Con đã "hạ gục" hàng ngàn thí sinh để vào trường top...
"Con đã khép lại 4 năm cấp 2 với hàng loạt thành tích học sinh giỏi, đỗ trường chuyên này trường chuyên nọ, ...", là thông báo trên mạng xã hội của nhiều phụ huynh sau khi con có kết quả thi lớp 10.
Nhiều người còn liệt kê điểm từng môn thi, giấy khen, giấy chứng nhận của con.
Đến hẹn lại vào mùa phụ huynh rầm rộ khoe con đỗ lớp 10. Trải qua thời gian con ôn thi, con đi thi cho đến thời gian , nhiều bố mẹ được thỏa sức khoe khoang trước kết quả như ý của con.
Khắp nơi trên mạng xã hội, từ các trang cá nhân, diễn đàn, hội nhóm ngập cảnh khoe con đỗ lớp 10.
Nhưng không chỉ dừng lại ở việc khoe điểm, khoe con đỗ đạt, nhiều năm gần đây, việc khoe con đỗ lớp 10 được không ít phụ huynh được... "nâng cấp" lên một tầm mới.
Dễ thấy nhất là việc khoe con ngập mùi thắng thua của phụ huynh. Khoe con đỗ trường này trường kia, khoe mỗi điểm của con chưa làm nhiều bố mẹ thỏa mãn, mà phải là "chúc mừng con trai của mẹ đã vượt hơn 6.000 thí sinh để đứng trong chỉ 250 bạn đỗ vào trường A", "Con đã hạ gục, đánh bật hàng ngàn thí sinh khác để được gọi tên"...
Với những phụ huynh này, cảm giác con đỗ là chưa đủ, phải nhấn mạnh sự "đỗ" đó ở trên sự thua cuộc của người khác mới nói lên được sự xuất sắc của con.
Kiểu khoe khác của bố mẹ tràn ngập trên mạng xã hội là khoe "con không học hành gì vẫn đỗ cao".
Đầu tiên là liệt kê thành tích, kết quả, điểm số của con đỗ vào trường này trường kia. Tiếp đó, nhiều phụ huynh tự hào nhấn mạnh "con mình đỗ" nhưng phải là "không học hành gì mấy".
Khắp trên mạng dễ thấy nào là "Con mình đỗ chuyên mà không một buổi học thêm, không một ngày đi ngủ sau 22h, không một buổi tối đem bài tập về nhà, tất cả chỉ gói gọn trên trường, trên lớp", nào là "Con mình có học hành gì đâu, toàn chơi thôi. Ai kêu học hành áp lực chứ nhà mình nhàn tênh, không có chuyện nó học bài ở nhà quá một tiếng đồng hồ"...
"Bỏ quên" áp lực của trẻ?
Từ trải nghiệm của mình, chị Nguyễn Ngọc Diễm, 24 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng kiểu khoe con "không học hành gì vẫn đỗ" của bố mẹ là một sự phiến diện, méo mó, thậm chí dối trá.
Chị Diễm kể trường hợp cháu mình, con ông anh trai ruột được chính chị kèm cặp toán và tiếng Anh từ năm lớp 7. Ngoài ra, cháu học thêm tại trung tâm có tiếng, bố mẹ còn thuê nhà sư về nhà ôn luyện.
Sự đánh đổi đó của cháu đạt được thành quả khi mới đây cháu đỗ vào hai trường top ở Hà Nội. Là gia sư của cháu, chị Diễm phấn khởi chia sẻ cháu đã đỗ sau bao ngày vất vả, chăm chỉ, tốn bao nhiêu là tiền của học thêm...
Ngay sau đó, chị dâu gọi điện yêu cầu chị Diễm bỏ ngay phần "cháu chăm chỉ, học thêm, học ngày học đêm" ra khỏi bài viết.
"Lúc này, tôi vào trang cá nhân của chị dâu, mới hay chị khoe con đỗ mà chẳng tốn một đồng học thêm, hàng ngày chẳng học hành gì, cháu chỉ mê thể thao, đàn nhạc... Tôi sốc lắm. Tại sao phải xấu hổ và che đậy việc con mình chăm chỉ, đổ sức ra học?", chị Diễm băn khoăn.
Để ý, chị Diễm mới vỡ òa, hóa ra trên mạng xã hội, nhiều ông bố bà mẹ đều dùng "văn mẫu" phủ nhận công sức, sự khó khăn của con để khoe con như anh chị mình.
Chị Diễm tự hỏi đứa con sẽ nghĩ thế nào khi bố mẹ lên mạng khoe nó "không học hành gì", trong khi các con bò ra học đến 1-2h sáng?
Cô Nguyễn Hoàng Oanh, giáo viên ở TPHCM cho hay, việc phụ huynh khoe con đỗ, điểm cao mà "chẳng học hành gì" phản ánh tâm lý rất kỳ lạ của nhiều người.
Họ không chỉ muốn khoe con giỏi mà muốn nhấn mạnh con thông minh. Những phụ huynh này thường rất mê thành tích, con phải đỗ cái này cái khác nhưng mặt khác lại thường thể hiện muốn nói mình là mẫu bố mẹ hiện đại, văn minh, nuôi con nhàn nhã, không theo guồng ép con , lạc hậu.
Họ ngại phải thừa nhận việc con đỗ vì chăm chỉ, vì đi học thêm, vì học ngày học đêm. Họ khoe con nhưng phía sau đó là khoe chính mình...
Cô Oanh chia sẻ, con cô học lớp 6 trường quốc tế, không ganh đua điểm số, không thi cử mà vẫn phải học hành ngày đêm rất nghiêm túc. Bởi cô hiểu, trên đời này không có kết quả tốt đẹp nào đến từ sự lười biếng, không học hành.
"Khoe điểm con đã không nên, khoe con "con đỗ dù không học hành gì" càng cần tránh. Đó là một kiểu khoe khoang độc hại và cả hợm hĩnh, trịch thượng. Bố mẹ có tâm lý này thì hỏi sao giới trẻ có suy nghĩ không cần chăm chỉ, lao động vẫn có tiền", cô Oanh đưa ra quan điểm.
Mỗi năm học, mỗi kỳ thi, nhiều trường học lại tưng bừng báo cáo tỷ lệ học sinh giỏi, đỗ này đỗ kia. Đi cùng đó còn là đủ kiểu khoe con đỗ trên mạng xã hội của bố mẹ. Trong niềm vui này, có khi người lớn đã phủ nhận hoặc "bỏ quên" những áp lực, khó khăn mà đứa trẻ phải đối diện.
Như nỗi lòng của tiến sĩ Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia phân hiệu TPHCM), khi Facebook tràn ngập việc khoe điểm, khoe giấy khen, thành tích của trẻ, liệu thầy cô, bố mẹ có biết sau mỗi điểm số cao chót vót đó của con, của lớp con còn là bao nỗi chán chường, mệt mỏi, mất định hướng của những đứa trẻ...
Trong bài khoe con đỗ lớp 10, có bà mẹ viết "con hãy viết lên tuổi học trò rực rỡ theo cách của mình", nhưng biết bao nhiêu đứa trẻ đang phải dập khuôn theo cách bố mẹ muốn, theo niềm vui khoe con trên mạng xã hội của bố mẹ?