Sáng 19/4, tại hội nghị triển khai công tác từ nay tới cuối năm 2022 do Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) tổ chức, ông Nguyễn Văn Hòa - Quyền Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TPHCM cho biết dù hoàn thành cả 2 chỉ tiêu về số tiền và số việc (tổng số tiền phải thi hành trên 108.000 tỷ đồng và đã thi hành xong trên 15.000 tỷ đồng) nhưng tính ổn định, lâu dài có nhiều vấn đề cần được quan tâm, chỉ đạo sâu sắc hơn.
Theo ông Hòa, vừa qua cơ quan này đã chú tâm theo dõi các dư luận về đấu giá và bán đấu giá tài sản. Từ thực tiễn đó nổi lên một số vấn đề cần được Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự quan tâm.
"Thứ nhất, giữa những người tham gia đấu giá có mối quan hệ nhân thân ngay trong một hộ khẩu, chứng minh nhân dân. Từ một hộ khẩu tách ra hoặc có quan hệ trong hồ sơ gốc. Thứ hai là quản lý về dòng tiền: Từ một tài khoản chuyển vào các tài khoản tham gia đấu giá, từ một tài khoản của người tham gia đấu giá chuyển đi các tài khoản khác để tham gia đấu giá. Thứ ba, tiền khi trúng đấu giá chuyển về cơ quan thi hành án thì không phải từ cơ quan đấu giá"- ông Hòa nêu thực tế.
Chính vì thế, Cục Thi hành án dân sự TPHCM đã chỉ đạo và yêu cầu kiểm tra dòng tiền trước khi tổ chức đấu giá tài sản.
Ngay trong tháng 4, cơ quan này sẽ làm việc với các đơn vị có hoạt động bán đấu giá ở TPHCM, tập trung vào những vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng, các ngân hàng lớn.
"Công tác đấu giá tài sản công, đất đai, tài sản thi hành án tương đối nóng nên phải nhận thức tương đối đầy đủ. Chúng tôi hi vọng hoạt động đấu giá sẽ bài bản, nề nếp và tránh được tiêu cực"- ông Hòa nói.
Một thực tế đang gặp vướng mắc lớn hiện nay ở TPHCM là các đối tượng trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đã dùng tiền tham nhũng để mua đất đai, đất nông nghiệp làm dự án. Án tuyên phát mãi tài sản, nhưng diện tích đất rất lớn, gồm rất nhiều thửa đất riêng lẻ, rất nhiều giấy chứng nhận nên nếu bán riêng lẻ thì trị giá rất thấp. Bán gộp lại thì trị giá cao gấp nhiều lần nhưng cơ quan thi hành án không thể tự quyết định được.
"Xuất phát, nguồn gốc của án tham nhũng, kinh tế là đương sự lấy tiền này làm dự án về bất động sản, phát mãi riêng lẻ thế có phù hợp hay không?. Cái này cần phải có thống nhất ở Trung ương, không thì làm xong lại nói giá thấp, giá cao thì rất khó khăn"- Hòa phân tích.
Dẫn ra thông tin đang thiếu 80 biên chế so với chỉ tiêu được cấp, lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự TPHCM đề nghị được dùng cơ chế tuyển dụng người ngoài ngành cho đủ. Việc này cực kỳ quan trọng khi án tham nhũng đang tăng đột biến.
"Trong tháng này chúng tôi thụ lý 5 vụ việc, số tiền khoảng 8.000 tỷ đồng, 200 bất động sản. Với số lượng chấp hành viên của TPHCM hiện nay thì cực kỳ quá tải. Nhân sự khó khăn nên cần có sự quan tâm trao đổi cụ thể, có cuộc họp về giải pháp cho công tác thu hồi tài sản. Trong năm nay thì nó khủng khiếp cỡ nào, chắc chắn chúng tôi quá tải. Nếu không có sự quan tâm kịp thời thì chúng tôi vẫn nói là vỡ trận. Nên cần có sự quan tâm hơn"- ông Hòa cảnh báo.
Cũng tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đã "truy gắt" trách nhiệm của lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự Hà Nội trong việc để xảy ra kết quả thi hành án đạt tỷ lệ thấp, diễn ra nhiều năm liền.
"Chi cục trưởng nào không chỉ đạo, không sát sao, không hiệu quả, đề xuất thay. Chấp hành viên nào không làm thì đề xuất miễn nhiệm. Biên chế đông mà không làm, ngồi đó nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm thì khi xử lý vi phạm còn phức tạp, mệt mỏi hơn"- ông Mai Lương Khôi nêu yêu cầu với Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội
Tự phân lô, tách thửa trái pháp luật để bán cho 4.361 bị hại
Kết luận điều tra bổ sung lần 4 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đề nghị truy tố Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba), Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng giám đốc Công ty Alibaba, em ruột Luyện) và 18 bị can khác về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo kết luận điều tra, Nguyễn Thái Luyện và các đồng phạm đã thành lập 22 pháp nhân, vẽ ra 58 dự án bất động sản không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận, tự phân lô, tách thửa trái pháp luật để bán cho 4.361 bị hại, chiếm đoạt số tiền 2.264 tỉ đồng.
Luyện dùng một ít tiền cá nhân và phần lớn tiền chiếm đoạt được từ khách hàng, chỉ đạo người thân, nhân viên thân tín đứng tên nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp với số lượng lớn, tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận.
Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đã kê biên các bất động sản tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu... với tổng diện tích là 452,91ha đất nông nghiệp và đất thổ cư; 23 ôtô; 272 miếng vàng…