Quốc hội thảo luận dự Luật Đất đai, hàng loạt vấn đề chưa "ngã ngũ"

Hoài Thu| 03/11/2023 06:28

Nhiều nội dung lớn đã được hoàn thiện trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, song nhiều chính sách quan trọng chưa có phương án tối ưu. 2 nội dung còn trình 3 phương án, 14 nội trung trình 2 phương án.

Nhận định này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra trong Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Hôm nay (3/11), Quốc hội dành trọn một ngày thảo luận trên hội trường để bàn về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều nội dung lớn đã được chỉnh sửa, hoàn thiện thêm. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu; trong quá trình rà soát tiếp tục phát sinh các vấn đề chính sách mới có ý kiến khác nhau. Thống kê cho thấy có 2 nội dung còn thiết kế 3 phương án và 14 nội dung trình lên 2 phương án.

Đề nghị tách bạch dự án phát triển kinh tế với dự án công cộng

"Quá trình rà soát, hoàn thiện các phương án chính sách quan trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến tham gia và toàn bộ dự thảo Luật sẽ cần nhiều thời gian để bảo đảm chất lượng tốt nhất có thể của dự án Luật", theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đi vào vấn đề cụ thể liên quan thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết nhiều ý kiến cho rằng, quy định tại dự thảo Luật liệt kê các trường hợp Nhà nước thu hồi đất rất cứng nhắc, chưa phản ánh đầy đủ và chưa khắc phục được căn cơ các vấn đề bất cập.

Quốc hội thảo luận dự Luật Đất đai, hàng loạt vấn đề chưa ngã ngũ - 1

Các đại biểu Quốc hội dự kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV (Ảnh: Phạm Thắng).

Có ý kiến đề nghị tách biệt rõ ràng giữa dự án phát triển kinh tế với dự án công cộng vì lợi ích quốc gia; xây dựng khái niệm riêng cho từng mục đích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế, phát triển xã hội; xây dựng tiêu chí nhận diện và phân loại chính xác các loại dự án.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị xác định rõ thu hồi đất hoàn toàn vì mục đích quốc gia, công cộng và thu hồi đất cho mục đích dịch vụ thương mại, dịch vụ thương mại đơn thuần lợi nhuận. Trường hợp hoàn toàn vì lợi ích quốc gia công cộng, Nhà nước thu hồi và bồi thường, hỗ trợ theo các nguyên tắc, đồng thời có chính sách khuyến khích, động viên để nhân dân tham gia.

Nếu dự án vì mục tiêu lợi nhuận của nhà đầu tư nhiều hơn, bắt buộc áp dụng cơ chế thị trường để đạt được sự đồng thuận giữa người dân và chủ đầu tư, cũng như bảo đảm quyền lợi cho người dân.

Cũng có ý kiến khác đề nghị tiếp tục nghiên cứu mở rộng trường hợp thuộc diện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

Quốc hội thảo luận dự Luật Đất đai, hàng loạt vấn đề chưa ngã ngũ - 2

Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu mở rộng trường hợp thuộc diện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. (Ảnh: Hải Long).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất có ưu điểm rõ ràng cho việc áp dụng thực hiện, đồng thời, khống chế các trường hợp thu hồi đất, bảo đảm chỉ thu hồi đất trong các trường hợp luật định, không thu hồi đất tràn lan. Việc thu hồi cũng phải đáp ứng điều kiện cần và đủ.

Cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cùng với cơ chế chuyển dịch đất đai thông qua việc Nhà nước thu hồi đất, dự thảo Luật tiếp tục quy định về cơ chế chuyển dịch đất đai thông qua việc thỏa thuận giữa những người sử dụng đất về nhận quyền sử dụng đất.

Khuyến khích người dân tự nguyện bàn giao diện tích đất bị thu hồi

Về điều kiện về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ quyết định thu hồi đất chỉ được ban hành sau khi đáp ứng một trong các điều kiện:

Quốc hội thảo luận dự Luật Đất đai, hàng loạt vấn đề chưa ngã ngũ - 3

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội (Ảnh: Phạm Thắng).

- Phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với trường hợp không phải bố trí tái định cư

- Người có đất bị thu hồi được bố trí tái định cư tại chỗ và đồng ý nhận tiền bồi thường chi phí tạm cư

- Người có đất bị thu hồi đã được cơ quan có thẩm quyền giao đất, bàn giao đất trên thực địa để tự xây dựng nhà ở tái định cư

- Người có đất bị thu hồi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bàn giao nhà ở tái định cư;

- Người có đất bị thu hồi đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bàn giao đất ở gắn liền với nhà ở tái định cư

- Người có đất bị thu hồi đồng ý và đã nhận tiền bồi thường để tự lo chỗ ở

- Người có đất bị thu hồi tự nguyện bàn giao đất cho Nhà nước và đã được bố trí tạm cư hoặc được chi trả kinh phí tạm cư.

Tiếp thu các ý kiến, dự thảo Luật đã bổ sung về một trong những trường hợp đáp ứng điều kiện đã hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư để ban hành quyết định thu hồi đất là sau khi "người có đất bị thu hồi tự nguyện bàn giao đất cho Nhà nước và đã được bố trí tạm cư hoặc được chi trả kinh phí tạm cư".

Quy định này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhằm khuyến khích người dân tự nguyện bàn giao diện tích đất bị thu hồi, góp phần đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cũng là góp phần giúp dự án đầu tư sớm được triển khai trên thực tế mà vẫn bảo đảm yêu cầu hạn chế ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 265 điều. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, dự thảo Luật đã bỏ 4 điều, bổ sung 6 điều, sửa đổi 229 điều. Quốc hội dự kiến thông qua luật này trong kỳ họp thứ 6.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận dự Luật Đất đai, hàng loạt vấn đề chưa "ngã ngũ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO