Lấy người bệnh làm trung tâm trong khám chữa bệnh
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Trưởng ban soạn thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), mục tiêu xây dựng Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
"Dự luật sửa đổi lần này lấy người bệnh làm trung tâm; tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao và phù hợp với thông lệ quốc tế", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân.
Đổi mới cơ chế để bảo đảm quyền của người bệnh gắn với trách nhiệm của người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cũng như quyền của người hành nghề, của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gắn với trách nhiệm của người bệnh và thân nhân người bệnh.
Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh cho rằng, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã thể chế hóa được quan điểm, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, chính sách dân tộc cũng như đã lồng ghép vấn đề bình đẳng giới theo quy định; phần lớn nội dung Hồ sơ dự án Luật đã được hoàn thiện, bổ sung theo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 8.
Uỷ ban Xã hội đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục tiến hành tổng kết và bổ sung đánh giá tác động, đặc biệt là về nguồn nhân lực và tài chính, đối với những chính sách có thay đổi về nội dung hoặc phát sinh nội dung mới của dự án Luật; rà soát, đánh giá đầy đủ về thủ tục hành chính đối với từng đối tượng chịu sự tác động; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đảm bảo yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, cải cách thể chế.
Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện trình Quốc hội
Thường trực Ủy ban Xã hội thống nhất rằng, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật, đặc biệt là báo cáo đánh giá tác động, làm rõ các nội dung đã được nêu tại Báo cáo thẩm tra và gửi kèm theo dự thảo văn bản quy định chi tiết.
Thảo luận tại Phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới tán thành với quy định phải bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở khám chữa bệnh và an toàn cho nhân viên y tế. Đồng thời, ngành y tế cần liên kết thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an bằng việc quét dấu vân tay của bệnh nhân trong cơ sở khám, chữa bệnh để có đủ thông tin về nhân thân của bệnh nhân, nhất là đối với đối tượng phạm tội.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Nguyễn Phú Cường đề nghị xem xét lại quy định người nhà phải ký cam kết không khiếu nại cơ sở y tế trước khi tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. "Tôi và đại diện Ban Bảo vệ sức khoẻ đã phải ký cam kết không khiếu nại cho một đồng chí lãnh đạo tỉnh trước khi cơ sở y tế can thiệp phẫu thuật", ông Cường nêu thực tế.
Giải trình minh bạch, cơ chế giám sát và đánh giá dịch vụ khám chữa bệnh
Cho ý kiến về dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, dự thảo luật có thay đổi tích cực, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các chính sách lớn, ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia, cập nhật nhiều vấn đề lớn phát sinh, nhất là trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19, dự luật đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022).
Về yêu cầu chung, Chủ tịch Quốc hội mong muốn dự luật thể chế hoá đầy đủ hơn nữa các nghị quyết của Đảng về tăng cường bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới. Đó là, phát triển đồng bộ, bình đẳng về chuyển giao chuyên môn, kỹ thuật giữa các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và tư nhân; bảo đảm công bằng giữa cơ sở khám, chữa bệnh công và tư nhân trong cung cấp dịch vụ y tế; các loại hình khám chữa bệnh khác nhau như khám, chữa bệnh nhân đạo, không thu tiền hoặc theo nhu cầu người bệnh…
"Cần thể chế hoá chủ trương về xã hội hoá trong công tác khám chữa bệnh, phát huy tốt vai trò của tổ chức xã hội nghề nghiệp ngành y trong khám, chữa bệnh, rà soát làm rõ hơn vai trò của các hội chuyên môn nghề nghiệp y khoa trong việc đào tạo, cấp chứng chỉ đối với người hành nghề", Chủ tịch Quốc hội nói.
Đồng thời, dự thảo sửa đổi lần này phải giải quyết được các vấn đề như tình trạng đẩy giá dịch vụ lên cao, dồn người bệnh lên tuyến trên gây quá tải, lạm dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật cao, thiếu kiểm soát trong tự chủ đối với cơ sở y tế để không dẫn đến nhiều sai phạm trong mua sắm vật tư, thuốc men; công khai minh bạch những việc không được làm để thầy thuốc yên tâm tập trung chuyên môn.
"Có cơ chế bảo vệ thầy thuốc trước nguy cơ vi phạm y đức và thương mại hoá trong y tế, cơ chế giải trình minh bạch, cơ chế giám sát và đánh giá dịch vụ khám, chữa bệnh, tuân thủ khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về hệ thống khám, chữa bệnh, thực thi hành động toàn cầu về an toàn cho bệnh nhân", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Chủ tịch Vương Đình Huệ cũng đề nghị làm rõ một số vấn đề lớn như khái niệm về giá dịch vụ y tế, khung giá dịch vụ cho cả cơ sở công và tư cho phù hợp; vai trò của bộ, ngành và Hội đồng nhân dân địa phương trong quyết định giá dịch vụ y tế, cơ chế giám sát; đánh giá giá dịch vụ khám chữa bệnh phải bảo đảm tính độc lập, khách quan, việc chứng nhận, công nhận và xếp hạng cơ sở khám chữa bệnh; cơ chế bảo vệ nhân viên y tế trong quá trình hành nghề bởi đây là ngành nghề có nhiều rủi ro…
Lê Sơn