Quyết tâm lớn của Chính phủ để sớm có 5.000 km đường cao tốc

05/06/2022 08:48

Phát triển hệ thống đường cao tốc được Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt. Mục tiêu đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000 km đường cao tốc đã và đang được quyết tâm thực hiện.

Từ tháng 4/2021 đến nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành sự quan tâm đặc biệt đối với mũi đột phá hạ tầng giao thông khi đã nhiều lần làm việc với Bộ Giao thông vận tải để bàn về đề án Thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Một trong những quan điểm xuyên suốt của Thủ tướng khi chỉ đạo Bộ GTVT xây dựng đề án là việc hoàn thành 5.000km đường cao tốc trong 10 năm tới phải là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm và vinh dự trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Chính vì vậy, cần quyết tâm thực hiện thành công nhiệm vụ được giao với sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, của người dân, ngân hàng và cả hệ thống chính trị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong lần kiểm tra dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (Ảnh: VGP)

Thực tế quá trình đầu tư, xây dựng và phát triển hệ thống đường bộ cao tốc của nước ta giai đoạn 2001 - 2020 và kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới cho thấy, đầu tư phát triển hệ thống đường bộ cao tốc là tất yếu khách quan, tạo động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, các vùng và cả nước; nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, đảm bảo quốc phòng an ninh.

Có thể thấy, tiến độ xây dựng đường cao tốc tại Việt Nam trong 10 năm gần đây có bước tiến lớn khi hoàn thành được 1.074km, gấp 10 lần so với 10 năm trước đó. Mặc dù vậy, để thực hiện được 5.000km thực sự là thách thức lớn trong tổ chức thực hiện, nhất là trong bối cảnh huy động  vốn rất khó khăn. Điều này khiến Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành liên tục có những chỉ đạo từ việc bố trí nguồn vốn, giải phóng mặt bằng, tháo gỡ vướng mắc khi gặp khó khăn về nguyên vật liệu, thậm chí cả việc đốc thúc tiến độ từng dự án.

Đối với 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 -2020 (dài 654km), hiện tại dự án Cao Bồ - Mai Sơn dài 15,2km đã hoàn thành đưa vào khai thác, 10 dự án còn lại vẫn đang được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các bộ ngành, địa phương sớm hoàn thành đưa vào khai thác. Trong đó đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm nay hoàn thành 4 dự án dài 360km (Mai Sơn - quốc lộ 45; Cam Lộ - La Sơn; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây), các dự án còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2023.

Song song với việc triển khai các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 cũng đã được Quốc hội thông qua hồi tháng 1 vừa qua. Dự án dài 729km được chia thành 12 dự án thành phần trên các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau; tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026. Dự án vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công với tổng vốn đầu tư 146.990 tỷ đồng. Dự kiến các dự án sẽ được khởi công vào quý IV năm nay. Bộ GTVT đang phối hợp với các địa phương có dự án đi qua cắm mốc giải phóng mặt bằng, chuẩn bị các điều kiện để khởi công sớm.

Ngoài ra, tại kỳ họp Quốc hội lần này, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội xem xét đầu tư 5 dự án trọng điểm quốc gia có tính liên kết vùng, gồm: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Biên Hòa - Vũng Tàu; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Vành đai 3 TP.HCM; Vành đai 4 vùng Thủ đô. Đây đều là những dự án có tính cấp bách, có vai trò quan trọng làm đòn bẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm.

Gỡ vướng mắc, tạo điều kiện để các dự án sớm hoàn thành
Để các dự án cao tốc được triển khai hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra, khó khăn thách thức là không nhỏ, nhất là trong bối cảnh nguồn lực đầu tư công hạn hẹp, kêu gọi đầu tư BOT bộc lộ những hạn chế chưa thực sự thu hút được các nhà đầu tư.

Các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông 2017 -2020 đang gấp rút triển khai hoàn thành (Ảnh: TTXVN)

Mặc dù vậy, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải có quyết tâm rất cao; nỗ lực phải rất lớn; hành động phải quyết liệt; xác định trọng tâm, trọng điểm cả trong lãnh đạo, chỉ đạo và tập trung nguồn vốn; tổ chức thực hiện phải khoa học, hợp lý, hiệu quả.

Bên cạnh đó, phải rút kinh nghiệm từ những hạn chế, bất cập trong triển khai xây dựng đường cao tốc thời gian trước đây để khắc phục, triển khai tốt hơn đối với các dự án hiện nay và thời gian tới.

Để đảm bảo tiến độ, với các dự án cao tốc mới, theo chỉ đạo xuyên suốt phải đảm bảo mặt bằng sạch thi công. Đây là cơ sở quan trọng để các dự án không bị chậm tiến độ, tăng vốn đầu tư. Với các dự án đang triển khai như cao tốc Bắc Nam phía Đông nổi cộm lên khó khăn khan hiếm nguồn vật liệu. Khó khăn này đã được Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tập trung giải quyết để đảm bảo nguồn đất đắp cho dự án.

Ngoài các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách, các dự án cao tốc còn lại cũng được xác định triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP) là chính, trên nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người dân và chia sẻ rủi ro.

Ngành giao thông phải huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào các dự án vành đai 4 TP Hà Nội, vành đai 3 TP.HCM, đường cao tốc khu vực Đông Nam bộ…

Không lùi bước

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nói rõ, với các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông kiên quyết không lùi tiến độ tổng thể, cũng như tiến độ của từng dự án. Chính phủ cũng đã quyết định cho phép chỉ định thầu xây lắp dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Việc chỉ định thầu được xem là giải pháp tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí cho dự án.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, năm 2022 và cả những năm tới đây, Bộ sẽ dồn toàn lực để hoàn thành cao tốc Bắc - Nam đúng thời hạn. Trách nhiệm nặng nề, áp lực lớn song Bộ quyết tâm làm tốt nhất.


Bài: Gia Văn. Ảnh: Nhật Bắc - Đức Tuấn

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quyết tâm lớn của Chính phủ để sớm có 5.000 km đường cao tốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO