Rằm tháng Giêng tại sao gọi là Tết Nguyên Tiêu?

21/02/2024 11:00

Ngày Rằm tháng Giêng (15 tháng Giêng âm lịch) còn có tên gọi khác là Tết Nguyên tiêu, Tết Thượng nguyên. Đây là rằm đầu tiên của năm mới theo lịch âm của người Việt, là thời điểm thích hợp để cầu an lành cho cả năm.

Đây là một trong những ngày rất quan trọng theo lịch âm của người châu Á. Có nơi thậm chí còn quan niệm "Cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng". Ở Trung Quốc, ngày này người ta tổ chức Lễ hội đèn lồng để chính thức kết thúc những ngày Tết Nguyên Đán.

Tết Nguyên Tiêu là gì?

Truyền thuyết thứ nhất kể rằng: "Ngày xửa ngày xưa có một con thiên nga từ trên thiên đình bay xuống hạ giới đã bị một người thợ săn bắn chết.

Để trả thù cho con thiên nga, Ngọc Hoàng đã sai một đội quân Thiên đình đúng ngày 15 tháng 1 xuống hỏa thiêu toàn bộ con người và động vật dưới hạ giới.

Rất may cho loài người là có một số vị thần trên Thiên đình không đồng ý với quyết định có phần hơi nặng tay của Ngọc Hoàng. Họ đã liều mình xuống hạ giới để hiến kế cho chúng sinh. Thế là vào ngày đó, nhà nhà treo đèn lồng và bắn pháo hoa để trên Thiên đình tưởng rằng nhà cửa của họ đã bị phóng hoả. Nhờ đó mà loài người mới thoát khỏi cảnh diệt vong".

Có nhiều nơi Lễ hội đèn lồng còn được gọi là Lễ hội bánh Yuanxiao.
Có nhiều nơi Lễ hội đèn lồng còn được gọi là Lễ hội bánh Yuanxiao.

Truyền thuyết thứ hai kể rằng: "Vào thời Hán Vũ Đế, có một cô gái trẻ tên là Yuanxiao sống trong cung bị cấm về thăm cha mẹ vào ngày 15 tháng 1 đã có ý định lao xuống giếng để tự vẫn. Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của cô gái, một vị quan cận thần có tên là Dongfang Shuo đã nghĩ ra một kế để giúp cô. Ông tâu với Hán Vũ Đế rằng, ngày 16 tháng 1, Thiên dình sẽ sai Hỏa thần xuống thiêu rụi Kinh thành.

Để tránh tai họa đó, mọi người phải treo đèn lồng trước cửa nhà mình và ngoài đường vào ngày 15. Theo lệnh của Hán Vũ Đế, ngày đó mọi nhà đều treo đèn lồng, nhân lúc mọi người đang mải ngắm những chiếc đèn xinh xắn đó, cô gái trẻ đã trốn về nhà thăm cha mẹ mà không hề ai biết".

Tuy nhiên, cả hai câu chuyện trên chỉ là truyền thuyết, còn theo các học giả Trung Quốc thì lễ hội đèn lồng xuất phát từ truyền thống sử dụng lửa để kỷ niêm ngày lễ hội và xua đi những điều không may của người dân nước này.

Nhưng kể từ khi đạo Phật du nhập vào Trung Quốc vào thời Hán thì Lễ hội đèn lồng đã khoác lên mình những màu sắc tôn giáo khác nhau. Những người theo đạo Phật dùng ngày này để tưởng nhớ Đức Phật, trong khi những người theo Đạo giáo thì dùng ngày này để kỷ niệm sinh nhật của Hoả thần.

Không chỉ có đèn lồng, vào ngày này người ta còn làm những cái bánh Yuanxiao (giống như bánh trôi của Việt Nam). Vì vậy, có nhiều nơi lễ hội đèn lồng còn được gọi là lễ hội bánh Yuanxiao.

Tuy nhiên, dù tên gọi có là gì thì đây cũng được coi là một ngày Lễ rất quan trọng của người Trung Quốc, là một phần quan trọng trong dịp Tết Nguyên Đán. Nó là lễ hội chính thức khép lại những ngày Tết Nguyên Đán của người dân nơi đây.

Tết Nguyên Tiêu là ngày 15 Âm lịch của tháng Giêng, vì vậy, nó thường diễn ra ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán tại Việt Nam khoảng 1 tuần.

Vào năm 2024, Tết Nguyên Tiêu là ngày Thứ Bảy, 24/2/2024.

Ý nghĩa của ngày Tết nguyên tiêu

Tết Nguyên tiêu bắt đầu từ giữa đêm 14 (đêm trước Trăng Rằm) cho đến nửa đêm 15 tháng Giêng Âm lịch.

Bắt nguồn từ câu chuyện nàng cung nữ tên Nguyên Tiêu nói trên mà Tết Nguyên tiêu mang ý nghĩa về sự đoàn tụ, đoàn viên gia đình.

Bánh trôi trong ngày Tết Nguyên Tiêu
Món bánh trôi thường thấy trong ngày Tết Nguyên Tiêu.

Vào ngày này, các thành viên trong gia đình thường quây quần bên nhau, nấu ăn, hàn huyên nói chuyện, sau đó cùng thưởng trà, ăn bánh trôi nước và ngắm trăng.

Tết Nguyên Tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới. Trong đó, Nguyên nghĩa là thứ nhất và Tiêu nghĩa là đêm. Ngoài ra, người Việt Nam còn gọi ngày này là Tết Thượng Nguyên. Mục đích là để phân biệt với Tết Trung Nguyên (rằm tháng bảy) và Tết Hạ Nguyên (rằm tháng mười).

Đây là một ngày lễ quan trọng đối với người Phật Giáo. Tất cả là bởi vì hai câu nói “Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng giêng” “lễ Phật quanh năm không bằng Rằm tháng giêng”.

Vào ngày này, mỗi gia đình thường chuẩn bị một mâm cỗ cúng để thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với ông bà tổ tiên cũng như Phật tổ. Đồng thời cầu mong năm mới được nhiều bình an, may mắn, tài lộc sung túc.

Tùy theo từng gia đình mà mâm cỗ vào ngày Tết Nguyên Tiêu sẽ ít hay nhiều. Tuy mỗi gia đình có thể chuẩn bị những mâm cỗ khác nhau. Nhưng mục đích vẫn là thể hiện lòng thành kính với tổ tiên và Phật tổ của mình.

Ngoài ra, rằm tháng Giêng còn được gọi là “Tết muộn” vì diễn ra ngay sau Tết Nguyên Đán, là dịp để các gia đình không may có người thân bị ốm, hay đi vắng vào vào đúng dịp Tết Nguyên Đán có cơ hội đoàn viên gia đình.

Những điều nên làm trong dịp Tết Nguyên Tiêu

Lưu ý khi cúng, thắp hương ngày Rằm tháng Giêng:

Lưu ý khi thắp hương cúng Rằm tháng Giêng

Khi thắp hương, người ta thường thắp theo số lẻ, bởi số lẻ tượng trưng cho phần âm. Do đó, có thể thắp 1, 3, 5, 7 hoặc 9 nén hương trên mỗi bát hương.

Chú ý khi thắp hương cần phải ăn mặc chỉnh tề, không mặc quần đùi, áo cộc hay ăn mặc luộm thuộm...

Khi khấn cần phải liền mạch, thành tâm cúng bái nhằm thể hiện sự tôn trọng với các vị phật, thần linh và tổ tiên.

Ý nghĩa của số nén hương khi thắp

Ý nghĩa của việc thắp các nén hương (nhang) theo quan niệm dân gian như sau:

  • Thắp 1 nén: ngụ ý bình an.
  • Thắp 3 nén: có thể linh ứng báo tin, bảo vệ người trong nhà và đánh đuổi tai ương.
  • Thắp 5 nén: là cách mà các thầy pháp dự báo hung cát cho người khác hoặc mời gọi thần linh.
  • Thắp 7 nén: dùng để mời gọi thiên thần, thiên binh thiên tướng, nếu không phải việc bất đắc dĩ thì không nên dùng hương này.
  • Thắp 9 nén: tín hiệu cầu cứu, nếu như bất đắc dĩ, không còn nơi nào cầu giúp đỡ, nhân lực không thể cứu vãn, hi vọng Ngọc Hoàng Đại Đế và Thập điện Diêm Vương cứu giúp muôn dân, cứu khổ cứu nạn. Chín nén hương thường được bày theo ba hàng ba cột.

Làm gì vào ngày Tết Nguyên Tiêu?

Vào Rằm tháng Giêng, nhìn chung người dân khắp nơi thường thả hoa đăng hay lên chùa khấn Phật.

  • Tại Việt Nam, ý nghĩa tết Nguyên Tiêu đã có nhiều khác biệt so với tại Trung Quốc. Rằm tháng Giêng là một trong 4 ngày lễ lớn trong năm của người Việt, đặc biệt, Phật tử thường viếng chùa, lễ Phật cầu gia đạo bình an, phong điều vũ thuận, quốc thái dân an. Vì thế, ngày càng đông người đến chùa, lễ Phật, cầu nguyện trong hội rằm tháng Giêng. Đây là một tín hiệu tốt, thể hiện rõ nét tinh thần “Đạo pháp và Dân tộc”. Ở Việt Nam, hàng nghìn phật tử viết điều ước lên những cánh hoa đăng lung linh rồi thả xuống sông để cầu nguyện cho một năm mới bình an, hạnh phúc.

Trong ngày này, người dân thường đi lên chùa hoặc thả đèn hoa đăng.
Trong ngày này, người dân thường đi lên chùa hoặc thả đèn hoa đăng.

  • Ở Trung Quốc, người dân đón Tết Nguyên tiêu bằng cách treo hàng nghìn chiếc đèn lồng đầy màu sắc, giải các câu đố treo trên đèn lồng, ăn bánh trôi và đoàn tụ với gia đình. Món bánh trôi không thể thiếu trong Tết Nguyên tiêu của người Trung Quốc, Singapore và cộng đồng nói tiếng Hoa.
  • Đối với người Thái, Rằm tháng Giêng còn gọi là lễ hội Phật giáo Makha Bucha. Vào ngày này, hàng nghìn người tập trung tại ngôi chùa nổi tiếng Wat Phra Dhammakaya, Bangkok để tiến hàng nghi lễ và thắp sáng 100.000 đèn lồng.
  • Tại Đài Loan, thay vì thả đèn nước thì nhiều người ghi những câu ước nguyện vào đèn lồng và thả bay lên trời trong dịp Tết Nguyên tiêu.
Theo khoahoc.tv
https://khoahoc.tv/ram-thang-gieng-tai-sao-goi-la-tet-nguyen-tieu-78213
Copy Link
https://khoahoc.tv/ram-thang-gieng-tai-sao-goi-la-tet-nguyen-tieu-78213
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Rằm tháng Giêng tại sao gọi là Tết Nguyên Tiêu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO