Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm các chức danh tại ba phiên ở kỳ họp thứ 6

Hà Mỹ| 18/09/2023 23:30

Tại kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10 tới, Quốc hội dự kiến tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Chiều 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.

Trình bày báo cáo tại kỳ họp, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết dự kiến phiên họp khai mạc vào 23/10 và bế mạc ngày 29/11.

Tổng thời gian làm việc dự kiến là 25 ngày, trong đó chia làm hai đợt họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Đợt một kéo dài từ ngày 23/10 đến 16/11; đợt hai từ ngày 24/11 đến sáng 29/11.

Một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp là Quốc hội dự kiến tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến một số cơ quan và căn cứ tình hình thực tế, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị bố trí nội dung lấy phiếu tín nhiệm tại 3 phiên họp.

Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm các chức danh tại ba phiên ở kỳ họp thứ 6 - 1

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp chiều 18/9 (Ảnh: Phạm Thắng).

Ngoài ra, tại kỳ họp sắp tới, Quốc hội cũng xem xét việc thí điểm một số cơ chế chính sách, thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, thực hiện kế hoạch tài chính năm 2023 và dự kiến kế hoạch 2024...

Cùng với đó, xem xét cơ chế chính sách đặc thù áp dụng cho các dự án đầu tư, chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, phê chuẩn...

Dự kiến Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn các vấn đề được cử tri, người dân cả nước quan tâm.

Việc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội lần này được tiến hành theo Nghị quyết 96 vừa được Quốc hội thông qua hôm 23/6 tại kỳ họp thứ 5.

Căn cứ Nghị quyết 96 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, Quốc hội sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn vào kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, và HĐND cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp cuối năm 2023.

Trước đó, Ban Công tác đại biểu cho biết sẽ tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.

"Hiện tại, Ban Công tác đại biểu đã rà soát, lập danh sách dự kiến người được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội", bà Thanh cho biết.

Thông tin thêm việc triển khai Nghị quyết số 96, Trưởng ban Công tác đại biểu nêu một số điểm mới như bổ sung đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh Tổng Thư ký Quốc hội; bỏ chức danh Ủy viên Thường trực của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện.

Nghị quyết cũng nêu rõ không lấy phiếu tín nhiệm đối với người đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm; không lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh Chủ tịch UBND quận tại thành phố Đà Nẵng và TPHCM, vì đây là chức danh do Chủ tịch UBND thành phố bổ nhiệm.

Nghị quyết của Quốc hội quy định người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" có thể xin từ chức; trường hợp không xin từ chức, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" trở lên thì trình Quốc hội, HĐND tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Tính đến nay, Quốc hội, HĐND 3 lần tiến hành lấy phiếu tín nhiệm vào năm 2013, 2014 và lần lấy phiếu tín nhiệm gần đây nhất vào năm 2018.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm các chức danh tại ba phiên ở kỳ họp thứ 6
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO