Các golf thủ khi đang có mặt trên sân golf ở tỉnh Chonburi (Thái Lan) đã có tình huống thót tim khi phát hiện một con rắn hổ chúa cỡ lớn xuất hiện trên bãi cỏ sân golf. Nhiều người đã hốt hoảng bỏ chạy khi nhìn thấy con vật.
Ban quản lý sân golf đã lập tức liên hệ với lực lượng cứu hộ để nhờ giúp đỡ. Các chuyên gia bắt rắn đã phải khá vất vả để có thể khuất phục con rắn độc cỡ lớn.
Đoạn clip do một nhân chứng ghi lại cho thấy con rắn hổ chúa cỡ lớn ngóc cao đầu đầy đe dọa khi các chuyên gia bắt rắn tiến lại gần. Các chuyên gia đã phải dùng gậy chuyên dụng để khống chế, đè đầu con rắn độc xuống đất mới có thể bắt giữ con vật.
"Chúng tôi nhận được thông tin từ người dân trong khu vực về một con rắn hổ chúa to lớn xuất hiện tại sân golf. Bản thân tôi cũng không thể ngờ rằng con vật này lại to lớn đến như vậy. Đây là một trong những con rắn lớn nhất mà tôi từng bắt giữ trong suốt sự nghiệp của mình", Paisan Pornnimitsap, 41 tuổi, chuyên gia bắt rắn thuộc lực lượng cứu hộ, cho biết.
Paisan Pornnimitsap cho rằng con rắn hổ chúa này sống tại khu rừng cạnh sân golf và đã bò ra ngoài để tìm nước uống trong thời tiết nóng và khô.
Sau khi con rắn bị bắt giữ, các chuyên gia đã đo đạc để xác định kích thước con vật và cho biết con rắn này dài đến 4,87m và nặng 22kg. Con vật sau đó được các chuyên gia cứu hộ thả về môi trường tự nhiên, ở khu vực cách xa con người sinh sống.
Không phải là loài rắn sở hữu nọc độc nhất thế giới, hổ chúa là loài rắn độc lớn nhất thế giới, với chiều dài trung bình từ 3 đến 4m, có trường hợp ghi nhận cá thể rắn hổ chúa dài đến gần 6m. Do vậy, kích thước lên đến gần 5m của cá thể rắn hổ chúa vừa bị bắt giữ là khá hiếm gặp.
Loài rắn độc này sống chủ yếu ở các khu rừng mưa và đồng bằng của Ấn Độ, miền nam Trung Quốc và Đông Nam Á.
Nọc độc của rắn hổ chúa ảnh hưởng đến trung tâm hô hấp ở não, gây ngừng thở và suy tim, dẫn đến tử vong trong khoảng 30 phút sau khi cắn nếu không được cứu chữa kịp thời.
Nọc độc trong một cú cắn của rắn hổ chúa có thể đủ giết chết 20 người trưởng thành. Trong nhiều trường hợp, rắn hổ chúa có thể tung ra cú cắn khô, là nhát cắn không bơm nọc độc và nạn nhân có thể sống sót sau cú cắn mà không cần phải điều trị, tuy nhiên, điều này hiếm khi xảy ra.
Sự nhầm lẫn trong tên gọi của rắn hổ chúa
Một điều khá thú vị, đó là tên gọi của loài rắn này. Nhiều người thường gọi nhầm tên của loài rắn này là "hổ mang chúa". Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, tên gọi đúng của loài rắn này là "hổ chúa" vì loài này không thuộc chi rắn hổ mang thực sự (chi Naja), mà là loài duy nhất thuộc chi Ophiophagus. Cả 2 chi này đều thuộc họ rắn hổ (Elapidae).
Tên gọi "hổ mang chúa" bắt nguồn từ khả năng có thể ngóc cao đầu và bành mang của loài rắn này, tuy nhiên, kích thước mang của hổ chúa nhỏ hơn đáng kể so với các loài rắn hổ mang thực sự. Kích thước cơ thể, nọc độc và cấu tạo sinh học của hổ chúa cũng có nhiều khác biệt so với các loài hổ mang.
Theo Vpress/ITN