Quy hoach sử dụng đất phải tiếp cận nguyên tắc thị trường và phát triển bền vững

29/10/2021 17:29

Chiều 29/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày Tờ trình của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025.



Nhu cầu sử dụng đất để phát triển phải dựa trên sự cân bằng và khả năng cung ứng của hệ thái. Ảnh: VGP/ Nhật Bắc.
Quy hoạch sử dụng đất phải bảo đảm tầm nhìn dài hạn, tổng thể

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch tài nguyên đặc biệt, phải đảm bảo có tầm nhìn dài hạn, tổng thể, đáp ứng các mục tiêu của Chiến lược phát triển KT-XH đất nước phát triển nhanh, bền vững; phải đi trước một bước, làm cơ sở cho quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất (quy hoạch xây dựng, quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy hoạch hạ tầng, quy hoạch tỉnh) đảm bảo tính liên vùng, liên tỉnh, kết nối giao thông, hành lang kinh tế ven biển; gắn kết hữu cơ giữa đô thị và nông thôn; giữa yêu cầu công nghiệp hóa với nhu cầu đô thị hóa trên bình diện quốc gia và từng địa phương.

Do đó, phải bảo đảm thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tạo động lực phát triển KT-XH, văn hóa, củng cố quốc phòng, an ninh; đảm bảo an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, tỷ lệ che phủ rừng; bảo vệ các hệ sinh thái, di tích, di sản, danh lam thắng cảnh; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nhất là nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; định hướng cho không gian phát triển, khai hoang, lấn biển.

Quy hoạch phải tiếp cận nguyên tắc thị trường và phát triển bền vững, mọi nhu cầu sử dụng đất để phát triển KT-XH phải dựa trên sự cân bằng và khả năng cung ứng của hệ sinh thái, bảo vệ, phục hồi đất bị suy thoái, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; được phân kỳ để sử dụng hợp lý, bền vững, tiết kiệm, hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, mục tiêu của quy hoạch sử dụng đất đáp ứng các mục tiêu: Đảm bảo quỹ đất cho thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH của đất nước; tạo nền tảng để đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; phân bổ hợp lý đất đai cho các ngành, các địa phương phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đáp ứng yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển văn hóa xã hội, bảo vệ các hệ sinh thái, giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa; đảm bảo độ che phủ rừng ổn định ở mức 42-43%... kết nối các hành lang kinh tế, vùng động lực; khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng; cải tạo, phục hồi diện tích đất bị thoái hóa gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định tầm nhìn đến năm 2050: Tài nguyên đất được sử dụng hiệu quả, đáp ứng mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá; thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ và phát triển đô thị hiện đại, xanh, văn minh... hoàn thành mục tiêu trở thành một nước phát triển, thu nhập cao với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Không gian sử dụng đất được phân bổ dựa trên tiềm năng của các vùng sinh thái nông nghiệp, lợi thế hành lang kinh tế ven biển và 6 vùng KT-XH, đảm bảo cân đối được yêu cầu an ninh lương thực, mục tiêu thiên niên kỷ về môi trường, văn hóa, quốc phòng, an ninh; đảm bảo cân bằng của hệ sinh thái tự nhiên.

Giảm đất nông nghiệp, tăng đất công nghiệp

Về phương án quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết chỉ tiêu đất nông nghiệp được Quốc hội quyết định đến năm 2020 của cả nước là 27,04 triệu ha. Thực hiện quy hoạch được phê duyệt, cả nước đã chú trọng công tác bảo vệ, quản lý đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất trồng lúa; thực hiện tốt việc khai hoang, phục hóa; năm 2020, diện tích đất nông nghiệp có 27,98 triệu ha đảm bảo chỉ tiêu Quốc hội quyết định. Để đáp ứng mục tiêu an ninh lương thực quốc gia, đảm bảo độ che phủ rừng đạt 42-43% và tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp quy hoạch đến năm 2030 có 27,73 triệu ha, giảm 251.220 ha.

Về đất trồng lúa, trong 10 năm qua giảm 202.930 ha, chủ yếu tại vùng Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long để chuyển sang trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển hạ tầng, đô thị, công nghiệp, dịch vụ... Năm 2020, cả nước có 3,92 triệu ha đất trồng lúa, trong đó đất chuyên trồng lúa nước (hai vụ lúa) có 3,18 triệu ha đảm bảo chỉ tiêu Quốc hội quyết định. Để đảm bảo an ninh lương thực theo Kết luận số 81-KL/TW của Bộ Chính trị và trên cơ sở quy mô dân số, phương pháp dự báo của FAO về an ninh lương thực, quy hoạch đến 2030, diện tích đất trồng lúa và lúa kết hợp với các cây lương thực có 3,568 triệu ha, giảm 349 nghìn ha.

Về đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng và đất rừng sản xuất, năm 2020, cả nước có 15,40 triệu ha đất lâm nghiệp, trong đó đất rừng phòng hộ 5,12 triệu ha, đất rừng đặc dụng 2,29 triệu ha và đất rừng sản xuất 7,99 triệu ha. Để đảm bảo tỉ lệ che phủ rừng đến năm 2030 ổn định ở mức 42% theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, quy hoạch diện tích đất lâm nghiệp đến năm 2030 xác định là 15,85 triệu ha (chiếm 47,83% diện tích tự nhiên), đảm bảo yêu cầu phòng hộ, bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sinh thái.

Đất phi nông nghiệp, trong 10 năm vừa qua, diện tích đất phi nông nghiệp tăng 226.040 ha, năm 2020 có 3,93 triệu ha. Trong thời kỳ 2021-2030 đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển hạ tầng đồng bộ quy hoạch đất phi nông nghiệp đến năm 2030 là 4,90 triệu ha, trong đó:

Đất khu công nghiệp, chỉ tiêu được Quốc hội quyết định đến năm 2020 là 191.420 ha, thực hiện được 90.830 ha (đạt 47,45%). Với mục tiêu đến năm 2030 đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, tỷ trọng khu vực công nghiệp chiếm 40% GDP, trong quy hoạch sử dụng đất tiếp tục ưu tiên dành quỹ đất cho phát triển các khu công nghiệp. Đến năm 2030 có 210.930 ha, tăng 120.100 ha so với năm 2020.

6 giải pháp thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Về giải pháp thực hiện, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh 6 giải pháp cơ bản.

Một là, về chính sách: Hoàn thiện chính sách điều tiết các nguồn thu từ đất để cân đối, phân phối hợp lý tạo nguồn lực phát triển đồng đều;tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch; cho phép linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, không làm thay đổi tính chất lý hóa của đất có thể chuyển đổi trở lại trồng lúa khi cần thiết. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, phân công, phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát. Hoàn thiện thể chế tăng cường giám sát, kiểm tra việc xây dựng, tổ chức thực hiện, công khai quy hoạch; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và của nhân dân.

Hai là, về khoa học và công nghệ: Đẩy nhanh chuyển đổi số, xây dựng, vận hành hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung. Ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS trong việc giám sát thực hiện quy hoạch.

Ba là, về nguồn lực: Ưu tiên đầu tư công cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt trong 5 năm đầu kỳ để dẫn dắt đầu tư tư nhân; tạo quỹ đất phụ cận của các công trình để đấu giá quyền sử dụng đất, phát huy nguồn lực đất đai.

Bốn là, về ứng phó với biển đổi khí hậu, phục hồi quỹ đất bị suy thoái: Khai hoang, phục hóa phát triển diện tích rừng trên đất chưa sử dụng, đất bãi bồi ven sông ven biển; phát triển cây xanh đô thị, thúc đẩy, phát triển đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất theo mô hình tuần hoàn, ít phát thải; phát triển các khu xử lý, tái chế rác thải liên vùng, liên tỉnh.

Năm là, về kiểm tra, giám sát: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát. Thực hiện giám sát thường xuyên quy hoạch bằng các công nghệ hiện đại.

Sáu là, về tuyên truyền, phổ biến: Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức; công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Lê Sơn

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Quy hoach sử dụng đất phải tiếp cận nguyên tắc thị trường và phát triển bền vững
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO