Quốc hội khai mạc kỳ họp cuối năm, lấy phiếu tín nhiệm 44 lãnh đạo

Hoài Thu| 23/10/2023 06:04

Trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 9 luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến vào 8 dự án luật khác. Đặc biệt, 44 vị trí lãnh đạo do Quốc hội bầu, phê chuẩn sẽ được lấy phiếu tín nhiệm.

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV khai mạc sáng 23/10, tại Hà Nội. Trước khi họp phiên khai mạc, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau khi họp phiên trù bị và biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp, Quốc hội bước vào họp Phiên khai mạc, được truyền hình và phát thanh trực tiếp.

Xem xét thông qua 9 luật, 1 nghị quyết

Kỳ họp dự kiến diễn ra trong 22 ngày, chia theo hai đợt: Đợt 1 họp trong 15 ngày, từ ngày 23/10 đến 10/11; đợt 2 họp trong 7 ngày, từ ngày 20/11 đến 28/11.

Về công tác lập pháp, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 dự án Luật bao gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Quốc hội khai mạc kỳ họp cuối năm, lấy phiếu tín nhiệm 44 lãnh đạo - 1

Phòng họp Diên Hồng trong kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV (Ảnh: Phạm Thắng).

Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 8 dự án Luật, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Liên quan tới các vấn đề kinh tế xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, Quốc hội sẽ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2023 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024.

Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ Kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 về phát triển kinh tế xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công… cũng như báo cáo công tác của các cơ quan tư pháp.

Quốc hội cũng tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4.

Lấy phiếu tín nhiệm hàng loạt chức danh

Như thông lệ, tại kỳ họp cuối năm của năm giữa nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội đã phê chuẩn và bầu 50 vị trí và đến thời điểm hiện tại, có 49 vị trí đang giữ các cương vị lãnh đạo.

Tuy nhiên, các chức danh gồm những người đã có thông báo nghỉ hưu và các trường hợp liên quan đến việc được bầu, bổ nhiệm năm 2023 sẽ không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm.

Quốc hội khai mạc kỳ họp cuối năm, lấy phiếu tín nhiệm 44 lãnh đạo - 2

Các đại biểu Quốc hội dự kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV (Ảnh: Phạm Thắng).

Xét theo tiêu chuẩn này, Quốc hội sẽ không tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 5 nhân sự được bầu, phê chuẩn bổ nhiệm trong năm 2023, gồm: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh.

Như vậy, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 44 chức danh. Danh sách này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội phê chuẩn chính thức vào ngày thứ hai của kỳ họp (24/10).

Phó trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được đầy đủ tất cả báo cáo của người có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm. Báo cáo đã được gửi đến các đại biểu Quốc hội trước 20 ngày để nghiên cứu và cho ý kiến.

Cũng theo ông Tuấn Anh, hai kênh đại biểu Quốc hội và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chưa nhận được thông tin phản ánh về người được lấy phiếu tín nhiệm.

Theo chương trình nghị sự dự kiến, Quốc hội dành 1,5 ngày để lấy phiếu tín nhiệm. Đại biểu Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với báo cáo kiểm điểm công tác, báo cáo kê khai tài sản của người lấy phiếu tín nhiệm.

Tính đến nay, Quốc hội đã 3 lần lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Lần đầu tiên là năm 2013, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm với 47 chức danh. Năm 2014, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 2 với 50 người và tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm với 48 chức danh.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/xa-hoi/quoc-hoi-khai-mac-ky-hop-cuoi-nam-lay-phieu-tin-nhiem-44-lanh-dao-20231022132101492.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/xa-hoi/quoc-hoi-khai-mac-ky-hop-cuoi-nam-lay-phieu-tin-nhiem-44-lanh-dao-20231022132101492.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội khai mạc kỳ họp cuối năm, lấy phiếu tín nhiệm 44 lãnh đạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO