Theo quy định quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn Hà Nội vừa được ban hành (có hiệu lực từ 15/3), thành phố đầu tư, phát triển cây xanh đô thị và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển vườn ươm, công viên, cây xanh; trồng, chăm sóc, quản lý, duy trì và bảo vệ cây xanh đô thị.
Khi sửa chữa, cải tạo, nâng cấp đường đô thị, các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, chủ đầu tư phải lựa chọn phương án tối ưu nhằm hạn chế việc chặt hạ cây, dịch chuyển cây xanh hiện hữu trên vỉa hè, dải phân cách.
Chủ đầu tư công trình phải gửi phương án xử lý cây xanh hiện hữu đến cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành theo phân cấp quản lý để xem xét, có ý kiến cấp phép trước khi triển khai thực hiện.
Sở Văn hóa và Thể thao, UBND cấp huyện khi cấp phép lắp đặt biển quảng cáo, biển hiệu (trừ biển báo giao thông) thuộc dải phân cách có cây xanh, công viên, vườn hoa, thảm cỏ phải có ý kiến thống nhất với cơ quan chuyên ngành theo phân cấp trước khi tổ chức thực hiện.
Sở Xây dựng Hà Nội là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đối với toàn bộ hệ thống cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố; tổ chức thực hiện công tác trồng mới cây xanh đô thị, quản lý, duy trì, chăm sóc, bảo tồn hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa và cấp phép chặt hạ, dịch chuyển đối với các cây xanh đô thị theo danh mục thuộc cấp thành phố quản lý.
Đáng chú ý, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh thuộc danh mục cây xanh do UBND thành phố quản lý.
UBND cấp huyện cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh trên địa bàn hành chính quản lý trừ danh mục cây xanh do UBND TP Hà Nội quản lý.
Phải đề xuất địa điểm trồng lại cây xanh sau dịch chuyển
Việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh phục vụ các công trình, dự án được thực hiện theo tiến độ của công trình, dự án. Trong đó, phương án xử lý cây xanh phải xây dựng trên cơ sở các tiêu chí, tiêu chuẩn về chặt hạ, dịch chuyển cây xanh theo phân loại quản lý hiện hành; đề xuất địa điểm trồng lại cây xanh sau dịch chuyển trước khi trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
Trong trường hợp chặt hạ, dịch chuyển theo yêu cầu của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thì ngoài việc tuân thủ các quy định, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đề nghị phải thực hiện bồi hoàn theo quy định và chịu mọi chi phí cho việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh, cây trồng mới (nếu đủ điều kiện).
Trường hợp đột xuất cần chặt hạ, dịch chuyển cây xanh ngay do tình thế khẩn cấp, thiên tai, cây xanh có nguy cơ gãy, đổ gây nguy hiểm, cây xanh đã bị gẫy, đổ đột ngột ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an toàn cho người, tài sản khác thì đơn vị được giao quản lý trực tiếp thực hiện việc chăm sóc, duy trì cây xanh phối hợp với UBND cấp xã lập biên bản, thực hiện việc chặt hạ, dịch chuyển và lập hồ sơ báo cáo cơ quan quản lý cây xanh theo phân cấp.