Ngày 6/12, đội điều tra ngộ độc thực phẩm TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã có kết quả điều tra ban đầu vụ ngộ độc khiến 665 người ở Trường iSchool Nha Trang nhập viện, trong đó có 1 học sinh tử vong. Theo lời khai của người giám sát và nhân viên bếp, nguyên liệu cánh gà (thực phẩm gây ngộ độc) được nhập vào chiều 16-11. Sau khi nhập hàng, thực phẩm (còn nguyên thùng) được để trên bàn trong khu vực bếp đến sáng ngày hôm sau thì chế biến món ăn.
Khoảng 7 giờ 30 đến 8 giờ ngày 17-11, sau khi mở thùng nguyên liệu thấy cánh gà chưa rã đông thì nhân viên bếp ngâm trực tiếp thực phẩm trong thau nước để rã đông, trước khi luộc sơ rồi chiên thực phẩm.
Bên cạnh việc nấu chưa chín kỹ, nguồn nguyên liệu không đảm bảo thì rã đông thực phẩm không đúng cách cũng là điều kiện lý tưởng cho vi sinh vật trong thức ăn phát triển gây nhiễm khuẩn thức ăn.
Thịt gà thuộc nhóm thịt trắng, giàu protein chất lượng cao nên vô cùng lành mạnh, được các chuyên gia sức khỏe khuyên dùng vì có tác dụng củng cố xương chắc khỏe, tăng cường trao đổi chất và nâng cao sức khỏe miễn dịch.
Tuy nhiên, thịt gà lại thuộc nhóm thịt gia cầm, loại thịt này chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh và có thể lây truyền sang cơ thể người. Thậm chí, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC Hoa Kỳ) còn xếp thịt gà vào nhóm thực phẩm dễ khiến bạn nhiễm khuẩn hoặc ngộ độc nếu chế biến sai cách.
Đáng nói, việc rã đông thịt gà là điều không phải ai cũng làm đúng. Theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ: Nếu bạn mắc phải các sai lầm khi rã đông thịt gà như để thịt trong nhiệt độ phòng vài giờ trước khi nấu hay ngâm thịt trong nước ấm… thì có thể khiến vi khuẩn phát triển nhanh, tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Sai lầm khi rã đông thịt gà dễ khiến sinh vi khuẩn
1. Rã đông thịt gà ở nhiệt độ phòng
Sau khi lấy thịt gà ra từ tủ đông, nhiều gia đình có thói quen đặt thịt ở khu vực bồn rửa bát, tủ bếp, rồi để thịt tự rã đông ở nhiệt độ phòng.
Tuy nhiên theo chuyên gia dinh dưỡng Julie Harrington (Bệnh viện Johns Hopkins, Mỹ): Thực phẩm rã đông tự nhiên ở nhiệt độ phòng rất dễ hỏng. Nếu thịt được để ở ngoài trong môi trường 32 độ C, quá một tiếng sẽ rất nguy hiểm. Khi lớp đá của thịt tan ra cũng là lúc vi khuẩn xâm nhập rất nhanh. Trong đó có thể bao gồm nhiều vi khuẩn nguy hiểm như tụ cầu khuẩn, Salmonella, E. coli và Campylobacter... Số vi khuẩn này sẽ sinh sôi với cấp số nhân, đến mức nấu chín cũng không thể tiêu diệt độc tố.
2. Ngâm thịt vào nước nóng
Với nhiều gia đình, ngâm thịt vào bát nước nóng là cách rã đông nhanh và hiệu quả nhất. Nhưng thực tế đây là cách làm sai bởi nước nóng sẽ khiến thịt bị mềm nhão, mất chất dinh dưỡng. Thậm chí tạo điều kiện để các vi khuẩn xâm nhập dẫn đến dễ bị ngộ độc.
3. Rã đông thịt sau đó lại cấp đông lại để sử dụng cho lần sau
Theo ThS.BS Dzoãn Thị Tường Vy (Viện Dinh dưỡng lâm sàng), thực phẩm chỉ nên cấp đông một lần vì sau khi rã đông có nguy cơ nhiễm khuẩn rất lớn. Nếu thịt gà được tiếp tục tái đông lạnh thì vi sinh vật có thể phát triển nhiều hơn gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Thịt gà lúc này sẽ không còn tốt nữa thậm chí còn gây ngộ độc thực phẩm.
Bên cạnh đó, mỗi lần rã đông thì chất dinh dưỡng trong thịt sẽ giảm đi vì vậy chúng ta nên sử dụng ngay.
4. Rửa gà dưới vòi nước sau khi rã đông
Cơ quan Dịch vụ Sức khỏe Quốc gia Anh từng cảnh báo thịt gà sống có thể chứa vi khuẩn cực độc là Campylobacter. Nếu thông qua quá trình rửa gà mà để loại vi khuẩn này bám vào đồ ăn, vật dụng hay cơ thể người thì chúng ta có thể đối mặt với các triệu chứng như sốt, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, tiêu chảy và thậm chí tử vong.
Ngoài thói quen rửa gà dưới vòi nước, không ít người còn sử dụng nước ấm để chần sơ qua thịt gà, thói quen này được đánh giá rằng có thể làm mất dinh dưỡng có trong thịt gà, khiến thịt gà co lại và không thể thải các chất độc có trong thịt ra ngoài nữa.
Cách rã đông thịt gà khoa học nhất
- Rã đông thịt: Có 3 cách rã đông thịt an toàn nhất đó là để trong ngăn mát tủ lạnh, trong lò vi sóng và rã đông thịt bằng nước lạnh. Bạn có thể lấy thịt ra khỏi ngăn đá từ ngày hôm trước, để lên ngăn lạnh rã đông. Ngoài ra, khi rã đông thịt trong nước lạnh, bạn nên để chúng trong túi bóng để tránh mất chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, việc rã đông trong lò vi sóng có thể là một lựa chọn nhanh chóng và thuận tiện, nhưng phương pháp này chỉ thực sự hiệu quả đối với các miếng thịt nhỏ, lưu ý ngay sau khi rã đông thịt bằng lò vi sóng thì cần nấu thịt ngay.
- Bảo quản thịt gà: Sau khi mua thịt gà từ cửa hàng thì nên cất vào tủ lạnh ngay, tránh để thịt quá lâu ở bên ngoài. Mặc dù, nhiệt độ tủ lạnh không đủ để tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn Campylobacter nhưng có thể làm giảm số lượng vi khuẩn được sinh sôi.
- Sơ chế thịt gà trước khi nấu: Nếu cảm thấy chưa yên tâm và vẫn muốn rửa thịt gà trước khi nấu, bạn có thể dùng nước muối để rửa thịt, cách này sẽ khiến chất bẩn trong thịt từ từ tiết ra và được làm sạch. Sau đó rửa thịt gà trong 1 chậu nước, đổ phần nước này xuống cống và vệ sinh bồn rửa ngay. Cách này sẽ hạn chế khả năng bắn nước rửa gà ra môi trường nhà bếp. Sau khi rửa gà bằng nước muối cần mang đi chế biến ngay.
Theo Tổ quốc