Dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chiều 11/4.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết sau khi xin ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trình 5 chuyên đề để chọn 4, dự kiến giám sát cho năm sau.
Chuyên đề 1 là việc thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia.
Các dự án này gồm: Sân bay Long Thành; đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2016 - 2020 và 2021 - 2025; đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 TPHCM; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.
Chuyên đề 2 là việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19 của Trung ương đến hết năm 2023.
Chuyên đề 3 là việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Chuyên đề 4 là việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
Chuyên đề 5 là việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định lựa chọn các chuyên đề 1, 2, 3, 4 để trình Quốc hội.
Trong 4 chuyên đề trên, tại kỳ họp thứ 5 (dự kiến khai mạc ngày 22/5), Quốc hội sẽ thảo luận, chọn hai chuyên đề để giám sát tối cao trong năm 2024, hai chuyên đề còn lại sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát.
Góp ý vào nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng trong giám sát tính phản biện càng cao thì tính xây dựng càng cao.
Nhấn mạnh tính thời sự của chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý thị trường bất động sản gắn với thị trường vốn, mà thị trường vốn đang rất vướng nên qua giám sát cần có sự hỗ trợ cho thị trường này.
Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội, các kết luận, kiến nghị từ giám sát đi vào thực chất hơn. Tiêu biểu như giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí kèm theo phụ lục gửi các cơ quan được đánh giá rất cao khi rõ danh mục, địa chỉ, thời gian cụ thể. Hay giám sát về quy hoạch cũng gỡ được nhiều vấn đề, đáp ứng yêu cầu bức xúc hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần khoanh phạm vi giám sát lại cho hẹp hơn, để đảm bảo giám sát có trọng tâm, trọng điểm, sử dụng tốt các công cụ, số liệu từ các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để tiến hành giám sát.
Bên cạnh kết quả, ông Vương Đình Huệ thẳng thắn chỉ rõ những mặt chưa được, điển hình như có lúc, có nơi thực hiện giám sát còn hạn chế, tính phản biện chưa cao.
"Giám sát không có tính phản biện thì giám sát làm gì? Phản biện trên tinh thần xây dựng, động cơ trong sáng thì càng tạo điều kiện phát triển lâu dài", Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.
Ông Vương Đình Huệ cũng lưu ý trong tổ chức giám sát, việc đi nghiên cứu, làm việc với địa phương là tốt, song phải làm sao bớt phiền hà cho địa phương. Đặc biệt, phải phân biệt rõ vai đại biểu Quốc hội và vai thành viên đoàn giám sát.
Liên quan hoạt động giải trình, chất vấn tại Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, ông Vương Đình Huệ lưu ý cần bám sát thực tiễn, nhạy bén hơn trong từng lĩnh vực để nắm bắt những vấn đề nổi lên và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nhiều việc rất nóng xảy ra mà ít thấy các ủy ban vào cuộc, đây là điều nên rút kinh nghiệm.