Rào cản nào cho bóng đá nữ Việt Nam xuất ngoại?

PHẠM ĐÌNH| 25/08/2022 21:27

Huỳnh Như được xem là người mở đường xuất ngoại cho bóng đá nữ Việt Nam.

Rào cản nào cho bóng đá nữ Việt Nam xuất ngoại?
Huỳnh Như xuất ngoại là bước đệm cho bóng đá nữ Việt Nam. Ảnh: Minh Anh

Năm 2019, trung vệ Trần Thị Hồng Nhung (Phong Phú Hà Nam) đã có cơ hội khoác áo Chonburi (Thái Lan) theo bản hợp đồng cho mượn. Dù chỉ thi đấu 1 trận cho đội bóng xứ chùa Vàng, thế nhưng đó là chuyến đi mà Hồng Nhung đã thắp lên hy vọng cho cầu thủ nữ Việt Nam muốn tìm kiếm cơ hội ra nước ngoài thi đấu.

Năm 2020, Huỳnh Như cùng 2 đồng đội khác ở đội tuyển Việt Nam là Tuyết Dung và Hải Yến cũng nhận được lời mời của Lank FC khi đó còn thi đấu ở giải hạng 2 Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau mà những cầu thủ này chưa thể sang Bồ Đào Nha thi đấu.

Quyền Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn (khi đó còn là Phó Chủ tịch) đã chia sẻ rằng, để các cầu thủ có cơ hội này một phần do thành tích của đội tuyển nữ Việt Nam đã tăng lên. Thời điểm đó, chúng ta vừa vô địch AFF nữ 2019 và giành huy chương vàng SEA Games 30.

Ông Tuấn cũng khẳng định rằng, việc này sẽ giúp cho các cầu thủ hòa nhập với bóng đá quốc tế, đặc biệt là khi đến với các nền bóng đá phát triển.

Và phải đến bây giờ, Huỳnh Như mới chính thức xuất ngoại, đầu quân cho Lank FC. Cô được xem là người mở đường xuất ngoại cho bóng đá nữ Việt Nam.

Cánh cửa xuất ngoại mở ra với nhiều tuyển thủ của đội tuyển nữ Việt Nam. Ảnh: VFF
Cánh cửa xuất ngoại mở ra với nhiều tuyển thủ của đội tuyển nữ Việt Nam. Ảnh: VFF

Huỳnh Như đã chia sẻ rằng: "Tôi là người đầu tiên và là người tiên phong đưa bóng đá nữ Việt Nam ra với thế giới để mọi người biết đến. Tôi cũng nhận được nhiều ý kiến trước khi sang đó. Mọi người có nói rút kinh nghiệm từ những cầu thủ nam đã xuất ngoại không mấy thành công trước. Nhưng mà gần đây Quang Hải cũng đã có những sự phát triển ở nước Pháp và để lại nhiều ấn tượng".

Có thể thấy, Huỳnh Như đã nhìn vào những điểm tích cực mà Quang Hải đang có để gạt bỏ tâm lý tự ti. Đó được xem là một cách đón nhận cởi mở của nữ tiền đạo này khi lĩnh "ấn tiên phong".

Với bóng đá nam, chúng ta đã có những cuộc kiểm chứng về trình độ, sự phù hợp của cầu thủ Việt Nam với môi trường bóng đá Châu Âu và Châu Á. Những chuyến đi cả thành công lẫn thất bại của Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng, Văn Hậu, Văn Lâm và hiện tại là Quang Hải đã rút ra nhiều bài học.

Còn bóng đá nữ lại là một trang mới khi chưa có cầu thủ nào thực sự có chuyến xuất ngoại đúng nghĩa. Trận đấu duy nhất của Hồng Nhung tại Thái Lan vẫn chưa thể đưa ra nhiều đánh giá.

Thực tế, rào cản lớn nhất của bóng đá Việt Nam và bóng đá nữ nói riêng với châu lục và thế giới vẫn là trình độ. Như cực tuyển thủ quốc gia Ngọc Châm chia sẻ với Lao Động, chúng ta bước ra ngoài khu vực Đông Nam Á, có thể thấy sự chênh lệch trình độ với các nền bóng đá Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Australia. Chính vì thế mà thế hệ Ngọc Châm xuất ngoại là vấn đề khó khăn. Mong muốn thì có nhưng cơ hội thì chưa.

Sự chênh lệch đẳng cấp chính là rào cản lớn nhất. Dù chúng ta giành vé đến World Cup, thế nhưng trình độ chưa thể tiệm cận thế giới. Trong chuyến tập huấn tại Pháp, chúng ta đã cho thấy sự thua thiệt lớn về trình độ thông qua kết quả.

Huỳnh Như xuất ngoại phần nào đó là cú hích cho đội tuyển nữ Việt Nam trước thềm World Cup 2023. Sân chơi mà có thể chúng ta sẽ phải vượt qua rào cản lớn nhất là vấn đề chênh lệch đẳng cấp. Thế nhưng, nhìn một cách tích cực đó cũng là cơ hội để các cô gái Việt Nam thể hiện mình.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Rào cản nào cho bóng đá nữ Việt Nam xuất ngoại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO