Như Dân trí đã đưa tin, vào ngày 10/7, nhiều người dùng internet tại Việt Nam bất ngờ phát hiện hình ảnh lá cờ Việt Nam khổng lồ bằng sứ, được lắp trên đảo Trường Sa Lớn
Trước phản ứng mạnh mẽ của dư luận, đại diện của Google đã khiến lá cờ khổng lồ của Việt Nam trên đảo Trường Sa Lớn bị làm mờ là do chất lượng ảnh chụp được cung cấp bởi các đối tác bên thứ ba không được tốt.
Google cũng cam kết tiến hành những bước cần thiết để thay thế bằng hình ảnh có chất lượng tốt hơn để phục hồi lá quốc kỳ của Việt Nam tại đảo Trường Sa Lớn trên 2 ứng dụng Maps và Earth.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tức là 3 ngày sau khi lá quốc kỳ khổng lồ của Việt Nam bị làm mờ, tình trạng vẫn chưa được khắc phục. Người dùng khi truy cập vào "tọa độ tự hào" trên Google Maps và Earth vẫn chưa thấy hình ảnh lá quốc kỳ khổng lồ xuất hiện.
Trong khi đó, nếu truy cập vào cùng tọa độ bằng ứng dụng Apple Maps, hình ảnh lá quốc kỳ Việt Nam vẫn xuất hiện bình thường.
Sau lời giải thích của Google, nhiều người cho rằng rất có thể Google đã bị "oan", khi bức ảnh chụp vệ tinh đảo Trường Sa Lớn đã bị chụp thừa sáng, khiến những vật thể có màu sắc nổi bật bị lóa và không nhìn rõ, cụ thể ở đây là lá cờ Việt Nam bằng sứ lắp trên đảo.
"Chất liệu sứ thường có khả năng phản quang tốt hơn, đó là lý do vì sao lá cờ bằng sứ lại bị mờ khi chụp thừa sáng vào buổi trưa nắng, trong khi những ngôi nhà lợp tôn đỏ xung quanh ít bị ảnh hưởng hơn trong bức ảnh chụp trên Google Maps", một người dùng Facebook bình luận.
Tuy nhiên, ý kiến này đã bị nhiều cư dân mạng khác phản bác. Một số người đã sử dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh để hạ độ sáng và điều chỉnh lại độ tương phản, nhưng chi tiết trên lá cờ cũng không hề xuất hiện.
Hình ảnh vệ tinh trên Google Maps được cập nhật thường xuyên như thế nào?
Những hình ảnh vệ tinh sử dụng trên ứng dụng bản đồ Google Maps và Earth không phải do chính Google chụp, mà được Google thu thập từ các đối tác bên thứ 3, được chụp bằng vệ tinh địa tĩnh và cả những máy bay không người lái.
Google có quyền xử lý các hình ảnh trước khi đưa lên ứng dụng bản đồ của hãng. Những hình ảnh vệ tinh này sẽ được chụp và thay đổi liên tục trên dịch vụ bản đồ của Google.
Google không có lịch trình cập nhật cố định hình ảnh vệ tinh cho Google Maps và Earth. Hãng cũng không công bố thông tin về thời điểm cập nhật hình ảnh vệ tinh cho công chúng.
Tuy nhiên, ở những khu vực đông dân cư như tại các thành phố lớn, Google Maps và Earth sẽ cập nhật ảnh chụp vệ tinh thường xuyên hơn, đôi khi cập nhật ảnh mới hàng tuần. Đối với những khu vực xa xôi hoặc cô lập, tần suất cập nhật ảnh chụp vệ tinh có thể mất vài tháng hoặc thậm chí lên đến hàng năm.
Dù vậy, Google hoàn toàn có thể đẩy nhanh tốc độ cập nhật hình ảnh vệ tinh trên dịch vụ bản đồ của mình nếu xảy ra một sự việc đủ quan trọng, chẳng hạn một vùng đất mới mọc lên hàng chục ngôi nhà hoặc một dự án xây dựng lớn trên bãi đất trống…
Quay lại trường hợp quốc kỳ Việt Nam tại đảo Trường Sa Lớn bị mờ mà theo Google là do "chất lượng ảnh kém" khiến dư luận bất bình, Google hoàn toàn có thể cập nhật sớm ảnh chụp vệ tinh mới nhất tại khu vực này hoặc sử dụng lại một hình ảnh gần nhất vẫn còn xuất hiện lá quốc kỳ của Việt Nam để nhanh chóng phục hồi lại hình ảnh lá cờ trên Google Maps và Earth.
Tuy nhiên, có vẻ như "gã khổng lồ tìm kiếm" đã không lựa chọn giải pháp này.