Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước trả lời PV.VietNamNet bằng văn bản các thông tin đang thu hút sự chú ý của dư luận về dự thảo Thông tư Quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại.
Rất nhiều ý kiến góp ý về dự thảo Thông tư chưa rõ mục đích và sự cần thiết của việc ban hành Thông tư này. Trong khi đó, Vụ Thị trường trong nước cho rằng đây là nhằm đáp ứng yêu cầu của các địa phương trước sự có mặt của nhiều loại hình hạ tầng thương mại. Vụ Thị trường trong nước có thể nói rõ hơn về những khó khăn của các địa phương khi Quyết định 1371/2004 chưa bao quát hết các loại hình thương mại mới ra đời?
Sau khi Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24 tháng 9 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) về việc ban hành Quy chế Siêu thị, Trung tâm thương mại (Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM ) ra đời, hệ thống siêu thị đã có sự phát triển vượt bậc, hoạt động với nhiều quy mô khác nhau. Giai đoạn 2010-2021, số lượng siêu thị, trung tâm thương mại tăng nhanh.
Nhưng Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM ban hành năm 2004, tới nay cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế.
Cụ thể, về hình thức văn bản: Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 và được sửa đổi, bổ sung năm 2002 thì Quyết định số 1371 là văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, theo Luật Ban hành văn bản năm 2015 thì Quyết định số 1371 không còn là văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, tính pháp lý của Quyết định số 1371 yếu, lạc hậu gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước đối với các loại hình hạ tầng thương mại tại địa phương (phản ánh và kiến nghị của các địa phương).
Qua tổng hợp báo cáo rà soát Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM của các Sở Công Thương (41/63 Sở có báo cáo) cho thấy, đa số các Sở Công Thương (23/41 Sở có báo cáo) đề xuất bãi bỏ Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM và ban hành văn bản có tính quy phạm pháp luật để bảo đảm tính pháp lý cho quản lý nhà nước đối với siêu thị, trung tâm thương mại.
+ Có 03 Sở Công Thương đề xuất Bộ Công Thương kiến nghị Quốc Hội nhanh chóng sửa đổi Luật Thương mại để có căn cứ ban hành quy định quản lý về siêu thị, trung tâm thương mại;
+ 01 Sở đề xuất xây dựng Tiêu chuẩn về siêu thị, trung tâm thương mại;
+ 01 Sở đề xuất xây dựng Quy chuẩn về siêu thị, trung tâm thương mại.
+ Các Sở còn lại (13 Sở) chỉ đề xuất bãi bỏ Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM.
Do được ban hành đã lâu (năm 2004), tới nay nhiều nội dung của Quyết định số 1371 đã bộc lộ một số hạn chế, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về đối tượng quản lý (Điều 1): Quyết định số 1371 mới điều chỉnh việc phân loại đối với 02 loại hình (siêu thị, trung tâm thương mại), các loại hình hạ tầng thương mại mới như cửa hàng tiện lợi, outlet, trung tâm outlet…không thuộc phạm vi điều chỉnh, do vậy cần nghiên cứu, xem xét việc bổ sung những loại hình mới.
Thứ hai, về tiêu chuẩn phân hạng siêu thị (Điều 3): Tiêu chí về danh mục hàng hóa, về diện tích của siêu thị hạng I có những tiêu chí không phù hợp với thực tiễn.
Thứ ba, quy định về chủ thể tham gia kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại phải là doanh nghiệp (Khoản 1, Điều 8): không phù hợp với thực tiễn, do hiện nay các chủ thể khác cũng có khả năng kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại như hợp tác xã hoặc đơn vị trực thuộc doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh hoạt động thương mại.
Thứ tư, quy định trách nhiệm của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) (khoản 1, Điều 9) về xây dựng quy hoạch siêu thị, trung tâm thương mại: không còn phù hợp với pháp luật về Quy hoạch.
Thứ năm, quy định về phê duyệt nội quy của siêu thị, trung tâm thương mại (khoản 3, Điều 9): là chưa phù hợp với Luật Doanh nghiệp (điều 24, Luật Doanh nghiệp quy định về điều lệ công ty).
Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội một số loại hình hạ tầng thương mại mới đã phát triển như cửa hàng tiện lợi, hệ thống siêu thị mini (đã được quy định tại văn bản pháp luật- Nghị định số 09/2018/NĐ-CP) nhưng chưa có tiêu chí xác định các loại hình hạ tầng thương mại này. Ngoài ra còn có một số loại hình hạ tầng thương mại đã phát triển trên thế giới, các nhà đầu tư mong muốn phát triển tại Việt Nam nhưng chưa có quy định nhận dạng các loại hình này như các cửa hàng outlet, trung tâm outlet (Công văn số 1916/SCT-QLTM ngày 05/05/2021 của Sở Công Thương Hà Nội đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn quy định về loại hình kinh doanh outlet).
Trên cơ sở rà soát các Luật, Nghị định số 98/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công Thương, các Nghị định liên quan, để triển khai nhiệm vụ được giao theo Chiến lược phát triển thị trường trong nước và trên cơ sở kiến nghị của các địa phương, Bộ Công Thương đã tiến hành xây dựng dự thảo Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại thay thế Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM.
Nhiều tiêu chí quy định tại dự thảo Thông tư liên quan đến phân loại siêu thị, trung tâm thương mại… không khác so với Quyết định 1371. Có ý kiến cho rằng 18 năm đã thay đổi, các tiêu chí này vì sao vẫn được giữ nguyên? Bà có thể giải thích rõ hơn?
Trên cơ sở tổng hợp, rà soát Quyết định 1371, ý kiến của các Sở Công Thương như đã đề cập ở trên, Bộ Công Thương đã tiến hành xây dựng dự thảo Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại thay thế Quyết định 1371.
Dự thảo Thông tư được xây dựng trên cơ sở tiếp tục kế thừa các quy định hiện còn phù hợp tại Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM và tập trung chỉnh sửa, hoàn thiện các quy định không còn phù hợp với thực tiễn, pháp luật hiện hành, nhất là những hạn chế, bất cập đã được xác định như đã đề cập ở trên.
Đối với các tiêu chí của một số loại hình hạ tầng thương mại, hiện nay chúng tôi vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến để tổng hợp, rà soát, xem xét và hoàn thiện nhằm phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn phát triển.
So với Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM, dự thảo mới đã đưa vào thêm loại hình hạ tầng thương mại là cửa hàng tiện lợi, trung tâm outlet. Đối với các loại hình siêu thị, trung tâm thương mại trước đây đã được quy định, nhiều tiêu chí vẫn đang được áp dụng và chưa có ý kiến phản đối từ phía các doanh nghiệp bán lẻ, tuy nhiên các tiêu chí này cũng đã được rà soát, cập nhật hoàn thiện.
Một số tiêu chí đã được bãi bỏ, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn như:
Quy định về phê duyệt nội quy của siêu thị, trung tâm thương mại (khoản 3, Điều 9): chưa phù hợp với Luật Doanh nghiệp (điều 24, Luật Doanh nghiệp quy định về điều lệ công ty) đã được bãi bỏ;
Quy định về chủ thể kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại đã được điều chỉnh tại Dự thảo Thông tư theo hướng mở rộng hơn, bao gồm các Tổ chức, cá nhân kinh doanh, chứ không giới hạn chỉ có doanh nghiệp như tại Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM.
Hiện nay, Bộ Công Thương vẫn đang trong giai đoạn lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư. Một số ý kiến phản ánh qua báo chí cũng phù hợp với ý kiến góp ý của một số địa phương và Tổ soạn thảo đang trong quá trình tiếp thu, chỉnh sửa.
Bộ Công Thương trân trọng cám ơn các cơ quan báo chí đã giúp chuyển tải Dự thảo Thông tư để các tổ chức/cá nhân quan tâm, đóng góp ý kiến. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện, các tiêu chí không phù hợp sẽ được xem xét, bãi bỏ. Cùng với ý kiến của các tổ chức, cá nhân, tới đây, Tổ soạn thảo cũng sẽ tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, hiệp hội, các tổ chức liên quan… Trên cơ sở đó sẽ hoàn thiện, báo cáo Lãnh đạo Bộ về việc xem xét ban hành Thông tư theo quy định của pháp luật hoặc bãi bỏ Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM nếu nhiều nội dung không còn phù hợp.
Không ít ý kiến phản hồi về VietNamNet đã cho rằng không nên quy định cụ thể chi tiết siêu thị phải bán bao nhiêu danh mục tên hàng, chỗ để xe thế nào, chỗ để đồ cá nhân, khu vui chơi ăn uống… Bởi vì điều này can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vụ Thị trường trong nước có thể giải thích thêm về sự cần thiết duy trì những tiêu chí này?
Như đã nói ở trên, nội dung cơ bản của Dự thảo Thông tư tiếp tục kế thừa các quy định còn phù hợp tại Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM và tập trung chỉnh sửa, hoàn thiện các quy định không còn phù hợp với thực tiễn, pháp luật hiện hành. Đối với các tiêu chí của một số loại hình hạ tầng thương mại hiện nay chúng tôi vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến để tổng hợp, rà soát, xem xét và hoàn thiện.
Đối với tiêu chí “có nơi trông giữ xe”, “chỗ để đồ cá nhân”, đây không phải là các tiêu chí mới, các tiêu chí này đã được quy định tại Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM. Việc quy định “có nơi trông giữ xe” hay “chỗ để đồ cá nhân” nhằm mục đích bảo đảm sự thuận tiện, an toàn cho người tiêu dùng, cho khách hàng trong quá trình mua sắm.
Khi tới siêu thị hay Trung tâm thương mại, không chỉ có các khách hàng trong phạm vi gần, có thể đi bộ tới mua sắm, mà còn có các khách hàng di chuyển đến siêu thị, trung tâm thương mại bẳng các phương tiện khác như ô tô, xe máy…việc tiếp tục duy trì tiêu chí “có nơi trông giữ xe” còn nhằm bảo đảm an toàn trật tự giao thông, văn minh thương mại và phục vụ tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Với các tiện ích, dịch vụ phụ trợ đa dạng được cung cấp tại siêu thị cũng sẽ giúp cho doanh nghiệp có điều kiện để thu hút khách hàng tới thăm quan, mua sắm và giải trí.
Việc xử phạt nếu các đơn vị không đáp ứng tiêu chí tại dự thảo Thông tư đang xây dựng sẽ do đơn vị nào phụ trách? Sở Công Thương địa phương hay quản lý thị trường, thưa bà?
Hành vi vi phạm quy định về quản lý chợ, kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại được quy định cụ thể tại Điều 78, Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo đó các hành vi vi phạm khác nhau thì có mức xử phạt khác nhau, đồng thời tại Chương III, Nghị định 98/2020/NĐ-CP cũng đã quy định về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó đã quy định rõ các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm, đối với ngành công thương thuộc thẩm quyền của lực lượng quản lý thị trường. Về vấn đề này, phóng viên có thể trao đổi với thêm với Tổng cục Quản lý thị trường để nắm rõ hơn.
Xin cảm ơn Vụ Thị trường trong nước đã chia sẻ các thông tin về vấn đề này!