Bệnh lao ở trẻ em khó phát hiện và chẩn đoán
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, nguyên Giám đốc BV Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia cho biết: Thực tế chương trình mới chỉ thống kê được khoảng 10% đến 15% số trẻ mắc bệnh lao mới. Nguyên nhân là bệnh lao ở trẻ em khó phát hiện và chẩn đoán do các triệu chứng lâm sàng thường mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác.
"Có thể có rất nhiều trẻ mắc lao chưa được phát hiện và điều trị. Hoặc không loại trừ có không ít trẻ mắc lao điều trị tại bệnh viện tư, cơ sở chuyên khoa nhi… mà chưa được báo cáo với chương trình chống lao quốc gia"- PGS Nhung nói.
Có đến 80% các ca bệnh lao ở trẻ là lao phổi. Thế nhưng, theo các chuyên gia, phần lớn các trường hợp này không phát hiện được vi khuẩn do trẻ không ho khạc đờm được, không làm được xét nghiệm vi khuẩn.
Trong khi đó, xét nghiệm chẩn đoán lao chủ yếu dựa trên xét nghiệm đờm để tìm vi khuẩn lao. Bên cạnh đó, triệu chứng lao ở trẻ em không đặc hiệu, trẻ không thể nói rõ được các triệu chứng, khó phân biệt với các bệnh hô hấp khác.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia hiện có nhiều thách thức trong việc tăng cường phát hiện bệnh lao ở trẻ. Theo đó, chỉ khi trẻ đã có những dấu hiệu nặng như ho ra máu, sốt, sút cân kéo dài… gia đình mới nghĩ đến khả năng con mắc lao.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cũng bày tỏ lo ngại trong cộng đồng, một số trẻ đã nhiễm vi khuẩn lao nhưng vì có sức đề kháng tốt nên không tiến triển thành bệnh ngay lúc đó- hay còn gọi là lao tiềm ẩn. Trong trường hợp này, gia đình vẫn nên cho trẻ đi sàng lọc, điều trị lao tiềm ẩn ngay.
Ở các trẻ có triệu chứng, phần lớn là do không được điều trị thích hợp, tình trạng nhiễm trùng tiến triển, triệu chứng sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ. Với bé ít tuổi, phổ biến là sốt, giảm cân, tăng trưởng kém, ho, sưng hạch, nhiễm lạnh.
Với bé lớn tuổi hơn, triệu chứng là ho kéo dài hơn 2 tuần, đau ở ngực, có máu trong đờm, ốm yếu mệt mỏi, sưng hạch, giảm cân, giảm cảm giác thèm ăn, sốt, đổ mồ hôi vào ban đêm, hay bị ớn lạnh.
Ở một số lượng rất nhỏ trẻ em (chủ yếu là những trẻ dưới bốn tuổi), bệnh lao có thể lây lan qua đường máu, ảnh hưởng đến hầu như bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể.
Căn bệnh này đòi hỏi điều trị phức tạp hơn nhiều và bắt đầu điều trị càng sớm thì càng tốt. Những trẻ này có nhiều nguy cơ mắc bệnh lao màng não, một dạng bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến não và hệ thần kinh trung ương.
Tiêm vaccine là cách đơn giản nhất ngăn ngừa bệnh lao
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho hay, bệnh lao hoàn toàn có thể chữa trị dứt điểm. Hơn thế nữa, phòng bệnh hơn chữa bệnh, có thể dùng một số biện pháp đơn giản để ngăn ngừa bệnh lao ở trẻ em và cả gia đình.
"Tiêm vaccine BCG cho trẻ sơ sinh, trẻ dưới 1 tuổi làm giảm nguy cơ mắc lao, bảo vệ trẻ em trước bệnh lao nặng. Tiêm vaccine là cách đơn giản nhất để ngăn ngừa bệnh"- PGS Nhung nói.
Vaccine BCG là loại vaccine được tiêm miễn phí tại toàn bộ cơ sở y tế các cấp, từ trung ương tới phường xã, thôn bản…, giúp các phụ huynh không phải đi xa.
Thực hiện phương pháp theo dõi tiếp xúc (là phương pháp nhân viên y tế xác định danh tính và thông báo cho những người đã tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh.
Chủ nhiệm Chương trình Phòng chống Lao Quốc gia khuyến cáo nhân viên y tế công cộng cho những người đó biết rằng họ đã tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh và những việc cần làm tiếp theo để giữ an toàn cho bản thân và những người thân của họ) để ngăn ngừa trẻ em tiếp xúc và nhiễm lao phát triển thành bệnh lao, truy vết nguồn lây nhiễm gốc để xác định trẻ bị nhiễm bệnh và ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh.
Đồng thời, nâng cao nhận thức của bố mẹ và gia đình về bệnh lao ở trẻ em để nhận biết các dấu hiệu từ sớm, đi khám và điều trị kịp thời, thậm chí có thể thực hiện sàng lọc lao định kỳ để loại trừ nguy cơ bệnh.
Người lớn trong gia đình khi có biểu hiện ho mà chưa thể đi khám ngay thì cũng không nên ho, khạc đờm bừa bãi, tránh ho trước mặt trẻ để dự phòng lây vi khuẩn lao (nếu có) cho trẻ. Gia đình cần giữ môi trường ở thoáng khí, đủ ánh nắng mặt trời và đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh cho trẻ.