Rết khổng lồ săn dơi ở rừng Amazon

Minh Khôi| 25/07/2023 17:52

Rết khổng lồ bám trên hang động và có cơ chế thích nghi để "tóm" con mồi di chuyển ngang qua.

Rết khổng lồ săn dơi ở rừng Amazon - 1

Scolopendra gigantea là loài rết có kích thước lớn nhất thế giới (Ảnh: iNaturalist).

Rết có thể được tìm thấy ở hầu như mọi môi trường sống trên Trái Đất, nhưng không loài nào ấn tượng bằng rết khổng lồ Amazon (tên khoa học: Scolopendra gigantea).

Đây là loài rết "khét tiếng" vì có kích thước lớn nhất thế giới. Mỗi con trưởng thành có thể dài trung bình tới 30 cm.

Ngoài ra, chúng còn được trang bị nọc độc cực mạnh, và có thể ăn thịt cả dơi. Đây là lý do mà chúng được người dân bản địa gọi là "rết săn dơi".

Trong một bài báo được đăng tải năm 2005, người ta mô tả loài rết S. gigantea có thể săn và ăn thịt tới 3 loài dơi khác nhau ở khu vực này.

Đây là một "chiến công" ấn tượng, bởi dơi là con mồi di chuyển rất nhanh và có giác quan nhạy bén.

Được biết, rết khổng lồ Amazon phát triển 2 loại chiến thuật giúp chúng dễ dàng hạ gục những con mồi với kích thước to lớn hơn. Chiến thuật đầu tiên đó là chúng lặng lẽ bò lên vách và trần tại các hang động, rồi tiếp cận những con dơi xấu số đang bám đậu tại đây.

Rết khổng lồ săn dơi ở rừng Amazon - 2

Rết khổng lồ S. gigantea bám trên hang động và có thể "tóm" con mồi di chuyển ngang qua (Ảnh: iNaturalist).

Loài rết vốn dĩ nổi tiếng với đặc trưng có một cặp chân cho mỗi đốt trên cơ thể. Nhưng cặp chân ở đốt đầu tiên của chúng được sửa đổi thành một công cụ giống như gọng kìm. "Vũ khí" này giúp chúng kẹp chặt con mồi và gây ra những vết thương nặng.

Đáng chú ý đối với rết S. gigantea đó là chúng thậm chí có thể "tóm" lấy những nạn nhân xấu số đang bay giữa không trung bằng cách treo mình trên trần hang bằng cặp chân sau cùng, giống như những sợi dây leo rủ xuống.

Kỹ năng thứ hai khiến chúng thực sự trở thành "sát thủ" khi có thể hạ gục được cả những con mồi kích thước lớn, là trang bị nọc độc cực mạnh.

Theo tài liệu ghi chép, chỉ một cú chích của loài rết này là đủ để khiến những con dơi trưởng thành bị tê liệt và rơi xuống đất trong giây lát. Lúc này, công việc của chúng là vô cùng đơn giản, khi chỉ việc rơi xuống để thưởng thức bữa ăn.

Ngay cả đối với con người, nọc độc từ rết cũng có thể gây đau, sưng tấy, chết mô và nhiễm trùng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nọc độc này hầu như không có khả năng gây tử vong, trừ khi nạn nhân bị nhiễm trùng thứ cấp, hoặc sốc phản vệ.

Nọc độc rết S. gigantea từng là trọng tâm của một đề tài nghiên cứu khoa học được thực hiện vào năm 2021. Trong đề tài này, các nhà nghiên cứu phát hiện thấy nọc độc của rết có dạng hỗn hợp của các protein, khá giống một số loài vi khuẩn và nấm độc.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Rết khổng lồ săn dơi ở rừng Amazon
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO