Rèn kỹ năng ở chợ: Học điều nhỏ từ… mua mớ rau

Vân Huyền| 17/01/2022 15:25

GD&TĐ - Khi biết đi chợ, trẻ sẽ tự tin và năng động tham gia các hoạt động ở trường hơn. Bên cạnh đó, đi chợ cũng là cách giúp trẻ hiểu hơn về các loại thực phẩm. Từ đó, nâng cao kiến thức về dinh dưỡng.

Gia đình diễn viên, MC Quyền Linh cùng đi mua thực phẩm.Gia đình diễn viên, MC Quyền Linh cùng đi mua thực phẩm.

Để con sẵn sàng đi chợ, phụ huynh cần hướng dẫn trẻ lên kế hoạch mua sắm, lên danh sách, nguyên liệu món ăn mà bé thích. Sau đó, hướng dẫn trẻ từng bước nhỏ như: Mua ở đâu, lựa chọn rau, củ quả tươi ra sao,…

Cơ hội học hỏi của trẻ

Chợ được coi là môi trường có thể dạy trẻ cả về khoa học và cuộc sống. Chợ là nơi trẻ có thể học một cách dễ hiểu nhất về hoạt động của đời sống xã hội. Nhiều chợ ở Mỹ có cả xe đẩy/sọt đựng đồ được thiết kế dành riêng cho trẻ em. Nhờ đó, hướng dẫn và rèn luyện thói quen đi chợ cho các bé.

Không ít phụ huynh cho rằng, việc để trẻ ở nhà trong khi mình đi chợ sẽ thuận lợi hơn. Bởi, trẻ sẽ tránh được cảnh ồn ào, hỗn loạn nơi công cộng. Tuy nhiên, năm 2019, một bà mẹ trẻ người Australia đã quyết định cho con trai 5 tuổi đi siêu thị hằng tuần mà không đưa bé danh sách mua sắm. Người mẹ này chia sẻ đã để cậu con trai toàn quyền mua sắm trong cửa hàng tạp hoá. Khi cậu bé trở lại, xe đẩy chứa đầy trái cây, rau củ và hoàn toàn không có đồ ăn vặt.

Nữ phụ huynh này cho biết thường xuyên cùng con trai đi mua sắm thực phẩm. Đồng thời, cô thường nói chuyện với con về những mặt hàng giảm giá trong siêu thị. Sau khi câu chuyện về cậu bé 5 tuổi tự sắm thực phẩm cho gia đình lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người tỏ ra ngạc nhiên. Bởi, cậu bé mua khá nhiều mặt hàng giảm giá. Thậm chí, cậu cũng tránh mua những món đồ ăn vặt cho trẻ em.

Nhờ chiều nào cũng được mẹ chở qua khu chợ nhỏ trên đường về nhà, Minh Anh dù học lớp 4 đã biết cách chọn cá tươi: Thân chắc, vảy sáng, mang đỏ hồng. Minh Anh cũng được mẹ dạy cách chọn cà chua ngon. Cô bé cũng tự hào khi biết hầu hết tên các loại rau thông dụng và phân biệt được các loại cải: Cải bẹ xanh, cải ngọt, cải thìa, cải bó xôi, cải cúc…

Chị Minh Trang (Ba Đình, Hà Nội) - mẹ Minh Anh chia sẻ: “Nhờ thường xuyên đưa con đi chợ cùng, Minh Anh nhà tôi đã biết phân biệt nhiều loại thực phẩm. Khi đi chợ cùng con, tôi cũng hay dạy cháu về nguồn gốc thực phẩm, cũng như cách vệ sinh và chế biến”. Cũng theo nữ phụ huynh này, khi Minh Anh lớn hơn chút nữa, chị sẽ hướng dẫn con về cách cân đối để lên thực đơn. Ví dụ, một bữa ăn lành mạnh phải có đủ các thành phần dinh dưỡng cần thiết theo tỷ lệ nhất định như tinh bột (cơm, các loại khoai củ), protein (thịt, cá, đậu…), lipids (dầu ăn, thịt mỡ), chất xơ (rau xanh, trái cây…). “Khi nắm được những kiến thức này, chắc chắn con sẽ biết cân nhắc lựa chọn thực phẩm mỗi khi đi chợ”, chị Minh Trang chia sẻ.

Không chỉ giúp tình thân gia đình thêm gắn kết, đi chợ cùng con cũng là cơ hội để phụ huynh dạy trẻ về những thói quen ăn uống lành mạnh. Tuy nhiên, với trẻ trong độ tuổi tiểu học, đôi lúc, bé có thể dễ “bị quyến rũ” khi đứng trước những lựa chọn thức ăn nhanh như gà rán, bột chiên... Vì lý do đó, nhiều trẻ thường đòi cha mẹ đưa ra nhà hàng ăn. Theo các chuyên gia, việc tạo cho trẻ sự hào hứng và yêu thích bữa cơm gia đình là vô cùng cần thiết. Việc cùng trẻ đi chợ là một cách hiệu quả để giúp bé thêm háo hức với bữa cơm tại nhà. Đồng thời, là cơ hội để dạy trẻ nhiều điều hay.

Chương trình “Giáo dục dinh dưỡng học đường” do Nestlé Việt Nam phối hợp cùng Viện Dinh dưỡng – Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cục Y tế dự phòng tổ chức khuyến cáo, cha mẹ hãy cùng trẻ xây dựng thực đơn, lựa chọn những món ngon cho cả tuần theo đúng sở thích của bé, cũng như phù hợp với khuyến nghị từ Tháp Dinh Dưỡng.

Sau đó, gia đình hãy cùng xác định danh sách mua sắm. Sau khi có thực đơn, cha mẹ hãy cùng trẻ lập danh sách những thực phẩm cần mua và định lượng của từng loại thực phẩm. Đồng thời, cùng trẻ “đọ giá” các loại thực phẩm này và tính tổng giá thành. Nếu giá cao hơn so với ngân sách đi chợ hàng tuần của gia đình, trẻ cần tìm những thực phẩm thay thế.

Trẻ sẽ học được nhiều kỹ năng nhờ đi chợ.

Trang bị kỹ năng cho trẻ

Ông Đinh Văn Thịnh - giảng viên kỹ năng mềm, Phó Giám đốc kỹ năng và truyền thông Hệ thống Trung tâm ATC (TPHCM) chia sẻ: “Trong trường hợp trẻ ở nhà một mình mà không có kỹ năng nấu ăn hay đi chợ, cha mẹ có thể sẽ cảm thấy bất an và lo lắng. Cha mẹ không thể nào bên cạnh mãi để có thể chăm sóc con. Chính vì vậy, cha mẹ nên trang bị cho con trẻ kỹ năng đi chợ, tự nấu ăn. Ngoài ra, phụ huynh cần trang bị cho con kỹ năng chi tiêu hợp lý”.

Theo chuyên gia này, phụ huynh không nên nghĩ rằng các con còn nhỏ và không biết làm gì. Hoặc, không ít phụ huynh lo rằng, trẻ sẽ gặp phải những sự cố trong quá trình rèn luyện. Tuy nhiên, ông Đinh Văn Thịnh nhấn mạnh, thay vì nghĩ rằng con không làm được, phụ huynh hãy giúp trẻ trang bị kỹ năng này. Cha mẹ có thể đồng hành với con qua các hoạt động, hướng dẫn trẻ từng bước, cũng như tạo thói quen tốt cho bé. Trong quá trình rèn luyện kỹ năng đi chợ, chắc hẳn trẻ sẽ không tránh được những lúc mắc lỗi. Tuy nhiên, khi đó, cha mẹ cần cho con cơ hội để sửa sai. Đồng thời, tạo động lực để trẻ cố gắng, khen và khuyến khích khi bé thực hiện tốt...

Để hướng dẫn trẻ đi chợ, ông Đinh Văn Thịnh gợi ý, phụ huynh có thể bắt đầu bằng việc để con mua những thực phẩm đơn giản trước, như: Trứng, gạo, rau... Sau đó, cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ những kỹ năng sơ chế và nấu ăn đơn giản như nhặt rau, vo gạo, sử dụng thiết bị nấu cơm, luộc rau, chiên trứng…

“Khi được trang bị kỹ năng đi chợ, các con sẽ biết tự lập hơn khi ở nhà một mình hoặc phải sống ở một nơi xa trong trường hợp không có cha mẹ đồng hành. Biết được kỹ năng đi chợ, các con sẽ học được cách lên kế hoạch mua sắm, chi tiền thế nào cho hợp lý. Trẻ cũng sẽ biết cách nấu ăn và đâu là những nguyên liệu, gia vị cần cho món đó. Trẻ sẽ tự nấu cho bản thân hoặc thậm chí làm những món ăn cho gia đình. Từ đó, con có thể phụ giúp cha mẹ, góp phần mang lại niềm vui gia đình”, ông Đinh Văn Thịnh chia sẻ.

Cũng theo chuyên gia này, khi biết đi chợ, trẻ sẽ tự tin và năng động tham gia các hoạt động ở trường, như cắm trại, liên hoan, thi nấu ăn… Bên cạnh đó, đi chợ cũng là một cách giúp trẻ hiểu hơn về các loại thực phẩm. Từ đó, nâng cao kiến thức về dinh dưỡng.

“Đi chợ hay siêu thị và chế biến món ăn cũng là một cách giải toả những căng thẳng của cuộc sống, giúp con trẻ rèn luyện sự tập trung, chú ý. Đồng thời, thúc đẩy sự sáng tạo trong cách lựa chọn thực phẩm và chế biến. Một món ăn ngon được làm nên không chỉ ở cách lựa chọn những nguyên liệu chế biến, thời gian, mà còn cả sự tâm huyết của người nấu. Chỉn chu trong đi chợ, nấu ăn sẽ giúp các con hình thành một thói quen tốt. Từ đó, giúp các con chỉn chu trong các phương diện khác trong cuộc sống như học tập, các mối quan hệ…”, ông Đinh Văn Thịnh cho biết.

Để trẻ sẵn sàng đi chợ

Tuy nhiên, không ít phụ huynh gặp khó khăn trong việc dạy con kỹ năng đi chợ. Bởi, một số trẻ thường e dè khi đến những nơi đông người và ồn ào. Nói về vấn đề này, ông Thịnh gợi ý, đối với trẻ nhút nhát, phụ huynh cần dành thời gian trò chuyện cùng con. Khi đó, con sẽ hiểu hơn về tầm quan trọng của việc biết đi chợ và nấu ăn. Phụ huynh cũng có thể cho trẻ xem những video về các bạn khác đi mua sắm, nấu ăn… Khi nhìn những bạn cùng trang lứa thực hiện, trẻ sẽ có thể thực hiện theo.

Theo chuyên gia này, để con sẵn sàng đi chợ, phụ huynh cần hướng dẫn con lên kế hoạch mua sắm, tập cho trẻ lên danh sách, nguyên liệu món ăn mà bé thích. Sau đó, hướng dẫn trẻ từng bước nhỏ như: Phải mua ở đâu, lựa chọn rau, củ quả tươi ra sao,…Ngoài ra, trẻ cũng cần biết phải mua bao nhiêu là đủ cho một bữa ăn, cách xem giá, tính tiền… Trong những lần đầu đi chợ, cha mẹ cần đồng hành và thực hiện cùng con. Sau một thời gian, con sẽ quen dần và có thể đi một mình khi không có cha mẹ.

“Để con tự tin hơn nữa, cha mẹ có thể tạo nên một hoạt động nhỏ trong nhà, hoặc mở rộng ngoài phạm vi gia đình. Các thành viên trong gia đình cùng thi đua với nhau về kỹ năng đi chợ. Mỗi người tự mua và làm món ăn của mình. Sau đó, mọi người sẽ đánh giá nhau. Cha mẹ cần khuyến khích và khen con, tránh trường hợp chê trẻ làm không tốt ở những lần đầu tiên vì như thế bé sẽ mất động lực”, ông Thịnh gợi ý.

Chuyên gia này nhấn mạnh, cha mẹ cần đồng hành với con và có sự thống nhất về kế hoạch mua sắm trước khi vào chợ hoặc siêu thị. Tuy nhiên, phụ huynh cũng không nên chiều con và mua hết những thứ trẻ muốn. Bởi, việc đó sẽ tạo thành thói quen mua sắm không tốt ở trẻ. Từ đó, khiến con không thực hiện theo kế hoạch. Do đó, khi vào chợ hoặc siêu thị, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ đi thẳng đến những khu vực có nguyên liệu cần mua theo kế hoạch. Ví dụ: Nếu mua rau củ quả, con sẽ vào thẳng khu vực bán những thực phẩm này. Nhờ đó, tránh trường hợp vào quầy bán bánh kẹo, quần áo, giày dép…

“Cha mẹ có thể chọn một ngày nào trong tháng cùng gia đình đi siêu thị, thống nhất hôm nay đi mua sắm tự do và mua những đồ hợp lý trong khoản tiền từ bao nhiêu. Thống nhất như vậy, con sẽ biết rằng, trong những lần đi chợ hoặc siêu thị bình thường, dù có đòi và thích, con cũng không được mua. Thay vào đó, con phải chờ đến một ngày khác. Từ đó, tập cho trẻ biết thực hiện đúng kế hoạch và việc gì ra việc đó”, ông Đinh Văn Thịnh nhấn mạnh.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Rèn kỹ năng ở chợ: Học điều nhỏ từ… mua mớ rau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO