Chủ tịch công ty sản xuất chip Rapidus Tetsuro Higashi mới đây cảnh báo đây dự án Rapidus của Nhật Bản, tập hợp một số công ty lớn nhất thế giới, được coi là "cơ hội cuối cùng" để đưa lĩnh vực bán dẫn, vốn từng thống trị của đất nước này, trở lại bản đồ thế giới.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Higashi cho hay mặc dù có sự hỗ trợ về tài chính mạnh mẽ từ chính phủ, song ông không hề xem nhẹ những thách thức sắp tới.
Ông Higashi từng là cựu lãnh đạo ngành và là cựu chủ tịch Tokyo Electron, nhà sản xuất thiết bị chế tạo chip hàng đầu. Ông cho biết toàn thế giới đang bước vào quá trình số hóa. Điều quan trọng đối với Nhật Bản là xây dựng một ngành công nghiệp công nghệ số thực sự vững mạnh. Nhật Bản đang bị tụt hậu so với các nước khác hơn một thập kỷ. Chỉ riêng việc bắt kịp cũng đòi hỏi nguồn tiền khổng lồ.
Chính phủ Nhật Bản đã cam kết hỗ trợ lên tới 4.000 tỷ yen (25,7 tỷ USD) để giúp doanh số chip sản xuất trong nước tăng gấp ba lên hơn 15.000 tỷ yen vào năm 2030.
Chính phủ nước này đã cam kết đầu tư 920 tỷ yen cho Rapidus, có sự tham gia của Sony, Toyota, IBM và các công ty khác, hiện đang xây dựng nhà máy ở Hokkaido. Mục tiêu là sản xuất hàng loạt chip logic tại Nhật Bản từ năm 2027 sử dụng công nghệ 2 nanomet.
Công ty xản xuất chất bán dẫn Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC), chiếm 50% sản lượng chip toàn cầu, cũng đã hưởng lợi thế này. “Gã khổng lồ” này đã khai trương một nhà máy chế tạo mới tại Nhật Bản trong tháng 2/2024 và đang lên kế hoạch xây dựng thêm một nhà máy nữa.
TSMC và các công ty khác đang chạy đua để đạt được sản lượng tối đa cho chip 2nm, yếu tố then chốt để thúc đẩy cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI).
Tuy vậy, ông Higashi tin tưởng Rapidus có thể làm được điều đó, và ông cho hay đây có thể là cơ hội cuối cùng của Nhật Bản để tái khởi động ngành sản xuất chip bán dẫn cạnh tranh.
Ông Higashi cho biết vào khoảng năm 2027, nhu cầu toàn cầu đối với các loại bán dẫn tiên tiến, tiết kiệm năng lượng dự kiến sẽ bùng nổ khi AI và các công nghệ kỹ thuật số thâm nhập sâu hơn vào cuộc sống hàng ngày của mọi người.
Các doanh nghiệp công nghệ Mỹ như Google và OpenAI cũng đang đầu tư mạnh vào Nhật Bản với hy vọng rằng đất nước này, từng là một trong những tiên phong về công nghệ hàng đầu thế giới, có thể lấy lại lợi thế với AI.
Chính quyền tỉnh Kumamoto của Nhật Bản cho biết họ sẵn sàng đảm bảo hỗ trợ trên diện rộng để thu hút TSMC xây dựng nhà máy sản xuất chip thứ 3 tại địa phương. Thống đốc mới đắc cử của Kumamoto, ông Takashi Kimura cho biết mối lo ngại về tình trạng thiếu nước ngầm khi hai nhà máy của TSMC bắt đầu hoạt động tại thị trấn Kikuyo của tỉnh đã thúc đẩy các cuộc thảo luận về khả năng khai thác đập nước chưa sử dụng.
TSMC đã khai trương nhà máy đầu tiên tại Nhật Bản vào tháng Hai và sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt vào cuối năm nay. Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ thêm hàng tỷ USD cho TSMC để xây dựng nhà máy thứ 2 tại Kumamoto vào cuối năm 2024.
Hai nhà máy này dự kiến sẽ tuyển dụng hơn 3.400 lao động và đẩy giá đất cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng tại địa phương tăng vọt. Theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Kyushu, TSMC được kỳ vọng sẽ đóng góp khoảng 10.500 tỷ yen (67,4 tỷ USD) cho nền kinh tế của địa phương trong 10 năm.
Trong khi đó, những nhà sản xuất ô tô lớn của Nhật Bản như Toyota, Nissan, Honda sẽ hợp tác để tập hợp chuyên môn trong các lĩnh vực như AI và chất bán dẫn nhằm phát triển phần mềm cho xe thế hệ tiếp theo.
Trong chiến lược “Chuyển đổi kỹ thuật số trong ngành ô tô” (Mobility DX Strategy), Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản sẽ kêu gọi sự hợp tác giữa các nhà sản xuất ô tô như một lộ trình phát triển ô tô thế hệ tiếp theo đến những năm 2030. Theo đó, các nhà sản xuất ô tô sẽ ký kết chiến lược khởi động hợp tác với hy vọng giảm chi phí phát triển trong cuộc đua số hóa cạnh tranh gay gắt.
Về phần mình, ông Jensen Huang, Giám đốc điều hành Nvidia, công ty có chip đang thống trị trong lĩnh vực AI, cho biết công ty sẽ "cố gắng hết sức" để cung cấp chip cho Nhật Bản.
Tuy nhiên rõ ràng là Nhật Bản cần phải giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài,
Nhật Bản có một vị trí nhất định trong ngành công nghiệp bán dẫn từ những năm 1980 đến đầu những năm 1990, chiếm tới 50% thị trường toàn cầu, với sự dẫn đầu của các công ty như NEC và Toshiba.
Hiện tại, Nhật Bản chỉ chiếm khoảng 10% thị trường, mặc dù vẫn là một trong những công ty dẫn đầu về thiết bị và vật liệu sản xuất chip với các công ty như Tokyo Electron, nơi ông Higashi từng làm việc.
Những doanh nghiệp chế tạo thiết bị sản xuất chip của Nhật Bản như Tokyo Electron đang thu hút ước tính của các nhà phân tích về mức tăng lợi nhuận hai con số trong năm tài chính này (kết thúc vào 31/3/2025), chủ yếu nhờ nhu cầu tăng cao từ sự bùng nổ AI và nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc.
Theo triển vọng phân tích trung bình từ QUICK Consensus, Tokyo Electron đang trên đà đạt mức tăng lợi nhuận ròng 33% trong năm tài chính này, lên 450,8 tỷ yen (2,94 tỷ USD). Tập đoàn công nghiệp bán dẫn quốc tế SEMI báo cáo, doanh số bán thiết bị sản xuất chip toàn cầu dự kiến sẽ tăng 4% trong năm 2024, lên 105,3 tỷ USD, đạt mức tăng hàng năm đầu tiên sau hai năm.
Các nhà quan sát thị trường đang lạc quan về triển vọng của ngành công nghiệp sản xuất thiết bị sản xuất chip. Nhu cầu từ điện thoại thông minh và máy tính cá nhân sẽ phục hồi trong nửa cuối năm tài chính mới (bắt đầu từ ngày 1/4/2024). Bên cạnh đó, các khoản đầu tư vào AI và xe điện cũng đang tăng nhanh.