5 nước Ủy viên Thường trực HĐBA gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc có thể sẽ phải giải trình mỗi khi họ dùng tới quyền phủ quyết. (Nguồn: Analyst News) |
Đề xuất do Liechtenstein đưa ra, được khoảng 50 nước công khai ủng hộ. Mỹ là Ủy viên thường trực HĐBA duy nhất ủng hộ đề xuất này, trong khi 4 nước Ủy viên thường trực HĐBA còn lại gồm Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh chưa nêu quan điểm.
Theo nguồn tin ngoại giao, dự kiến, Đại hội đồng LHQ sẽ tiến hành bỏ phiếu thông qua nghị quyết vào ngày 26/4 tới.
Nếu dự thảo nghị quyết được thông qua, 5 nước Ủy viên Thường trực HĐBA gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc phải giải trình mỗi khi họ dùng tới quyền phủ quyết để cản trở HĐBA ra quyết định.
Khi đó, trong vòng 10 ngày kể từ khi một hay nhiều Ủy viên thường trực HĐBA sử dụng quyền phủ quyết, Đại hội đồng LHQ sẽ tổ chức phiên họp toàn thể để thảo luận về vấn đề đã bị quyền phủ quyết ngăn cản.
Nếu nghị quyết dự thảo của Đại hội đồng LHQ được thông qua, đây sẽ là một bước tiến lớn trong công cuộc cải tổ hệ thống LHQ mà Tổng thư ký Antonio Guterres đã nhiều lần kêu gọi nhằm phát huy tối đa khả năng cũng như trách nhiệm và tính minh bạch của HĐBA trong việc đưa ra các quyết định.
Tiến trình cải tổ HĐBA đã được LHQ đưa lên bàn nghị sự nhiều lần, nhưng chưa đi tới được kết quả thực chất trong nhiều năm qua.
Năm 2013, Pháp đưa ra đề xuất các nước Ủy viên Thường trực HĐBA phải tự nguyện hạn chế sử dụng quyền phủ quyết đối với những trường hợp xảy ra tàn sát bạo lực hàng loạt, tuy nhiên đề xuất đó đã không được thông qua.
Sáng kiến mở rộng nhóm nước Ủy viên thường trực HĐBA cũng đã được đưa ra một số lần, nhưng không đạt được kết quả dẫn tới thay đổi. Kể từ khi thành lập LHQ và HĐBA tới nay, quyền phủ quyết đã được sử dụng 295 lần.
Trong cơ chế hiện nay của LHQ, chỉ cần 1 trong 5 nước Ủy viên thường trực HĐBA dùng tới quyền phủ quyết thì cơ quan này không thể ra được quyết sách gì, cho dù đối với vấn đề khẩn cấp.
Việc bỏ phiếu nghị quyết về quyền phủ quyết của HĐBA được đưa ra trong bối cảnh cơ quan này không thể ra được nghị quyết hay quyết sách nào kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra.