Quốc hội đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Tài chính chuẩn bị tốt nội dung chất vấn

08/06/2022 17:28

Lựa chọn lĩnh vực tài chính để chất vấn tại kỳ họp Quốc hội đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.

Quốc hội đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Tài chính chuẩn bị tốt nội dung chất vấn - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Bộ trưởng Bộ Tài chính tuy lần đầu trả lời chất vấn nhưng đã có chuẩn bị tốt về nội dung, tập trung trả lời vào các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu kết thúc chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực tài chính, chiều 8/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, tài chính là lĩnh vực đa ngành, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Nhiều chính sách tài chính đều có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp nên việc lựa chọn lĩnh vực này để chất vấn tại kỳ họp đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.

Qua chất vấn và trả lời chất vấn các lĩnh vực, các vấn đề liên quan đến tài chính đã có 72 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn, 9 đại biểu tranh luận trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Tài chính. Các đại biểu đặt câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của một số Bộ trưởng, một số vấn đề liên quan đến điều hành chung của Chính phủ. Còn 45 đại biểu có câu hỏi nhưng do điều kiện thời gian chưa được chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu gửi câu hỏi đến Bộ trưởng Tài chính để được xem xét, trả lời bằng văn bản.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và xây dựng. Các câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội đã bám sát nội dung chất vấn cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn theo tinh thần đổi mới hoạt động chất vấn của Quốc hội. Quốc hội đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Tài chính tuy lần đầu trả lời chất vấn nhưng đã có chuẩn bị tốt về nội dung, tập trung trả lời vào các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã phát biểu làm rõ thêm một số nội dung mà các đại biểu quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, qua Báo cáo của Bộ trưởng gửi đến các đại biểu Quốc hội và diễn biến của phiên chất vấn cho thấy, trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động bất lợi từ kinh tế thế giới và dịch COVID-19, thu ngân sách khó khăn, chi ngân sách tăng cao để đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch, Chính phủ và Bộ Tài chính đã ban hành trong thẩm quyền, hoàn thiện trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nhiều nghị quyết triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm nguồn thu, đáp ứng nhiệm vụ chi. Thu ngân sách nhà nước năm 2021 tăng cao, tiến độ thu ngân sách 5 tháng đầu năm 2022 đạt khá. Các cân đối lớn được bảo đảm; kiểm soát được lạm phát, nợ công, bội chi ngân sách trong mức cho phép. Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và người lao động vượt qua mọi khó khăn do tác động của dịch bệnh.

Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 43 năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11, trong đó triển khai thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế và giảm bớt áp lực tăng giá hàng hóa. Việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã góp phần làm lành mạnh thị trường vốn, thị trường tài chính nói chung.

Các vấn đề trọng tâm

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính và các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, có các giải pháp hiệu quả để khắc phục, tập trung vào các vấn đề trọng tâm sau:

Khẩn trương ban hành đầy đủ hướng dẫn để thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Phê duyệt và triển khai Đề án huy động nguồn lực cho Chương trình, sửa đổi quy định về sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp. Rà soát các hướng dẫn chính sách thuế để triển khai hiệu quả trong thực tiễn, phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan để sớm điều hòa, phân bổ vốn cho dự án.

Thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bổ sung dự toán năm 2022, xây dựng dự toán năm 2023 và giải ngân được số tăng bội chi và các nguồn lực khác, dự kiến Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong 2 năm 2022-2023. Tiếp tục kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết của Quốc hội, nâng cao chất lượng tổng hợp, phân tích, dự báo, theo dõi sát tình hình kinh tế - chính trị, diễn biến lạm phát, giá cả các mặt hàng nhiên liệu, vật tư chiến lược trong nước và trên thế giới.

Xây dựng kịch bản, phương án ứng phó đối với từng mặt hàng để điều hành sản xuất, tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối, cân đối và điều hành cung cầu, bình ổn giá. Tính toán kỹ khi điều chỉnh đối với giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, các mặt hàng điều chỉnh giá theo lộ trình cần đánh giá kỹ tác động đến CPI.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, có giải pháp hỗ trợ người có thu nhập cho người yếu thế khi giá cả mặt hàng thiết yếu tăng cao, đặc biệt là giá xăng dầu và giá sách giáo khoa.

Sửa đổi, bổ sung quy định về mua sắm tập trung, đấu thầu mua sắm công, tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công. Nghiên cứu ban hành hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật, mức giá dự toán của tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung. Bảo đảm mua sắm các vật tư, dịch vụ thiết yếu liên quan đến đời sống người dân về y tế, giáo dục, an sinh xã hội và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định của pháp luật trong mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Khẩn trương ban hành danh mục, tỉ lệ vốn Nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp. Tập trung sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhất là Nghị định 32. Hoàn thiện các quy định về định giá doanh nghiệp, việc tính giá trị đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, cá thể hóa trách nhiệm trong cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhất là người đứng đầu.

Xây dựng và triển khai Đề án cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025 mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Tổ chức tái cơ cấu toàn diện thị trường vốn, thị trường chứng khoán theo Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025…

Hoàn thiện quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại, điện tử. Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội, tổ chức có liên quan để trao đổi, kết nối thông tin, quản lý thu. Hiện đại hóa công tác quản lý thuế, đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro đối với thương mại điện tử. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đối chiếu để chống thất thu và xử lý nghiêm các vi phạm.

Hải Liên

  • Tham khảo thêm

    Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Đang tích cực thúc đẩy triển khai hệ thống KRX cho thị trường chứng khoán

    Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Đang tích cực thúc đẩy triển khai hệ thống KRX cho thị trường chứng khoán
  • Tham khảo thêm

    Kết hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, tài khóa để kiểm soát lạm phát

    Kết hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, tài khóa để kiểm soát lạm phát
  • Tham khảo thêm

    TỔNG THUẬT: Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn

    TỔNG THUẬT: Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Quốc hội đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Tài chính chuẩn bị tốt nội dung chất vấn
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO