Xã hội ngày nay tiềm ẩn không ít những mối nguy hiểm đối với trẻ em. Một trong số đó là bị kẻ xấu lợi dụng, xâm hại, lạm dụng tình dục, tấn công, bắt cóc… Mặc dù các cha mẹ tự nhủ phải đề cao cảnh giác, nhưng sự thật là chúng ta không thể ở bên cạnh con 24/24 để bảo vệ. Chính vì thế, cách tốt nhất là cha mẹ hãy dạy con những kỹ năng tự vệ căn bản, để con đối phó với những tình huống nguy hiểm.
1. Không tiết lộ thông tin cá nhân
Cha mẹ thường dạy con cách ghi nhớ 1 vài thông tin cá nhân, gia đình (địa chỉ nhà, số điện thoại, tên bố mẹ...) để phòng những trường hợp bất trắc như khi con lạc đường. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại quên mất không dạy con phải giữ bí mật điều này và chỉ cung cấp cho những ai con cảm thấy có thể tin tưởng. Vì vậy, hãy dạy cho trẻ biết những trường hợp nào, đối tượng nào con có thể tin tưởng và cung cấp thông tin cá nhân. Những đối tượng nào có thể giả danh, chiếm lòng tin và hay tiếp cận trẻ để thực hiện mục đích xấu.
2. Không cho ai chạm vào vùng nhạy cảm trên cơ thể
Kỹ năng sống đầu tiên mà cha mẹ nên dạy cho trẻ, đó là kiến thức về giới tính. 4 vùng nhạy cảm trên cơ thể là: miệng, ngực, vùng giữa hai đùi và mông. Tất cả những bộ phận này cần được giữ kín, không cho bất kỳ ai chạm vào. Nếu họ cố tình tiếp cận, trẻ hoàn toàn có thể đẩy ra, kêu lên và yêu cầu sự giúp đỡ.
3. Không chạm vào vùng nhạy cảm của người khác
Bên cạnh việc bảo vệ vùng nhạy cảm của bản thân, cha mẹ cần dạy con không được chạm vào vùng nhạy cảm của người khác, nhất là với người khác giới. Không được tò mò về những thứ riêng tư của người lạ để tránh bị dụ dỗ, lợi dụng, hay vô tình kích thích thú tính của những kẻ xấu.
4. Không nói chuyện, gần gũi với người lạ
Người lạ mặt có thể mượn cớ đến hỏi đường, bắt chuyện làm quen, giả danh là người quen của cha mẹ... để tiếp cận trẻ. Cha mẹ hãy dạy trẻ giữ khoảng cách an toàn, tối thiểu 2 mét, không đứng nói chuyện quá lâu với người lạ. Không nhận đồ ăn, đồ chơi từ người lạ. Đặc biệt, không đi theo người lạ vì bất cứ lý do gì. Không đi chung thang máy hay lên xe của người lạ, hoặc đi đến những nơi vắng vẻ, những nơi tối tăm, kín đáo.
5. Không ra ngoài một mình
Trẻ rất hiếu động và luôn bị thu hút bởi những thứ mới lạ, hấp dẫn, đôi khi là đồ ăn... Cha mẹ hãy cảnh báo nguy hiểm cho con, chỉ cho con biết những nguy cơ có thể gặp phải nếu ra ngoài một mình.
Dạy con không nhận bất cứ đồ gì từ người lạ, khi chưa có sự đồng ý của cha mẹ, người lớn.
6. Không cho người lạ mặt vào nhà
Kẻ xấu có thể giả danh là thợ sửa điện, sửa ống nước, nhân viên thu tiền… Hãy dạy trẻ cách đề phòng, không được tùy tiện cho người khác vào nhà, nhất là khi trẻ đang ở 1 mình. Ngay cả với những người quen như hàng xóm, bạn bè của bố mẹ… cũng cần xác minh thông tin với bố mẹ trước khi mở cửa cho họ vào.
7. Không giấu bố mẹ bất cứ điều gì
Nhiều trẻ khi bị người lớn dọa dẫm, lợi dụng, xâm hại nhưng lại im lặng và không dám nói với bố mẹ. Con sợ bố mẹ sẽ mắng, đánh đòn mình hoặc tâm lý xấu hổ, ngại ngùng khi nói ra. Chính vì vậy ngoài việc dạy con phải trung thực, không giấu bố mẹ điều gì, phụ huynh cũng cần quan tâm, gần gũi con. Có như vậy bé mới tin tưởng mà trải lòng.
8. Không sợ hãi
Khi bị kẻ xấu lợi dụng, xâm hại hoặc lạm dụng tình dục, con cần bình tĩnh, không sợ hãi. Có như vậy bé mới giải quyết được vấn đề của mình. Hãy dạy trẻ phải biết xua tay không tiếp xúc hoặc nếu cần, phải biết hét to để cầu cứu, báo động và bỏ chạy nếu những người xa lạ tiến lại gần và có những cử chỉ thân mật khiến con bất an, khó chịu.
Dạy trẻ không nhận đồ, bánh kẹo hay bất cứ vật gì từ người lạ.
9. Cần dạy trẻ cách chạy thật nhanh hoặc nhờ sự giúp đỡ của người khác
Phòng trường hợp không may xảy ra, cha mẹ nên đưa ra các giả thuyết và hướng dẫn trẻ chạy trốn khỏi nguy hiểm. Hãy dạy con cách tự giải cứu mình, cách tìm sơ hở của kẻ xấu. Và khi thoát khỏi nguy hiểm, con cần chạy thật nhanh hoặc la hét thật lớn, cầu cứu người xung quanh.
Nên chú ý rằng do sự chênh lệch về sức khỏe nên mọi sự phản kháng của trẻ gần như không đem lại kết quả, thậm chí còn khiến kẻ xấu sử dụng những biện pháp bạo lực hơn. Vì vậy, chỉ có thể dùng sự thông minh và những kỹ năng mới có thể giúp trẻ thoát thân an toàn.
10. Cần học quy tắc bàn tay giao tiếp
Bàn tay của bé có 5 ngón và cũng được chia thành 5 vòng tròn giao tiếp. Cha mẹ có thể dạy con xác định được 5 nhóm người thường gặp trong cuộc sống hàng ngày, từ đó đưa ra định hướng giao tiếp phù hợp, giúp trẻ tránh bị lạm dụng, mua chuộc hay xâm hại tình dục.
Vòng 1: Ôm hôn, dùng với người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột.
Vòng 2: Nắm tay, khoác tay: Với bạn bè, thầy cô, họ hàng.
Vòng 3: Bắt tay: Khi gặp người quen.
Vòng 4: Vẫy tay: Nếu đó là người lạ.
Vòng 5: Xua tay không tiếp xúc, thậm chí hét to và bỏ chạy nếu những người xa lạ mà bé cảm thấy bất an, tiến lại gần và có cử chỉ thân mật.
Theo Phụ nữ Việt Nam