí lạnh từ phía Bắc tràn về vào cuối tháng 3 và thậm chí tháng 4 dương lịch, khi thời tiết đã ấm lên khá nhiều. 

Dựa theo biểu đồ mây từ các đài quan trắc và công cụ đo lường, có thể thấy trong thời gian này, không khí lạnh vẫn còn hoạt động, và vẫn có những đợt gây ra trời rét.

Kiểu thời tiết đặc trưng của rét nàng Bân thường kèm theo mưa nhỏ, mưa phùn do khối không khí lạnh cuối mùa không phải chỉ từ Bắc xuống Nam mà hơi lệch về phía Đông qua vịnh Bắc Bộ, đưa hơi nước từ biển vào.

Thời gian này, nhiệt độ có thể giảm 5 - 8 độ C, khiến nhiệt độ trung bình giảm xuống dưới 20 độ C. Ngoài ra, ở một số nơi có thể có mưa rào và dông mạnh, trong cơn dông  xảy ra tố lốc, mưa đá và gió giật mạnh.

Trên thực tế, rét nàng Bân không phải là đợt rét đậm, giống như nhiều đợt rét trong mùa đông. Tuy nhiên do mức nhiệt chung của khu vực đã ấm lên khá nhiều so với giai đoạn tháng 12, nên người ta thường cảm thấy rất lạnh là vì thế. 

Rét nàng Bân: Cơ sở khoa học nào lý giải cho hiện tượng kỳ lạ - 2

Do sự biến đổi của khí hậu tại Việt Nam nói riêng, và trên thế giới nói chung, rét nàng Bân không phải năm nào cũng xuất hiện, nhưng có năm xảy ra tới vài đợt, mỗi đợt kéo dài vài ba ngày.

Cụ thể theo thống kê của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tần suất xuất hiện các đợt rét trong thời gian này chỉ khoảng 30%. Như vậy, trung bình thì cứ 10 năm thì có khoảng 3 lần xảy ra hiện tượng rét nàng Bân.

Sự nóng lên của Trái Đất, El Nino mạnh kéo dài, và hiệu ứng đô thị hóa là những nguyên nhân đưa ra để lý giải cho sự thay đổi này.

Tại Việt Nam, rét nàng Bân có ảnh hưởng nhất định đến sản xuất nông nghiệp vì thời điểm xuất hiện rét, cây trồng, nhất là cây lúa đang làm đòng, nền nhiệt độ thấp sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cây lúa, ảnh hưởng đến năng suất lúa.

Ngoài ra, khi rét đột ngột sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người già và trẻ nhỏ do cơ thể không kịp thích ứng. Vì thế, dân gian có câu: "Rét tháng Ba, bà già chết cóng". 

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Rét nàng Bân: Cơ sở khoa học nào lý giải cho hiện tượng kỳ lạ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO