Không một ai trong số 15.000 người ngồi chật kín Philippe Chatrier hôm thứ Hai vừa qua dám rời khỏi ghế trước khi Rafael Nadal bước vào đường hầm phòng thay đồ và rời khỏi sân trung tâm của Roland Garros.
Ai biết được đó liệu có phải là cuộc chia tay mãi mãi hay không, dù Nadal vẫn chưa đưa ra lời khẳng định chắc chắn.
Một đám đông người hâm mộ tạo nên bầu không khí sôi động để nói lời tạm biệt với tay vợt vĩ đại nhất mà Roland Garros từng chứng kiến.
Nadal hầu như quên mất sự vĩ đại của mình. Tay vợt người Tây Ban Nha thanh thản trước quá nhiều cảm xúc khác nhau. Anh tiến đến giữa sân, chào mọi người rồi đơn giản rời đi.
Vài phút trước, Amelie Mauresmo, giám đốc giải đấu, yêu cầu nhà vô địch của 14 danh hiệu Roland Garros ở lại để trả lời một số câu hỏi. Một diễn biến nằm ngoài quy trình, nhưng được người hâm mộ chào đón.
Trước những giây phút đầy cảm xúc này, Nadal phải dừng bước ngay ở vòng đầu tiên khi thua Alexander Zverev 0-3 (3-6, 6-7[5-7] và 3-6), sau cuộc tranh tài kéo dài 3 giờ và 5 phút.
“Tôi không biết liệu đây có phải là lần cuối cùng của mình hay không, nếu đúng như vậy thì tôi rất thích. Khả năng lớn là tôi sẽ không quay lại, nhưng cũng không thể nói là 100%, vì tôi đang vui”, Nadal bình luận.
Nadal muốn bình thường hóa những cảm xúc quanh mình, khi nhiều khán giả rơi nước mắt, thậm chí ngay cả đội và người thân của anh cũng vậy.
Roland Garros muốn làm lễ chia tay. Nhưng Nadal yêu cầu không thực hiện, không có lời chia tay chính thức nào, cũng không có lời tri ân. Đã có một trận đấu quần vợt, một trận đấu rất hay, và thế là đủ rồi.
Sau nhiều chấn thương hơn bất kỳ tay vợt nào khác phải gánh chịu, từ cơ đến dây chằng và những ca phẫu thuật gần đây, Nadal muốn giành chiến thắng một lần nữa. Anh đã không thể.
Trong những điều kiện khác, và trên hết là trước đối thủ khác, Nadal không phải là không có cơ hội để nâng cao danh hiệu thứ 15 tại Paris.
Nhưng Zverev, người vừa chiến thắng Rome Masters và là hạt giống số 4 giải đấu, chắc chắn là đối thủ khó chịu nhất của Nadal vào thời điểm này. Hơn nữa, trong một ngày rất lạnh, nhiều mưa và mái che đóng kín không phải điều kiện tự nhiên thuận lợi với Rafa.
Cảm xúc bất tận
Trên sân Philippe Chatrier, Nadal biến buổi lễ hoài niệm thành cuộc đọ sức đầy tranh chấp, nghĩa là anh đã có được thứ mình đang tìm kiếm sau hơn một năm không dự Grand Slam.
Giống như những người hâm mộ ở Barcelona, Madrid và Rome làm vài tuần trước đây, khán giả Pháp đến gặp Nadal để cảm ơn và tưởng nhớ những chiến thắng trong quá khứ. Cuối cùng, tất cả không ngừng vỗ tay tán thưởng vì trận đấu của anh, thế thôi.
Điểm đầu tiên của Nadal trong trận đấu, một lỗi không đáng có của Zverev, đã được Philippe Chatrier ăn mừng một cách nhẹ nhàng. Nhưng dần dần, những pha đánh căng thẳng diễn ra, những nắm đấm giơ lên cao, những màn ăn mừng thực sự.
Đặc biệt ấn tượng là set 2, khoảnh khắc đẹp nhất của Nadal - người bước sang tuổi 38 vào ngày 3/6. Với tỷ số dẫn trước 2-1 và hai break point cho Zverev, tay vợt người Tây Ban Nha triển khai nhiều đòn khác nhau, trái tay chéo sân, ace, thuận tay song song và chơi hết mình trong hiệp đấu.
Nadal thậm chí còn bẻ giao bóng của tay vợt người Đức. Kịch tính lên cao theo tiếng hò reo không ngừng của khán giả, Rafa buộc set 2 phải bước vào loạt tie-break.
Trong những tuần trước, Nadal từng nói rằng nếu phải chết, anh muốn điều đó diễn ra ở đây, trên sân trung tâm của Roland Garros, trong những thời khắc quyết định.
Sau hơn một tiếng đồng hồ có phần run chân, Nadal đã có câu trả lời cho Zverev. Anh khiến đối thủ 27 tuổi nhiều lần lo sợ và phải đánh một cách thận trọng, trong khi khán giả Pháp không ngừng giật mình vì những cú đánh gợi lại đỉnh cao của nhà vô địch 22 Grand Slam.
Đối đầu với Zverev đang ở phong độ tốt và khao khát Grand Slam đầu tiên, rõ ràng Roland Garros đã hiểu rằng Nadal không chỉ là nhà vô địch 14 lần, mà còn là hình ảnh, biểu tượng, huyền thoại của giải đấu.
Việc anh không phải người Pháp không còn quan trọng nữa: Roland Garros là Nadal, Nadal là Roland Garros.